Nhân lên truyền thống cách mạng

Thứ 2, 19.08.2024 | 08:38:26
573 lượt xem

Trong những ngày Thu tháng Tám lịch sử, những người con quê hương Lạng Sơn lại bồi hồi nhắc nhớ về một thời chiến đấu gian khổ. Tinh thần Cách mạng Tháng Tám bất diệt luôn trong tâm khảm và là niềm tự hào để Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn chung sức, đồng lòng cùng cả nước thực hiện khát vọng hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc.

Mùa Thu tháng Tám năm 1945 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi, mở ra một trang sử mới, trang sử hào hùng nhất suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Ôn lại những năm tháng lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, thế hệ hôm nay lại càng nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá của Cách mạng Tháng Tám, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 79 năm qua.

   Những tháng năm hào hùng

Tháng Tám năm 1945, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai sắp kết thúc. Ngày 13/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh không điều kiện. Trước những chuyển biến nhanh chóng của tình hình chung, trong khi chờ đợi lệnh tổng khởi nghĩa, lực lượng cách mạng của ta đã chủ động theo dõi, nắm sát được tình hình địch đang có nhiều sơ hở, quần chúng cách mạng sục sôi khí thế, đòi hỏi được hành động.

Cán bộ Thư viện tỉnh giới thiệu các cuốn sách hay cho độc giả tại gian trưng bày sách chào mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng họp, quyết định tổng khởi nghĩa toàn quốc. Sau khi có lệnh Tổng khởi nghĩa, nhiều tỉnh đã nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Đặc biệt, ngày 19/8/1945, tại Hà Nội, khởi nghĩa giành chính quyền thành công đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng của cả nước.

Trong dòng chảy truyền thống, hào khí anh hùng của đất nước những ngày Thu lịch sử năm 1945, đồng bào, chiến sĩ Lạng Sơn đã đóng góp một phần rất quan trọng. Nắm bắt thời cơ cách mạng đến, ngày 19/8, tại Đồng Mỏ (Ôn Châu) dưới sự tổ chức của Ban Việt Minh châu, lực lượng vũ trang và quân cách mạng nổi dậy giành chính quyền thắng lợi. Cùng ngày, tại Hữu Lũng, lực lượng cách mạng nổi dậy tiến công quân Nhật, làm chủ phố Mẹt, cách mạng giành thắng lợi. Ngày 21/8, giành chính quyền huyện Tràng Định. Ngày 22/8, giải phóng hoàn toàn châu Thoát Lãng…

Với sự khôn khéo, mềm dẻo và nỗ lực phấn đấu, hy sinh của cán bộ, Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng cách mạng Lạng Sơn đã từng bước thực hiện thắng lợi sách lược đối phó với quân Tưởng và bọn tay sai, tiến lên giành chính quyền trong toàn tỉnh. Ngày 28/8, châu Lộc Bình giành chính quyền. Đầu tháng 9/1945, châu Đình Lập - huyện cuối cùng trong tỉnh giành thắng lợi.

Tháng 10/1945, một cuộc mít tinh lớn với hàng nghìn quần chúng cách mạng trong toàn tỉnh được tổ chức tại Khâm Nặm, Chợ Bãi (Bằng Mạc), UBND lâm thời tỉnh Lạng Sơn tuyên bố thành lập do đồng chí Lô Quang Nam làm Chủ tịch.

Đây là mốc son đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của Cách mạng Tháng Tám trên quê hương Lạng Sơn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là Bác Hồ kính yêu.

   Tiếp bước vinh quang

Nối tiếp tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Lạng Sơn đã vận dụng, huy động tối đa nhân lực, vật lực phục vụ chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần vào Chiến thắng đường 4, giải phóng biên giới, giải phóng Lạng Sơn năm 1950; luôn kiên cường trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ra sức chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, huy động các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển trên các lĩnh vực.

Kinh tế tỉnh Lạng Sơn duy trì ở mức độ khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 7,11%, cao hơn mức tăng bình quân của giai đoạn 2016 - 2020 (5,06%); trong 6 tháng đầu năm 2024, GRDP ước tăng 4,72% so với cùng kỳ năm 2023.

Việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn có nhiều chuyển biến. Hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện một số dự án lớn về lĩnh vực giao thông, khu đô thị, khu - cụm công nghiệp như dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT; dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng); dự án Khu công nghiệp VSIP và các dự án cụm công nghiệp... Tổng giá trị của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030 là 340 nghìn tỷ đồng. Khi các dự án này hoàn thành sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế của tỉnh trong tương lai.

Môi trường đầu tư, cải cách hành chính, chuyển đổi số được cải thiện, nâng cao. Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thành công cửa khẩu số; triển khai ứng dụng “Công dân số Xứ Lạng” trên quy mô toàn tỉnh; đứng thứ 2 toàn quốc về sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử; cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, là 1 trong 3 tỉnh, thành phố trong cả nước hoàn thành sớm mục tiêu.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh Lạng Sơn có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Chất lượng giáo dục - đào tạo được cải thiện, trên địa bàn tỉnh hiện có 293 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt trên 90% so với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng được nâng lên, mỗi năm tăng trên 2%. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực.

Thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh giới thiệu các tư liệu, hình ảnh về Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn trong kháng chiến chống pháp Ảnh: TUYẾT MAI

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.000 y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng; duy trì ổn định 200 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; có 11,3 bác sỹ và 33,6 giường bệnh/vạn dân. Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin của tỉnh đạt kết quả tốt, hằng năm luôn nằm trong nhóm 15 tỉnh dẫn đầu của cả nước. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được tỉnh chú trọng; quan tâm xây dựng, giữ gìn văn hóa, bản sắc con người Lạng Sơn cũng như phát triển du lịch.

Tỉnh Lạng Sơn thường xuyên chăm lo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh, toàn diện, đồng thời thực hiện tốt hoạt động đối ngoại trên cả ba trụ cột (đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân). Quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quảng Tây (Trung Quốc) được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu, nhiều thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực được ký kết. Cùng với đó, tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm mở rộng quan hệ, hợp tác với các địa phương khác của Trung Quốc và với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...

Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ tỉnh xác định là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn; công tác phát triển tổ chức cơ sở đảng, đảng viên luôn được Đảng bộ quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến tháng 6/2024, toàn Đảng bộ tỉnh có 685 tổ chức cơ sở đảng với 70.538 đảng viên. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng tiếp tục được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, khơi dậy và phát huy các nguồn lực trong Nhân dân.

79 năm kể từ mùa Thu độc lập năm 1945, tỉnh Lạng Sơn đã có những bước phát triển vượt bậc trên chặng đường đổi mới. Tự hào về đất nước, về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trong tỉnh đã và đang tiếp tục tích cực thi đua lao động, học tập và công tác, cùng chung sức đồng lòng đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và vững chắc.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/nhan-len-truyen-thong-cach-mang-5018573.html

  • Từ khóa