Lưu ý ôn thi lớp 10 theo chương trình mới

Thứ 6, 18.10.2024 | 14:26:05
315 lượt xem

Kỳ thi lớp 10 năm 2025 là kỳ thi lớp 10 đầu tiên theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Ngay khi Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM công bố cấu trúc và đề thi minh họa, các trường học tại thành phố đã gấp rút thực hiện kế hoạch dạy học, ôn tập, phụ đạo cho học sinh (HS).

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, ở môn ngữ văn, căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về đọc hiểu và viết trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là lớp 8 và 9. Trong đó, HS cần lưu ý một câu hỏi về tiếng Việt trong phần đọc hiểu văn bản văn học.

Đề thi được xây dựng theo định hướng tích hợp giữa đánh giá năng lực đọc hiểu và năng lực viết, nội dung trong phần viết liên quan văn bản ở phần đọc hiểu. Phần đọc hiểu quy định nguồn trích dẫn là ngữ liệu ngoài sách giáo khoa; loại văn bản là văn học và một trong 2 loại: văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin.

Tổng độ dài của các ngữ liệu trong đề thi không quá 1.300 chữ. Phần viết gồm 2 nội dung. Trong đó, phần viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phải đạt một trong 2 yêu cầu: Ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ hoặc một đoạn thơ; phân tích nội dung chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm và hiệu quả thẩm mỹ của nó. Phần viết bài văn cần đạt một trong 2 yêu cầu: Nghị luận về một vấn đề của đời sống, trình bày rõ vấn đề và ý kiến (đồng tình hay phản đối) của người viết về vấn đề đó, nêu được lý lẽ và bằng chứng thuyết phục; nghị luận về một vấn đề cần giải quyết, trình bày giải pháp khả thi và có sức thuyết phục.

Ở môn toán, phạm vi đánh giá chủ yếu ở lớp 8 và 9, bao gồm các mạch kiến thức: hình học và đo lường; số và đại số; thống kê và xác suất. Nội dung kiểm tra nhằm đánh giá năng lực tư duy và lập luận toán học, giải quyết vấn đề toán học; mô hình hóa toán học với định hướng yêu cầu HS biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tế. Khuyến khích HS tăng cường việc tự học, sáng tạo; tránh tình trạng học tủ, học vẹt. Nội dung kiểm tra đánh giá môn toán cũng nhằm giúp HS định hướng một số kiến thức, kỹ năng cần thiết khi bước vào cấp THPT.

Trong khi đó, với môn tiếng Anh, định hướng của đề thi là nhằm đánh giá năng lực ngôn ngữ. Không chỉ dựa trên kiến thức thuộc lòng ngữ pháp và từ vựng, HS còn phải thể hiện khả năng hiểu, vận dụng kiến thức ngôn ngữ vào ngữ cảnh phù hợp, nhất là các tình huống thực tế cuộc sống. Đề thi cũng nhằm đánh giá việc thay đổi cách dạy và học tiếng Anh từ Grammar Translation hay Direct Method sang kết hợp với Communicative Approach và ứng dụng ngôn ngữ vào tình huống thực tiễn. Phạm vi đánh giá bao gồm ngữ âm, cách phát âm các nguyên âm và phụ âm cơ bản, cách đặt dấu nhấn từ cho đúng. Trong phần từ vựng, ngữ pháp, HS cần thể hiện đa dạng các loại hình từ vựng, ngữ nghĩa từ, các điểm ngữ pháp theo khung chương trình. Trong phần giao tiếp, đề thi liên hệ tình huống thực tế để đánh giá khả năng hiểu và đáp lại của HS.

Ở phần đọc hiểu, HS đọc văn bản độ dài 180 - 200 chữ và tìm thông tin; đọc và điền chỗ khuyết một văn bản dài 80 - 100 chữ. Ở phần viết, HS cần viết đúng hình thức từ để hoàn thành câu có nghĩa phù hợp; viết câu đơn giản dựa theo thông tin cho sẵn, sử dụng khả năng về cấu trúc ngữ pháp, kết hợp từ.

Đề thi tiếng Anh năm 2025 sẽ có 2 câu hỏi mới về viết cụm từ phù hợp theo thông tin cho sẵn. Câu hỏi này nhằm kiểm tra khả năng đọc chú thích trong tự điển để tìm kiếm thông tin ngôn ngữ và vận dụng kiến thức của HS.


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/luu-y-on-thi-lop-10-theo-chuong-trinh-moi-196241017201547203.htm

  • Từ khóa