Đề xuất miễn học phí con giáo viên: Trường tư xoay sở ra sao?

Thứ 5, 10.10.2024 | 14:43:55
409 lượt xem

Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên đặt ra nỗi băn khoăn với các trường ngoài công lập. Nếu đề xuất được thông qua, con giáo viên học trường tư sẽ được hưởng chính sách ra sao?

Cần làm rõ miễn học phí cho con giáo viên là miễn bao nhiêu

Dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng trên quan điểm không phân biệt nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập. Điều này có nghĩa các chính sách nếu được thông qua sẽ áp dụng chung cho cả giáo viên trường công lẫn trường tư, trong đó có chính sách miễn học phí cho con giáo viên.

Hiệu trưởng một trường THPT tư thục bày tỏ băn khoăn khi đề xuất chưa thể hiện các căn cứ thực tế.

Ông cho biết, chính sách này nếu được thực thi có thể sẽ tạo thêm gánh nặng tài chính cho các trường ngoài công lập, gián tiếp làm tăng áp lực học phí lên nhóm đối tượng học sinh không phải con giáo viên.

"Dự thảo đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, song cần hiểu chính xác và đầy đủ hơn về đối tượng thụ hưởng.

Học sinh tiểu học lâu nay được miễn học phí. Trẻ mầm non 5 tuổi đã được miễn học phí từ tháng 9/2024. Học sinh THCS được miễn học phí từ tháng 9/2025.

Lưu ý rằng, tất cả các chính sách này mới chỉ áp dụng với cơ sở giáo dục công lập. 

Như vậy, đề xuất thực tế chỉ có ý nghĩa với đối tượng con giáo viên là trẻ mầm non dưới 5 tuổi, học sinh THPT và sinh viên đại học mà thôi. 

Đồng thời, trong bảng tính ngân sách dự kiến, không có yếu tố nào về mặt chi phí thể hiện rằng học sinh trường tư là con giáo viên cũng sẽ được hưởng chính sách này", vị hiệu trưởng nêu quan điểm.

Đề xuất miễn học phí con giáo viên: Trường tư xoay sở ra sao? - 1

Giáo viên làm công tác coi thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: Hoàng Hồng).

Ông dẫn chứng, bảng tính ngân sách dự kiến lấy mức học phí trung bình theo Nghị định 81 và Nghị định 97. Theo đó, học phí áp dụng với học sinh THPT là 370.000 đồng/tháng, học phí áp dụng với sinh viên đại học là 1,3 triệu đồng/tháng. "Con số này không sát với thực tế", vị hiệu trưởng nhận định.

Thực tế, mức học phí đại học 1,3 triệu đồng/tháng là mức thu của các cơ sở đào tạo công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên. Với nhóm trường còn lại, học phí dao động phổ biến trong khoảng 1,7-2,2 triệu đồng/tháng. Với các chương trình tiên tiến, học phí có thể lên tới 5-6 triệu đồng/tháng.

Ví dụ tại Đại học Quốc gia Hà Nội, học phí của các trường thành viên ở mức phổ biến là 2-3,5 triệu đồng/tháng tùy theo ngành, chương trình đào tạo.

Với một số ngành đặc thù, học phí hệ chuẩn cũng lên đến 4-5 triệu đồng/tháng. Trong đó, học phí của Trường Đại học Y Dược là 5,5 triệu đồng/tháng.

"Vậy con số nào sẽ được dùng làm căn cứ để miễn học phí cho con giáo viên? Miễn học phí chính xác là miễn bao nhiêu? Với trường tư, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ bao nhiêu, các trường phải chi trả bao nhiêu? Đây là những nội dung cần làm rõ mới có thể góp ý, phản đối hay đồng tình. 

Nếu chính sách miễn học phí con giáo viên được thông qua mà trường tư không làm, vẫn thu học phí bình thường thì họ có vi phạm quy định hay không?

Nếu như trường tư phải thực hiện miễn học phí cho con giáo viên thì việc họ tăng thu ở nhóm còn lại để bù đắp phần chi là khả năng rất dễ xảy ra. Và vô tình các học sinh khác phải chịu tổn thất do chính sách ưu tiên với học sinh là con giáo viên", vị hiệu trưởng đặt ra các vấn đề trăn trở.


"Nếu chưa thực hiện được công bằng với tất cả các nhà giáo thì không nên đưa vào Luật"

Một vị hiệu trưởng trường liên cấp ngoài công lập khác nhận định đề xuất miễn học phí cho con giáo viên là một sự đột phá của Bộ Giáo dục và Đào tạo với mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.

Tuy nhiên, tính khả thi của đề xuất không cao.

"Trong giai đoạn này, tôi nghĩ rằng nếu đề xuất được thông qua cũng sẽ khó thực hiện được ngay bởi điều kiện kinh tế của đất nước chưa cho phép. 

Tôi dẫn chứng thế này, trong Luật Giáo dục 2019, điều 99, mục 3 có ghi: Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Nhưng thực tế, học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập hiện nay chưa được hỗ trợ học phí. 

Do đó, không có gì đảm bảo rằng chính sách miễn học phí con giáo viên sẽ đến được với giáo viên các trường tư thục. 

Các nhà giáo ở các trường tư thục đều mong muốn các chế độ, chính sách của nhà nước không phân biệt trường công hay trường tư. Vì dù là giáo viên trong cơ sở giáo dục nào thì sự cống hiến với nghề đều như nhau. 

Do đó, nếu chưa thực hiện được công bằng với tất cả các nhà giáo thì không nên đưa vào Luật", vị hiệu trưởng nêu quan điểm.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên cho rằng đề xuất này có nhiều điểm cần làm rõ thêm căn cứ. 

"Thứ nhất, chính sách này giải quyết vấn đề gì của xã hội, nhắm tới điều gì? Nếu là tạo động lực làm việc cho giáo viên thì đã khảo sát, nghiên cứu nguyện vọng của đông đảo giáo viên chưa? Có thật miễn học phí cho con giáo viên là mong mỏi của thầy cô không?

Thứ hai, những hậu quả nào đi kèm chính sách, liệu có công bằng giữa mọi ngành nghề, có công bằng giữa mọi em học sinh?", ông Nguyên đặt câu hỏi.

Ông Nguyên nhấn mạnh, nếu phải hỗ trợ một nhóm học sinh thì đó phải là nhóm yếu thế hơn, chứ không phải do các em là con của ai. Chưa kể giáo viên là lực lượng có thu nhập thường xuyên và bậc lương không thấp trong số công chức.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc/de-xuat-mien-hoc-phi-con-giao-vien-truong-tu-xoay-so-ra-sao-20241010112144473.htm

  • Từ khóa