Triển khai học bạ số hiệu quả, đúng quy định

Thứ 3, 22.10.2024 | 08:17:25
398 lượt xem

Thời gian qua, ngành giáo dục tích cực triển khai các bước nhằm thí điểm và tiến tới triển khai rộng rãi học bạ số góp phần tạo sự minh bạch trong quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học sinh… Học bạ số được cho là giải pháp quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.

Tập huấn sử dụng học bạ số cho giáo viên tại Trường tiểu học Nam Tiến 1, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh Phương Ly)


Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), thực hiện việc thí điểm học bạ số cấp tiểu học, các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai, phối hợp các đơn vị cung cấp dịch vụ học bạ số tập huấn, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở giáo dục. Các địa phương phối hợp các nhà cung cấp cổng học bạ số, có các địa chỉ IP tĩnh, phân công cán bộ làm đầu mối liên hệ, thường trực xử lý về các vấn đề liên quan học bạ số tại địa phương.

Ðối với các đơn vị thuộc Bộ GD và ÐT, xây dựng xong chuẩn đặc tả kỹ thuật, chuẩn kết nối dữ liệu và cơ sở dữ liệu lưu trữ và chuẩn bị xong về hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai thí điểm, sẵn sàng tiếp nhận dữ liệu học bạ từ các địa phương.

Kết quả triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, toàn bộ các địa phương đăng ký và được cấp tài khoản kết nối về Kho học bạ số của Bộ. Trong đó, có 59 sở GD và ÐT gửi báo cáo học bạ số về kho học bạ số với 4,2 triệu học bạ số cấp tiểu học chiếm tỷ lệ 59,47% tổng số học bạ cấp tiểu học trong năm học 2023-2024).

Dù mới thí điểm nhưng nhiều địa phương đã có những giải pháp linh hoạt. Tại Bắc Giang, việc thí điểm học bạ số tiểu học được thực hiện trên nền tảng sẵn có là việc quản lý học bạ trên cơ sở dữ liệu ngành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục; vận hành quản lý và sử dụng học bạ điện tử cho toàn bộ học sinh tiểu học, tạo tiền đề cần thiết để tiến tới thực hiện thành công thí điểm học bạ số.

Ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang chú trọng vừa làm, vừa nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, vừa rút kinh nghiệm, linh hoạt thực hiện phù hợp điều kiện thực tế của địa phương và kịp thời điều chỉnh theo hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ GD và ÐT. Kết quả, hết năm học 2023-2024 có 242 trường tiểu học với tổng số học bạ số đã được ký phát hành là hơn 149 nghìn.

Trong khi đó, tại tỉnh miền núi Hòa Bình, các trường nằm cách xa nhau, quy mô trường lớp nhỏ, có nhiều điểm trường lẻ và lớp ghép, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, một số trường chưa có đủ thiết bị dạy học, nhất là phòng máy, mạng internet…

Tuy nhiên, ngành giáo dục đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số trong giáo dục và thí điểm học bạ số. Tính đến hết năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 222 trường tiểu học thí điểm học bạ số với gần 64 nghìn học sinh lớp 1 đến lớp 4 được tạo học bạ số, đạt tỷ lệ 100%.

Quá trình triển khai thí điểm còn một số khó khăn như: Công tác truyền thông, công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tâm lý e ngại của một số giáo viên, cán bộ quản lý, sự vào cuộc chưa quyết liệt của một số địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai học bạ số giúp giảm áp lực hồ sơ, sổ sách cho giáo viên; tăng tính minh bạch, bảo mật trong công tác quản lý và giúp các tổ chức xã hội nắm thông tin một cách khách quan, phát huy nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục.

Học bạ số góp phần thúc đẩy mạnh mẽ nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành giáo dục, thúc đẩy phát triển xã hội số…

Theo các chuyên gia giáo dục, việc triển khai học bạ số không chỉ dừng lại ở tiểu học mà cần tiếp tục triển khai cho các cơ sở giáo dục trung học nhằm tạo thuận tiện, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng học bạ số thay thế học bạ giấy góp phần cải cách hành chính; phù hợp điều kiện hạ tầng về công nghệ thông tin và cách tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục hiện nay.

Trưởng phòng GD và ÐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, Ngô Văn Hiền cho rằng, triển khai học bạ số toàn ngành giáo dục là chủ trương đúng đắn, cần thiết phải thực hiện nhằm bảo đảm sự liên thông, liên kết giữa các cấp bậc học. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, Bộ GD và ÐT cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để các cấp, các đơn vị tại địa phương triển khai; chi tiết hóa các quy định về phân cấp, phân quyền quản lý học bạ số.

Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Trọng cho rằng, việc triển khai học bạ số là xu hướng tất yếu, phù hợp bối cảnh xã hội chuyển đổi số hiện nay. Tuy nhiên, đối với các trung tâm giáo dục thường xuyên do còn chồng chéo cơ quan chủ quản, giáo viên của các trung tâm này chủ yếu là hợp đồng và thỉnh giảng, vì vậy lưu ý trong việc cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số.

Khi triển khai học bạ số cần ưu tiên rà soát, hoàn thiện toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật liên quan, bảo đảm sự phù hợp giữa quy định pháp luật chuyên ngành với các quy định pháp luật khác như Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Lưu trữ... trong đó, tập trung rà soát, sửa đổi một số văn bản quy định trực tiếp đối với nội dung quản lý, sử dụng học bạ của học sinh hiện nay.

Bộ trưởng GD và ÐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị tập trung phân tích khó khăn của những địa phương chưa làm được để có giải pháp phù hợp; triển khai học bạ số cho cấp tiểu học và trung học phải thống nhất trong cùng một hệ thống, không được có khoảng cách. Ðây là việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý điều hành, phục vụ sự giám sát và thực hiện các dịch vụ xã hội nếu cần thiết. Hệ thống đó kết nối với dịch vụ công quốc gia và sử dụng được trong VNeID. Các đơn vị được giao đầu mối triển khai thí điểm học bạ số cần xác định lộ trình thời gian triển khai sao cho khả thi, làm rõ mô hình kỹ thuật, rà soát hệ thống văn bản quy định để đề xuất điều chỉnh, bổ sung nếu cần thiết…


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/trien-khai-hoc-ba-so-hieu-quadung-quy-dinh-post837933.html

  • Từ khóa