Nhiều dư địa để kinh tế Quảng Ngãi tăng tốc

Thứ 4, 02.10.2024 | 09:22:51
413 lượt xem

Là tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, nằm trên trục kinh tế bắc-nam và trục kinh tế đông-tây, Quảng Ngãi hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển đa dạng các ngành nghề kinh tế. Đặc biệt, dư địa để phát triển công nghiệp còn rất nhiều, là cơ hội để tỉnh thu hút, hợp tác đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề đến năm 2030, Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.

Theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, tại Khu kinh tế Dung Quất sẽ hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia.

Liên tiếp ba nhiệm kỳ qua, tỉnh Quảng Ngãi luôn xác định mục tiêu phát triển công nghiệp là nhiệm vụ đột phá, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã khai thác khá tốt các tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, đưa ngành công nghiệp Quảng Ngãi phát triển nhanh và mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế chủ đạo và mũi nhọn của tỉnh.

Kiên trì đột phá công nghiệp

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, ngoài Khu kinh tế Dung Quất, trên địa bàn tỉnh còn có Khu công nghiệp VSIP, Khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong, Phổ Phong và 20 cụm công nghiệp giữ vai trò là khu, cụm công nghiệp vệ tinh cho Khu kinh tế Dung Quất.

Song song với việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và đồng hành các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tập đoàn khi đầu tư vào tỉnh; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, xem sự phát triển của doanh nghiệp cũng là sự phát triển của tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh thu hút được 807 dự án với tổng vốn đầu tư 472.128 tỷ đồng, trong đó có 734 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 419.497 tỷ đồng và 73 dự án đầu tư FDI, với tổng vốn đăng ký 2.321 triệu USD, tương đương 52.631 tỷ đồng.

Chính việc thu hút nhiều dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn mang lại giá trị sản xuất công nghiệp và tác động lan tỏa cao đã đưa ngành công nghiệp Quảng Ngãi có sự bứt phá mạnh mẽ, với mức tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 16,8%/năm, tỷ trọng các ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ chiếm gần 80% GRDP của tỉnh. Điển hình, sau khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động không chỉ tạo sự khác biệt lớn trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi mà còn là nhân tố, động lực quan trọng để thu hút nhiều dự án đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất.

"Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, bức tranh công nghiệp Quảng Ngãi trong chín tháng đầu năm 2024 vẫn có nhiều điểm sáng. Sản xuất công nghiệp đang phục hồi tích cực, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng và chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng khá, giữ vai trò là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh", đồng chí Trần Phước Hiền đánh giá.

Dư địa để công nghiệp bứt phá

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang, Quảng Ngãi đang đứng trước những cơ hội phát triển mới trong bối cảnh Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Quy hoạch ngành và hơn nữa là Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt là căn cứ, tiền đề để tỉnh tiếp tục khai thác thế mạnh và tiềm năng sẵn có, đưa nền kinh tế Quảng Ngãi phát triển bứt phá, trở thành cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Với lợi thế bờ biển dài 130 km, hạ tầng giao thông kết nối phát triển đa phương thức cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không, tỉnh Quảng Ngãi còn nhiều tiềm năng, dư địa to lớn để phát triển kinh tế, khai thác hiệu quả thế mạnh về biển, nhất là phát triển công nghiệp nặng với hai ngành chủ lực là lọc hóa dầu và luyện cán thép; phát triển năng lượng và các ngành thương mại, dịch vụ logistics, du lịch biển.

Ngoài lợi thế về kết nối giao thông, Quảng Ngãi sở hữu hệ thống cảng biển nước sâu Dung Quất, là cảng tổng hợp quốc gia có các bến chuyên dùng đầu mối quy mô lớn gắn với Khu kinh tế Dung Quất, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 250.000 DWT.

Thời gian tới, chiến lược phát triển cảng biển Dung Quất sẽ tiếp tục được mở rộng, xứng tầm với cảng biển loại I quốc gia, đủ sức đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh và cả khu vực, góp phần phát triển hợp tác ngành hàng hải, đóng tàu, các hoạt động phụ trợ vận tải biển, khai thác cảng.

