Sôi động thị trường gọi xe

Chủ nhật, 11.08.2024 | 14:52:11
511 lượt xem

Dịch vụ gọi xe, chạy xe hợp đồng ngày càng đa dạng và có tính cá nhân hóa cao

Thị trường gọi xe hiện nay không chỉ bó hẹp trong loại hình taxi, xe công nghệ mà còn bao gồm xe chạy theo hợp đồng đưa rước học sinh, nhân viên văn phòng, công nhân; dịch vụ lái xe hộ khách hàng đã uống rượu bia... Sức hút lớn và dư địa còn nhiều nên thị trường này khá sôi động với nhiều nhà đầu tư lớn.

Cạnh tranh quyết liệt

Quy mô thị trường gọi xe tại Việt Nam năm 2024 ước tính đạt 880 triệu USD, tăng khoảng 160 triệu USD so với năm 2023. Dự báo tốc độ tăng trưởng thị trường trong giai đoạn tiếp theo là gần 20%/năm, tương đương 200 triệu USD/năm.

Trong khi quy mô thị trường ngày càng tăng thì tốc độ phát triển của một số loại hình gọi xe truyền thống có dấu hiệu chững lại, thậm chí sụt giảm mạnh. Chẳng hạn, thời điểm trước dịch COVID-19, hãng Vinasun duy trì hoạt động 6.000 - 7.000 đầu xe với lượng khách dồi dào nhưng sau đó, do nhu cầu giảm mạnh nên số đầu xe giảm đáng kể. Không riêng Vinasun, nhiều hãng taxi khác đã giảm mạnh số đầu xe so với trước dịch, khoảng 50%-70%. Ngay cả hãng xe công nghệ như Grab cũng giảm hàng chục ngàn xe trên hệ thống.

Xe điện VF 3 của hãng xe Việt VinFast được nhiều doanh nghiệp chọn mua để phục vụ dịch vụ đưa rước khách nhờ thiết kế nhỏ gọn, giá cả phù hợp

Xe điện VF 3 của hãng xe Việt VinFast được nhiều doanh nghiệp chọn mua để phục vụ dịch vụ đưa rước khách nhờ thiết kế nhỏ gọn, giá cả phù hợp

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, nhìn nhận thị trường gọi xe còn dư địa khá lớn và đang hồi phục sau giai đoạn dịch bệnh căng thẳng. Tuy nhiên, các hãng phải đầu tư lớn để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng. 

Dẫn chứng, ông Hỷ cho hay hãng Taxi Mai Linh đã ký hợp đồng mua gần 10.000 xe mới trong 5 năm tới, riêng năm nay sẽ nhận về hơn 2.000 xe. Vinasun đầu tư thêm 2.000 xe mới dòng hybrid, trong đó có 800 - 900 chiếc được đưa vào hoạt động trong năm 2024 này, số còn lại dành cho năm 2025.

Không phải là doanh nghiệp taxi lớn nhưng Công ty TNHH Đồng Thúy (sở hữu thương hiệu Lado Taxi) đã ký kết mua và thuê bổ sung 2.500 ô tô điện VinFast. Trước đó, hãng taxi này đầu tư 500 ô tô điện để thay thế xe chạy xăng hoạt động ở Lâm Đồng, Bình Định, Bình Thuận, Đồng Nai.

Các hãng taxi Bách Đại Dũng, Én Vàng, Xanh Sapa, Sun Taxi... cũng đầu tư thêm hàng ngàn xe điện để chạy dịch vụ taxi, dịch vụ đưa rước công nhân. Trong đó, Sun Taxi năm ngoái "chơi lớn" khi mua 3.000 xe điện VF5 Plus để thay dần xe xăng đang hoạt động tại Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận...

Lý do quan trọng để các hãng taxi mạo hiểm đầu tư lớn - dù nhiều công ty đang gặp khó khăn về tài chính - là thị trường đang phát triển trở lại khá tốt, nhu cầu đi lại tăng lên đáng kể, nhất là dịch vụ đưa đón học sinh và dịch vụ chở khách nhậu vì lo ngại nồng độ cồn. Nhiều hãng xác nhận có chiến lược đầu tư lớn để làm bàn đạp tăng tốc cho những năm tiếp theo.

Đa dạng dịch vụ

Nhận định thị trường gọi xe sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa, ông Võ Quốc Bình, đại diện Công ty CP Tập đoàn Togo (TP HCM), cho biết doanh nghiệp này đã ký hợp đồng mua hơn 2.000 ô tô điện để chạy dịch vụ. Theo kế hoạch, năm 2024, công ty sẽ nhận trước 500 chiếc và hiện đã nhận hơn 100 chiếc. Ngoài ra, công ty này còn ký hợp đồng nguyên tắc với hãng xe Việt VinFast để mua 1.000 chiếc VF 3.

Ông Võ Quốc Bình cho hay Công ty CP Tập đoàn Togo sẽ sử dụng ô tô điện mini VF 3 để phục vụ miễn phí hành khách đã uống rượu bia tại địa bàn TP HCM. Ngoài ra, công ty cung cấp dịch vụ đưa rước học sinh, nhân viên văn phòng, công nhân hoặc cá nhân có nhu cầu theo hình thức thuê bao tháng, với gói cước 2,89 triệu đồng/người/tháng với quãng đường 16 km cho cả đi và về.

"Mặc dù thị trường taxi truyền thống và xe công nghệ vẫn còn dư địa phát triển nhưng chúng tôi không tham gia, mà đi vào phân khúc khác. Bởi lẽ, với công suất hoạt động lớn, phương tiện thường nhanh hư hỏng, không bảo đảm chất lượng. Chưa kể, có tình trạng tài xế tranh giành khách, phóng nhanh vượt ẩu. Với nhu cầu về tính cá nhân hóa ngày càng cao, chúng tôi đi theo hướng phục vụ gói cước thuê bao cho cá nhân" - ông Bình lý giải chiến lược hoạt động.

ThS Trần Anh Tùng, Trưởng ngành Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, cho rằng các hãng taxi cần tái cấu trúc mô hình kinh doanh và đưa ra các dịch vụ hấp dẫn thì mới có thể phát triển. Chẳng hạn, cố gắng tăng chiết khấu, giảm giá cho người đặt xe trên các ứng dụng, cải thiện thái độ phục vụ của đội ngũ tài xế...


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/soi-dong-thi-truong-goi-xe-196240810202449588.htm 

  • Từ khóa