Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý kiến vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Thứ 5, 24.10.2024 | 08:09:31
453 lượt xem

Ngày 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đoàn ĐBQH tỉnh dự phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Đoàn ĐBQH tỉnh dự phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn gồm có 5 đại biểu do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên trình Quốc hội tại Kỳ họp này có 11 chương và 176 điều, tăng 3 điều và chỉnh lý nhiều điều, khoản cụ thể so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp trước.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường

Qua thảo luận, nhiều đại biểu tham gia góp ý vào quy định cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên; quan tâm về biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; các trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng quy định; việc thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội;…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7 và đã đạt được sự thống nhất, đồng thuận của các cơ quan, bảo đảm tính thống nhất với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu tập trung nêu ý kiến về: chính sách của nhà nước về di sản văn hóa; các hành vi bị nghiêm cấm; chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể; khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích, điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới; sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích; dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới;…

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến vào Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến vào Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Phát biểu ý kiến tại hội trường về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm quy định giao Chính phủ ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến các nội dung được quy định tại Điều 19 về Biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam, để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn, đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, biên soạn, lưu giữ, truyền dạy, dịch thuật, biên tập, xuất bản sách; cân nhắc điều chỉnh, bổ sung phù hợp tại Điều 32 để đảm bảo rõ nghĩa hơn, đồng thời có sự cân nhắc tính đồng bộ với khoản 4 Điều 11 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể là: “Việc bầu, cử người đại diện hoặc thành lập ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa”.  

Đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm một khoản quy định về hội truyền thống vào Điều 10 của dự thảo luật nhằm đảm bảo việc sử dụng tên gọi trong thực tiễn thuận lợi, không bị nhầm lẫn, tranh cãi và có nhiều ý kiến khác nhau về việc sử dụng cụm từ lễ hội truyền thống hay hội truyền thống; bổ sung thêm cụm từ “điều chỉnh biến động di sản tư liệu (nếu có)” vào khoản 1 Điều 54 về Kiểm kê di sản tư liệu và danh mục kiểm kê di sản tư liệu, đồng thời nên cân nhắc khoảng thời gian định kỳ “hằng năm”, có thể là 5 năm, tuỳ theo điều kiện thực tiễn tại địa phương.

Đại biểu Lưu Bá Mạc cũng đề nghị ban soạn thảo làm rõ đối với di tích phân bố từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì chủ tịch UBND tỉnh của tỉnh nào sẽ quyết định thành lập, đồng thời, làm rõ hơn cụm từ “trình cấp có thẩm quyền” ở đây là cấp nào.

Đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định cụ thể về nhiệm vụ của bảo tàng; thêm đối tượng được hưởng chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể; cân nhắc, bổ sung nội dung cấm “Cải tiến, thay đổi tiếng nói, chữ viết quốc gia và của các dân tộc Việt Nam khi chưa được Nhà nước cho phép”…


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-gop-y-kien-vao-du-thao-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-5026066.html

  • Từ khóa