Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về nhận tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân của JICA

Thứ 5, 17.10.2024 | 15:15:52
390 lượt xem

Sáng 17/10, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Họp báo giữa kỳ tài khóa 2024 nhằm thông tin về kết quả hoạt động các dự án ODA của Nhật Bản trong nửa đầu tài khóa và kế hoạch cho nửa cuối tài khóa.

Ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam, chia sẻ tại họp báo.

Phát biểu tại họp báo, ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam, cho biết, năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Hai nước đã thống nhất nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới vào tháng 11.

Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị đó, JICA đã nỗ lực triển khai các dự án hỗ trợ công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam.

Trong năm tài khóa của Nhật Bản từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024, JICA Việt Nam đã ký kết các khoản vốn vay tổng giá trị lên tới 102,2 tỷ Yên (tương đương 678 triệu USD), chưa bao gồm tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân, mức cao nhất trong 6 năm qua kể từ năm 2017.

Hợp tác kỹ thuật đạt 5,2 tỷ Yên (tương đương 35 triệu USD), quy mô lớn nhất thế giới trong cùng năm tài khoá. Viện trợ không hoàn lại đạt 1,1 tỷ Yên (tương đương 7,5 triệu USD) vốn cam kết.

“Những chương trình và dự án kể trên đã kịp thời hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và đóng góp cả về hạ tầng kinh tế và phát triển nguồn nhân lực, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn”, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng theo ông Sugano Yuichi, người dân và doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục thể hiện sự quan tâm lớn đến Việt Nam, một quốc gia liên tục duy trì tăng trưởng ổn định và bền vững.

Việt Nam là nước đứng đầu trong số các nước mà JICA đang triển khai hợp tác với việc cử 45 tình nguyện viên Hợp tác hải ngoại Nhật Bản, 36 dự án đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản trong lĩnh vực phát triển bền vững (SDGs), 24 dự án hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở (Chương trình đối tác phát triển).

Ngoài ra, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới với 9 dự án thuộc chương trình “Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân” của JICA, chỉ sau Brazil.

Đối với từng dự án cụ thể, JICA Việt Nam tập trung vào ba trụ cột trọng điểm, gồm: tăng trưởng chất lượng cao, hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương, và phát triển nguồn nhân lực.

Thông tin về một số dự án cụ thể theo từng trụ cột, ông Sugano Yuichi cho biết, trong trụ cột về “tăng trưởng chất lượng cao”, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng ở TP Hồ Chí Minh - dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản đã được khánh thành hồi tháng 8 vừa qua.

Tại thời điểm khánh thành, đây là nhà máy xử lý nước thải có công suất lớn nhất Việt Nam và được kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước - một vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Ngoài ra, JICA cũng đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có quy mô lớn nhất tại Hà Nội, dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, dự án tuyến Metro số 1 tại TP Hồ Chí Minh được nhiều người quan tâm cũng đã bắt đầu chạy thử và TP Hồ Chí Minh đang gấp rút chuẩn bị để sớm đưa tuyến đường sắt đô thị này vào khai thác. JICA hi vọng tuyến Metro số 1 sẽ trở thành phương tiện đi lại quan trọng của người dân, góp phần giảm phát thải carbon thông qua việc giảm ùn tắc giao thông.

Trong trụ cột về “Hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương”, ông Sugano Yuichi cho hay, JICA đã phối hợp với chuyên gia cao cấp - cố vấn về quản lý rủi ro thiên tai được cử sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ ứng phó với cơn siêu bão Yagi vừa đổ bộ vào khu vực phía bắc, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Tám ngày sau khi bão đổ bộ, theo đề nghị của chính phủ Việt Nam, JICA đã kịp thời cung cấp hàng hóa viện trợ khẩn cấp bao gồm máy lọc nước và tấm trải nhựa cho quy mô 2.000 hộ ở tỉnh Yên Bái, một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề. Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét, sạt lở đất ở khu vực phía bắc, đập Sabo giúp giảm thiểu rủi ro sạt lở đất đang được xây dựng từ tháng 9 tại tỉnh Sơn La.

Bên cạnh đó, cũng tại tỉnh Sơn La, JICA đang xây dựng kế hoạch nhằm giảm thiểu rủi ro lũ quét, sạt lở đất, và cân nhắc việc triển khai xây dựng kế hoạch tương tự ở các khu vực phía bắc chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão vừa qua, hướng tới mục tiêu “Xây dựng lại tốt hơn” để tăng trưởng kinh tế không bị đình trệ bởi thiên tai.

Trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ, JICA đang chuẩn bị triển khai dự án hợp tác kỹ thuật mới nhằm tăng cường phòng chống viêm gan virus - một căn bệnh truyền nhiễm thường gặp ở Việt Nam. Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án viện trợ không hoàn lại, vào tháng 5, JICA đã ký thỏa thuận viện trợ và hiện đang triển khai thực hiện Dự án “Nâng cấp trang thiết bị y tế tại Bệnh viện K”, nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chẩn đoán và điều trị ung thư.

Đối với trụ cột cuối cùng - “Phát triển nguồn nhân lực”, ông Sugano Yuichi cho hay, năm 2024 đánh dấu 10 năm thành lập Đại học Việt Nhật. Vào tháng 7 năm nay, khóa sinh viên hệ đại học đầu tiên đã ra trường, hiện nay có 1.110 sinh viên đang theo học (tính đến ngày 6/9), bao gồm sinh viên hệ cao học.

Ngoài ra, trong Chương trình JICA Chair nhằm thúc đẩy nghiên cứu Nhật Bản, JICA phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) để biên soạn sách chuyên khảo cho sinh viên nhằm cung cấp một cách tổng quan về lịch sử quan hệ Nhật Bản-Việt Nam, dự kiến sách sẽ được xuất bản trong thời gian sắp tới.

Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, cơ quan sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ Nhật Bản-Việt Nam trong 50 năm tiếp theo.

Các dự án đã hoàn thành và các dự án đang triển khai theo từng loại hình hợp tác (từ tháng 10/2023-9/2024):

Hợp tác vốn vay ODA:

- 2 dự án đã hoàn thành, 23 dự án đang triển khai

- Số vốn cam kết: 102,207 tỷ Yên (khoảng 678 triệu USD)

Hợp tác kỹ thuật:

- 5 dự án đã hoàn thành, 33 dự án đang triển khai.

- Tổng chi phí: 5,219 tỷ Yên (khoảng 35 triệu USD)

- Số lượng người tham gia đào tạo tại Nhật Bản: 569

- Số lượng chuyên gia được cử đến Việt Nam: 636

Viện trợ không hoàn lại:

- 1 dự án đã hoàn thành, 4 dự án đang triển khai

- Số vốn cam kết: 1,133 tỷ Yên (khoảng 7,5 triệu USD)

Chương trình do các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản đề xuất:
- 12 dự án đã hoàn thành, 36 dự án đang triển khai (trong đó có 8 dự án mới).

Chương trình Đối tác phát triển:

- 2 dự án đã hoàn thành, 30 dự án đang triển khai (trong đó có 3 dự án mới).

Chương trình cử tình nguyện viên Hợp tác Hải ngoại Nhật Bản:

- 17 tình nguyện viên kết thúc nhiệm kỳ về nước, 23 tình nguyện viên mới được phái cử. Hiện có 45 tình nguyện viên đang hoạt động.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/viet-nam-dung-thu-2-the-gioi-ve-nhan-tai-tro-dau-tu-cho-khu-vuc-tu-nhan-cua-jica-post837145.html

  • Từ khóa