Xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào hòa bình và phát triển bền vững

Thứ 4, 16.10.2024 | 14:30:51
50 lượt xem

Việt Nam và Lào là 2 nước láng giềng thân thiết, có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, cùng kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Ngày 16/10, tại tỉnh Quảng Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào dành cho 10 tỉnh biên giới Việt Nam - Lào.

Tham dự hội nghị có gần 250 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của các ban, ngành, lực lượng vũ trang 10 tỉnh có biên giới tiếp giáp với Lào, gồm: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum.

Xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào hòa bình và phát triển bền vững - 1

Hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào ngày 16/10 tại Quảng Nam (Ảnh: Công Bính).

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - khẳng định, Việt Nam và Lào là 2 nước láng giềng thân thiết, có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, gắn bó suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của 2 dân tộc, cùng kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Theo ông Mai, trong những năm qua, tình hình biên giới 2 nước được duy trì, đảm bảo ổn định. Lực lượng chức năng của 2 nước thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin, phối hợp giải quyết các vấn đề biên giới một cách kịp thời và hiệu quả như: ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quy chế biên giới, phòng, chống tội phạm xuyên biên giới. Đặc biệt là tội phạm ma túy, kích động, lôi kéo và đưa người vượt biên trái phép.

Lực lượng chức năng của 2 nước cũng đã phối hợp góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường khu vực biên giới, đẩy mạnh hợp tác phát triển cửa khẩu biên giới nhằm phục vụ tốt việc quản lý, kiểm soát qua lại biên giới và phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới Việt Nam - Lào.

Xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào hòa bình và phát triển bền vững - 2

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông (Lào) tuần tra song phương đoạn biên giới từ cột mốc 691 đến 702 (Ảnh: Bộ đội Biên phòng Quảng Nam).

"Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp; xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển đứng trước nhiều thách thức", ông Mai nhấn mạnh.

Ông Mai cũng cho hay, trong nước tình hình chính trị, kinh tế - xã hội ổn định, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đối ngoại nhân dân tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, uy tín, vị thế của đất nước không ngừng nâng lên.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch tiếp tục triệt để lợi dụng các vấn đề chủ quyền biên giới quốc gia, dân tộc, tôn giáo nhằm tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt để chống phá Việt Nam, chia rẽ quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, các cấp, ngành, địa phương khu vực biên giới cần tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa về nội dung, hình thức tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chú trọng tuyên truyền bằng ngôn ngữ của các dân tộc sinh sống ở khu vực biên giới và tuyên truyền đối ngoại về công tác biên giới trên đất liền.

Để duy trì tuyến biên giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, theo ông Mai, cần đổi mới phương thức tham gia xây dựng biên giới vững mạnh toàn diện, có chiều sâu, nhất là trong nắm tình hình địa bàn, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ đường biên, cột mốc.

Bên cạnh đó, ông Mai cũng cho rằng cần phải phát huy hơn nữa những kết quả tích cực đã đạt được trong triển khai nhiệm vụ, đảm bảo phối hợp giữa các lực lượng trong tuyên truyền giáo dục được chặt chẽ, kịp thời, đa chiều, toàn diện.

Xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào hòa bình và phát triển bền vững - 3

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Công Bính).

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lương Nguyễn Minh Triết - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - cho biết, công tác quản lý biên giới trên đất liền luôn được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông (Lào) đã thực hiện hiệu quả mô hình kết nghĩa thôn - bản hai bên biên giới. Đến nay, có 35 thôn/10 xã biên giới thuộc 2 huyện Tây Giang và Nam Giang kết nghĩa với 16 bản/3 cụm bản của huyện Kà Lừm và Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông.

"Mô hình này có ý nghĩa và đem lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt, trong đó, kết quả nổi bật là tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biên được giữ vững", ông Triết nói.

Ông nhấn mạnh, thông qua hoạt động giao lưu nhân dân đặc biệt này, cộng đồng dân cư hai bên biên giới không chỉ có cơ hội xây dựng, củng cố mối quan hệ gần gũi, thân thuộc mà còn có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/xay-dung-tuyen-bien-gioi-viet-lao-hoa-binh-va-phat-trien-ben-vung-20241016091930697.htm

  • Từ khóa