Thấy cơ hội kiếm tiền thông qua các nền tảng mạng xã hội, nhiều người có ý định bỏ việc để chạy theo nhưng thực tế không dễ "ăn"
Để cạnh tranh thị phần, một số nền tảng mạng xã hội đang hoạt động tại Việt Nam đã triển khai nhiều dịch vụ tiện ích như liên kết bán hàng, trả tiền cho các nội dung sáng tạo, nhờ đó mở ra cơ hội kiếm tiền cho người dùng.
Mỏ vàng?
Mới đây, YouTube ra mắt tính năng YouTube Shopping cho phép người dùng gắn link sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Shopee vào video shorts, livestream... để nhận phần trăm hoa hồng từ mỗi sản phẩm bán ra. Hình thức này tương tự việc gắn giỏ hàng mà TikTok Shop đã triển khai khá hiệu quả thời gian qua.
Không thể đứng ngoài, mạng xã hội Facebook - vốn bị lép vế trong cuộc đua thu hút nhà bán hàng bởi tương tác kém - cũng cho biết sẽ giới thiệu tính năng Facebook Live Shopping trong ít ngày nữa. Tính năng này cho phép người dùng mua sắm trực tuyến thuận lợi và hứa hẹn tăng doanh thu cho nhà bán hàng trên nền tảng.
Trong khi đó, mạng xã hội X (trước đây là Twitter) đã bán "tick xanh" với giá 8-16 USD/tháng, hướng người dùng trở thành nhà sáng tạo nội dung để kiếm tiền trên nền tảng. Cách kiếm tiền này trước đó đã được nhiều người nổi tiếng, KOLs... trên YouTube, Facebook tận dụng thành công.
Sự chuyển động của các nền tảng mạng xã hội cho thấy đây không đơn thuần là nơi để chia sẻ thông tin, trò chuyện mà còn là kênh giúp cá nhân, doanh nghiệp có thể kinh doanh, kiếm tiền. Nhiều thành viên của các Fanpage như 999 YouTube (109.200 thành viên), Kiếm tiền online (34.000 thành viên)... hào hứng bàn luận và rủ nhau nắm bắt cơ hội tăng thu nhập trong lúc chính sách của nền tảng còn "dễ chịu". Không ít KOL, "chiến thần livestream" vốn đã thành công ở nền tảng TikTok cũng cho biết có thể mở rộng kênh hoạt động sang YouTube, Facebook.
Thực tế, có nhiều KOL chỉ mới tham gia các nền tảng mạng xã hội nhưng đã có lượng người xem và người theo dõi khá "khủng", nhiều clip đạt triệu view cùng mức độ tương tác lớn. Ví dụ, kênh YouTube Le Trinh do MCV Group quản lý sau 1 tháng thành lập đã được bật kiếm tiền, đạt 100.000 lượt đăng ký và nhận nút bạc. Năm 2024, kênh này phát triển rất nhanh với 12 video lên tốp trending, tăng 400.000 lượt đăng ký lên tổng số 969.000 lượt, đạt hơn 560 triệu lượt xem và sắp chạm nút vàng. Một kênh YouTube khác phối hợp với MCV Group là B&T Official cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng 100%/tháng, hiện đạt 807.000 lượt đăng ký.
Trên nền tảng Facebook, trang Nga Sumo nổi tiếng với các clip về ăn uống được nhiều người yêu thích, như video so tài ăn 8 gói mì và 0,5 kg mực đạt 12,2 triệu lượt xem cùng 27.000 lượt tương tác. Trang Facebook Ty Thy Vlog đăng tải các video về cuộc sống hằng ngày hài hước và có thông điệp tích cực cũng được coi là "case study" để tham khảo về hướng kiếm tiền trên mạng xã hội.
Để kiếm tiền từ các nền tảng mạng xã hội, cần phải bỏ ra nhiều thời gian, tiền bạc, công sức và nắm chắc điều khoản của nền tảng, cách “bắt trend”...
Cần kiến thức lẫn sự kiên nhẫn
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện MCV Group - công ty chuyên sản xuất nội dung và hỗ trợ nhà sáng tạo nội dung - nhận định kiếm tiền trên Facebook, YouTube, TikTok vẫn đang là xu hướng. Các nền tảng cạnh tranh thị phần bằng cách tung ra các tính năng kiếm tiền mới như liên kết với sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp để gắn giỏ hàng hay quảng cáo trên video.
Theo báo cáo của We are social - công ty phân tích mạng xã hội toàn cầu, người Việt dành hơn 2 giờ mỗi ngày để lướt mạng xã hội, cho thấy có nhiều cơ hội để người dùng tham gia kiếm tiền trên mạng. Tuy nhiên, đại diện MCV Group khuyến cáo cần tìm hiểu kỹ quy định của nền tảng, xu hướng và cách thức thu hút người xem. Chẳng hạn, muốn kiếm tiền từ video và tăng đề xuất trên Facebook, YouTube, phải bảo đảm nội dung không bị cấm, đủ điều kiện cho quảng cáo trong luồng, không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng... "Để kiếm tiền trên mạng, cần có sự kiên nhẫn, hiểu biết về nền tảng, chịu được áp lực thay đổi bản thân và ê-kíp tốt. Lĩnh vực này đang là "trend" nhưng không dễ ăn" - đại diện MCV Group nhìn nhận.
Ông Nguyễn Văn Thức, Giám đốc điều hành KEYSTONE, đánh giá công việc kiếm tiền thông qua hình thức sáng tạo nội dung, tiếp thị liên kết (affiliate)... trên các nền tảng đang chịu sự cạnh tranh rất lớn. Người tham gia cuộc chơi này vừa phải có "duyên" với nghề vừa phải am hiểu trí tuệ nhân tạo, chính sách của các nền tảng. "Trong bối cảnh công nghệ phát triển, người dùng có thể tận dụng trí tuệ nhân tạo để viết kịch bản, chuẩn hóa SEO, tìm kiếm các hoạt động đang lên xu hướng để bắt trend" - ông Thức gợi ý.
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/mo-kenh-kiem-tien-tren-mang-khong-de-196241026201131253.htm