Xây dựng hệ thống kênh mương hồ chứa nước Bản Lải: Khó do thiếu vốn

Thứ 6, 09.08.2024 | 08:21:35
456 lượt xem

Hạng mục kênh mương thuộc dự án hồ Bản Lải giai đoạn 2 được đầu tư nhằm đấu nối với hạng mục kênh mương giai đoạn 1 để dẫn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, dự án đang thiếu vốn cho xây lắp và giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình. Hiện chủ đầu tư đang thực hiện các giải pháp để dự án không bị chậm tiến độ.

Công nhân Công ty Cổ phần xây dựng Đại An thực hiện hàn nối ống cống chất liệu HDPE tại tuyến nhánh xã Tú Đoạn

Hệ thống kênh mương dự án hồ Bản Lải giai đoạn 2 được xây dựng trên địa bàn các xã Khuất Xá, Tú Đoạn, Yên Khoái với tổng chiều dài hơn 33 km. Khi hoàn thành, công trình sẽ kết nối với hệ thống thủy lợi hiện hữu phục vụ tưới cho hơn 1.600 ha đất sản xuất nông nghiệp và 52 ha diện tích nuôi trồng thủy sản tại các xã: Khuất Xá, Tú Đoạn, Yên Khoái, Tú Mịch, Hữu Khánh. Đặc biệt, công trình cũng tạo thêm nguồn nước phục vụ phát triển công nghiệp tại các cụm công nghiệp khu vực thị trấn Na Dương. Chủ đầu tư thực hiện là Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

"Ban đã kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung vốn cho dự án năm 2024 và ưu tiên phân bổ cho công tác giải phóng mặt bằng chi trả cho người dân. Đây là điều kiện cực kỳ quan trọng để dự án đẩy nhanh tiến độ xây lắp khi mùa khô 2024 sắp đến." Ông Phạm Hải Bình, Trưởng ban Quản lý dự án

Ông Phạm Hải Bình, Trưởng ban Quản lý điều hành dự án thông tin: Đây là công trình có ý nghĩa to lớn nhằm khai thác nguồn nước hồ Bản Lải phục vụ đa mục tiêu phát triển kinh tế của các xã khu vực hạ lưu hồ chứa nước Bản Lải và vùng phụ cận huyện Lộc Bình. Toàn bộ hệ thống kênh mương được xây dựng bằng hệ thống đường ống bằng kết cấu cốt sợi thủy tinh và ống nhựa HDPE chôn sâu dưới lòng đất từ 1 đến 2 m. Dự án được triển khai bà con rất ủng hộ, nhưng nguồn vốn bố trí cho công trình chưa đáp ứng kế hoạch đề ra.

Tìm hiểu từ chủ đầu tư, dự án có tổng mức đầu tư hơn 230 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 3 năm (2023 - 2025). Tuy nhiên, vốn phân bổ cho dự án năm 2023 và năm 2024 mới bố trí được 55 tỷ đồng gồm: hạng mục xây lắp 30 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng 25 tỷ đồng, tương đương 30,7% giá trị xây lắp, giải phóng mặt bằng toàn dự án.

Ông Nguyễn Văn Tuyển, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lộc Bình cho biết: Diện tích thu hồi phục vụ xây lắp công trình là 15,79 ha, có 939 hộ bị ảnh hưởng. Từ đầu năm 2024 đến hết tháng 7/2024 trung tâm đã kiểm đếm xong 882 hộ gia đình, bàn giao mặt bằng được 4,76/15,79ha. Sở dĩ khối lượng mặt bằng đã bàn giao thấp do kế hoạch vốn cho công tác giải phóng mặt bằng chưa ứng được yêu cầu. Cuối tháng 7/2024 trung tâm đã tham mưu UBND huyện ban hành công văn gửi Vụ Kế hoạch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị bổ sung kế hoạch vốn cho công tác giải phóng mặt bằng năm 2024 với số vốn tăng thêm là 11,3 tỷ đồng.

Về thực hiện xây lắp các hạng mục dự án do liên danh 4 đơn vị thi công gồm: Công ty Cổ phần Xây dựng Đại An, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Thăng Long, Công ty TNHH cơ điện Hawaco, Công ty Cổ phần Xây dựng Hùng Vương. Trong đó Công ty Cổ phần Xây dựng Đại An đứng đầu liên danh.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng đảm nhiệm thi công (Công ty Cổ phần Xây dựng Đại An) cho biết: Nguồn vốn bố trí cho hạng mục xây lắp mới đạt khoảng 20% giá trị hợp đồng xây lắp, trong khi giá trị thực hiện của các nhà thầu đến nay đã đạt 33% hợp đồng. Không những vậy, khối lượng mặt bằng đã bàn giao cho nhà thầu đạt thấp và không liền khoảnh khiến cho việc tổ chức thi công vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn. Liên danh nhà thầu kiến nghị UBND huyện Lộc Bình đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng để các nhà thầu sớm có mặt bằng sạch thi công đồng bộ toàn tuyến.

"Liên danh các nhà thầu đã họp bàn và xây dựng kế hoạch huy động mọi nguồn lực để khi mùa khô năm 2024 đến là tăng tốc sản xuất trên công trường. Do đó, công tác mặt bằng cần phải rất khẩn trương mới đáp ứng được giá trị khối lượng đã cam kết với chủ đầu tư trong năm 2024 là phấn đấu hoàn thành 60% giá trị hợp đồng" - Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm

Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng đối với huyện Lộc Bình về chủ động nguồn nước tưới tiêu cho các xã khu vực hạ lưu của hồ Bản Lải. Đặc biệt, công trình cũng tạo thêm nguồn nước ổn định phục vụ xây dựng phát triển cụm công nghiệp khu vực thị trấn Na Dương, cũng như thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên để dự án đáp ứng được yêu cầu tiến, thì việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan trung ương bố trí đủ vốn cho dự án là rất quan trọng, cùng đó chủ đầu tư tiếp tục đôn đốc các nhà thầu khẩn trương hoàn thành xây lắp đối với các đoạn tuyến đã được bàn giao mặt bằng và xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các các đoạn tuyến tiếp theo đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra. 


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xay-dung-he-thong-kenh-muong-ho-chua-nuoc-ban-lai-khac-phuc-kho-khan-day-nhanh-tien-do-5017639.html

  • Từ khóa