Trả lời bạn xem truyền hình ngày 22/10/2024

Thứ 3, 22.10.2024 | 00:00:00
1,118 lượt xem

Thưa quý vị và các bạn

Trong chuyên mục tuần này chúng tôi xin được giải đáp những vướng mắc về pháp luật qua đơn thư chúng tôi đã tổng hợp được trong tuần qua như sau:


Câu 1. Ông Triệu Trần Chung trú tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn hỏi: Tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình được xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật? Việc cấm tiếp xúc trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 20 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình như sau:

1. Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình khi nhận tin báo, tố giác thì trong phạm vi quyền hạn của mình phải kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình theo thẩm quyền; đồng thời, thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình. 

2. Tổ chức, cá nhân quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều 19 của Luật này khi nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình phải thông báo ngay cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình và theo khả năng của mình tham gia ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xử lý hoặc phân công xử lý ngay khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình hoặc nhận được báo cáo về hành vi bạo lực gia đình của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà người bị bạo lực là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc hoặc hành vi bạo lực gia đình đã hoặc có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Công an xã) xử lý.

4. Trường hợp tin báo, tố giác về tội phạm thì việc tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. 

5. Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 25 quy định về cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc mỗi lần không quá 03 ngày trong các trường hợp sau đây:

a) Có đề nghị của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình. 

Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề nghị thì phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình;

b) Hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình.

2. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đề nghị quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; trường hợp không ra quyết định thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, tổ chức, người đề nghị biết. 

3. Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký ban hành và được gửi cho người có hành vi bạo lực gia đình, người bị bạo lực gia đình, Trưởng Công an xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố nơi cư trú của người bị bạo lực gia đình. 

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định cấm tiếp xúc có thẩm quyền hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc. Việc hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc thực hiện trong trường hợp sau đây:

a) Có yêu cầu của người đề nghị ra quyết định cấm tiếp xúc quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; 

b) Người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình không đồng ý với quyết định cấm tiếp xúc quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

c) Khi xét thấy biện pháp này không còn cần thiết.

5. Khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc, người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc.

6. Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc thì bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính để ngăn chặn bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ. 

7. Trường hợp gia đình có việc cưới, việc tang hoặc trường hợp đặc biệt khác mà người có hành vi bạo lực gia đình cần tiếp xúc với người bị bạo lực gia đình thì người có hành vi bạo lực gia đình phải thông báo với người được phân công giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc và cam kết không để xảy ra hành vi bạo lực gia đình. 


Câu 2. Ông Lương Văn Kim, trú tại xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng hỏi: nội dung áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: 

Chính phủ đã ban hành Nghị định 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Theo đó, nội dung giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm:

- Phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của người được giáo dục; Phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, về tác hại của việc sử dụng ma túy đối với sức khỏe, gia đình và cộng đồng cho đối tượng là người sử dụng trái phép chất ma túy.

- Giáo dục về kỹ năng sống, hỗ trợ học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ tìm việc làm cho người được giáo dục.

- Tổ chức cho người được giáo dục tham gia các hoạt động công ích tại cộng đồng với hình thức phù hợp.

- Giáo dục về truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước.

- Các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy việc phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.


Câu 3. Ông Hứa Văn Hoàng trú tại xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình hỏi? Hành vi sử dụng giấy phép lái xe ô tô hết hạn sử dụng bị pháp luật xử lý như thế nào?

Trả lời:

Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.

Trong đó, liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị định 123/2021/NĐ-CP đã tăng mạnh mức phạt với hành vi sử dụng Giấy phép lái xe ô tô hết hạn sử dụng, đồng thời rút ngắn thời hạn làm căn cứ tính mức xử phạt từ 06 tháng còn 03 tháng, cụ thể:

- Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 07 triệu đồng đối với người sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn dưới 03 tháng;

- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với người sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn từ 03 tháng trở lên.

  • Từ khóa