Thành phố Lạng Sơn: Đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng sản phẩm kế hoạch hóa gia đình

Thứ 4, 18.09.2024 | 00:00:00
163 lượt xem

Những năm qua, các cơ sở y tế công lập và tư nhân tại thành phố Lạng Sơn đã tích cực cung ứng sản phẩm, hàng hóa chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ).

Cán bộ Trạm Y tế phường Vĩnh Trại tư vấn sản phẩm chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến người dân

Thành phố Lạng Sơn hiện có 8 xã, phường với hơn 101.000 nhân  khẩu, trong đó có hơn 15.200 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 49 tuổi). Bà Hoàng Thị Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố cho biết: Xác định xã hội hóa cung ứng sản phẩm, hàng hóa chăm sóc SKSS/KHHGĐ đóng vai trò quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác dân số trong tình hình mới, những năm qua, chúng tôi đã tăng cường tư vấn, tuyên truyền vận động để người dân thay đổi nhận thức, chuyển từ được cấp phát sang chấp nhận chi trả khi sử dụng các sản phẩm, hàng hóa chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân.

Để thay đổi nhận thức của người dân trong lựa chọn, sử dụng hàng hóa chăm sóc SKSS/KHHGĐ, hằng năm, cơ quan dân số thành phố đã phối hợp, triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: lồng ghép tại các buổi tiêm chủng; nói chuyện chuyên đề tại các phường, xã...  Bình quân mỗi năm, thành phố tổ chức được khoảng 50 buổi tuyên truyền lồng ghép, 30 buổi nói chuyện chuyên đề cho hơn 5.000 lượt người tham gia.

Cùng với tuyên truyền, cơ quan dân số thành phố đã tăng cường cung ứng hàng hóa, sản phẩm chăm sóc SKSS/KHHGĐ và củng cố, phát triển mạng lưới cung ứng. Cụ thể, 8 phường, xã có 8 cán bộ chuyên trách dân số; 87 thôn, khối phố có tổng số 124 cộng tác viên dân số. Từ năm 2023 đến nay, cơ quan dân số thành phố đã tư vấn cho người dân lựa chọn, chi trả hơn 450 sản phẩm thuộc Đề án 818.

Cùng với các cơ sở y tế công lập, các cơ sở y tế tư nhân đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân khi có nhu cầu về sản phẩm chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 200 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, trong đó có khoảng 60% cơ sở (phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa sản, quầy thuốc, nhà thuốc) bày bán, cung cấp nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ KHHGĐ cho người dân với nhiều chủng loại đa dạng.

Bà Lý Thanh Tâm, chủ Nhà thuốc Tâm (đường Phai Vệ, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Nhà thuốc có khoảng 40 loại sản phẩm chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Với số lượng, chủng loại phong phú nên khi khách hàng có nhu cầu, nhân viên nhà thuốc luôn tư vấn kỹ lưỡng, giúp khách lựa chọn được sản phẩm phù hợp. Bình quân mỗi tháng, nhà thuốc bán được hơn 300 sản phẩm hàng hóa KHHGĐ.

Với những giải pháp trên, những năm qua, người dân trên địa bàn thành phố dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ, chăm sóc SKSS/KHHGĐ với 100% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thông tin tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.

Hiện nay, thành phố có trên 11.590 cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt 75,8%, tăng 5,4% so với năm 2023 và cao hơn mức bình quân của tỉnh 6,8%. Kết quả này cũng đã góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trên địa bàn qua các năm: năm 2022 là 9,5%, năm 2023 giảm xuống còn 8,2%, thấp hơn so với mức bình quân chung của toàn tỉnh (10,49%).

Chị Phan Thị T, khối 2, phường Hoàng Văn Thụ cho biết:  Những năm qua, nhờ đuợc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua trạm y tế... nên vợ chồng tôi thường xuyên áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn. Một số phương tiện tránh thai được vợ chồng tôi sử dụng do trạm y tế cung cấp, một số sản phẩm được mua ở quầy thuốc tư nhân, các sản phẩm này đều đảm bảo chất lượng. 

Với sự vào cuộc tích cực của cơ quan dân số, cơ sở y tế công lập và các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Qua đó, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác dân số, KHHGĐ trong tình hình mới.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/thanh-pho-lang-son-day-manh-xa-hoi-hoa-cung-ung-san-pham-ke-hoach-hoa-gia-dinh-5021116.html

  • Từ khóa