Với diện tích quy hoạch hơn 45.000 ha, Khu kinh tế Dung Quất - một trong năm khu kinh tế ven biển của đất nước có nhiều lợi thế, tiềm năng được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và có chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam.

Theo đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phát triển khu kinh tế này thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia.

Trọng tâm phát triển hiện tại của Khu kinh tế Dung Quất là tổ hợp lọc hóa dầu mà hạt nhân là Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện đang được đầu tư mở rộng công suất lên 7,6 triệu tấn dầu thô/năm và Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, công suất sáu triệu tấn/năm đã đi vào hoạt động; đang triển khai xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng chất lượng cao/năm, tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng.

Theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong tương lai, tại Khu kinh tế Dung Quất sẽ hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia. Đây là cơ hội thu hút những tập đoàn, nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực năng lượng, điện khí, hóa dầu, nghiên cứu đầu tư.

Song song đó, Quảng Ngãi còn có đảo tiền tiêu Lý Sơn là yếu tố thuận lợi để kêu gọi đầu tư phát triển mạnh hệ thống đô thị, du lịch ven biển, nhất là phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 35 khu vực khoáng sản đã được quy hoạch, trong đó khoáng sản có trữ lượng lớn là titan (khoảng 518.000 tấn khoáng vật nặng), sắt (khoảng 9,7 triệu tấn quặng) và thiếc (khoảng 4,8 triệu tấn quặng)...

"Ngoài 34 dự án thuộc các lĩnh vực công nghiệp; dịch vụ, du lịch; môi trường; hạ tầng đô thị, dịch vụ, thương mại; hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công nghiệp mới bán dẫn ưu tiên thu hút giai đoạn 2024-2025, tỉnh Quảng Ngãi luôn sẵn sàng chào đón và mời gọi doanh nghiệp, các tập đoàn đầu tư vào các dự án lớn có tính lan tỏa, kết nối, có giá trị tăng cao, phù hợp với quy hoạch tỉnh và tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương", đồng chí Nguyễn Hoàng Giang cho biết.

Để hỗ trợ Quảng Ngãi, trước mắt, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cần sớm hoàn thiện nút giao Trì Bình thuộc dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi để kết nối với Khu kinh tế Dung Quất và cảng Dung Quất nhằm tạo thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, gián tiếp giúp tỉnh thu hút đầu tư vào Dung Quất.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, dư địa để Quảng Ngãi tăng tốc phát triển kinh tế còn nhiều, nhất là tiềm năng to lớn phát triển kinh tế biển, tạo động lực tăng trưởng mới. Đồng chí đề nghị tỉnh cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đóng góp của sản xuất công nghiệp trong GRDP địa phương. Trong đó, cần tiếp tục khai thác hiệu quả những thế mạnh, tiềm năng sẵn có về các lĩnh vực công nghiệp nền tảng để đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu và mở rộng theo chuỗi giá trị; chú trọng phát triển công nghiệp địa phương nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Có cơ chế tạo quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ; chú trọng đầu tư phát triển hệ thống logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện nhằm phát triển Quảng Ngãi thành trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối khu vực miền trung, Tây Nguyên, các nước Đông Nam Á, cũng như là một cửa ngõ vận tải hàng hóa qua Biển Đông; chủ động thúc đẩy mối liên kết giữa Khu kinh tế Dung Quất với Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) để hình thành trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực duyên hải Trung Bộ và cả nước.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đề nghị, ngoài việc tận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Quảng Ngãi cần liên kết vùng nhằm tạo ra không gian kinh tế chung. Vấn đề cốt yếu trong liên kết vùng cần nghiên cứu chọn phân khúc trong cùng một sản phẩm hoặc một loại hình kinh tế để thu hút đầu tư theo hướng có sức cạnh tranh cao, tạo bước đột phá để nâng cao năng suất, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/nhieu-du-dia-de-kinh-te-quang-ngai-tang-toc-post834305.html

  • Từ khóa