Thời gian qua, nhiều sản phẩm AI "thuần Việt" đã ra đời, phục vụ nhiều lĩnh vực: bán hàng, marketing, phát triển phần mềm, chăm sóc khách hàng...
Cuối tháng 9-2024, Trung tâm Truyền thông thanh thiếu nhi thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã phối hợp với Công ty LovinBot và Công ty Dizim ra mắt ứng dụng trợ lý trí tuệ nhân tạo (AI) với tên gọi "AI của Đoàn".
Công cụ này hỗ trợ cán bộ Đoàn sáng tạo sản phẩm truyền thông - từ lên ý tưởng, lập kế hoạch đến sản xuất nội dung.
Nhà mạng MobiFone mới đây cũng ra mắt kho ứng dụng MobiAI với hơn 160 sản phẩm liên quan AI, giúp người dùng Việt không tốn nhiều thời gian tìm các công cụ AI ở nhiều nguồn khác nhau và có thể đáp ứng nhu cầu giải trí, học tập, kinh doanh. Chi phí sử dụng 3.000 - 5.000 đồng/ngày.
Thời gian qua, nhiều sản phẩm AI "thuần Việt" đã ra đời, phục vụ nhiều lĩnh vực gồm bán hàng, marketing, phát triển phần mềm, chăm sóc khách hàng... Ứng dụng AI ViGPT của Công ty CP VinBigdata (thuộc Tập đoàn Vingroup) được đưa vào sử dụng mới đây có nhiều điểm khác biệt và lợi thế so với các ứng dụng khác. Cụ thể, thông tin tập trung vào các lĩnh vực đặc thù của Việt Nam, bao gồm pháp luật, lịch sử, văn hóa, danh nhân, danh lam thắng cảnh, đặc trưng vùng miền...
Hay trợ lý AI của nhà mạng VNPT giúp tư vấn, chăm sóc khách hàng 24/7 trên các nền tảng như website, tổng đài, ứng dụng. Bên cạnh đó, VNPT cũng đầu tư và triển khai nền tảng AI phân tích cảm xúc cuộc gọi nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trong lĩnh vực y tế, cuối năm 2023, Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Tập đoàn VNPT đã nghiên cứu đưa AI vào ứng dụng để hỗ trợ sàng lọc, chẩn đoán ung thư tuyến giáp. Theo PGS-TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, dựa trên phim siêu âm, hệ thống sẽ đưa ra tỉ lệ khả năng nhân tuyến giáp lành tính hoặc ác tính. Đây là công cụ góp phần tối ưu hóa và gia tăng hiệu quả sàng lọc bệnh, giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí và thời gian.
Theo PGS Dương, hệ thống giúp mang lại cơ sở khoa học, gia tăng tính chính xác khi bác sĩ đưa ra quyết định nhân tuyến giáp là lành tính hay ác tính, giảm thiểu tình trạng chỉ định chọc tế bào không hợp lý, bỏ sót ung thư tuyến giáp hoặc chỉ định chọc tế bào không cần thiết. Bệnh viện Nội tiết Trung ương đang thu thập và chuẩn hóa dữ liệu ảnh phục vụ dự án. Mục tiêu là thu thập và chuẩn hóa 30.000 dữ liệu ảnh siêu âm từ hơn 10.000 bệnh nhân tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
Theo báo cáo của hãng tư vấn toàn cầu IMARC Group, thị trường AI của Việt Nam năm 2023 có giá trị 547,1 triệu USD, dự báo tăng lên 2,06 tỉ USD vào năm 2032, tăng trưởng 15,8%/năm.
Ông Nguyễn Công Sơn, nhân viên một công ty công nghệ tại TP HCM, nhận xét các ứng dụng AI do người Việt tạo ra ngày càng hoàn thiện, khả năng xử lý thông tin nhanh hơn, giao diện chuyên nghiệp hơn. "AI của Việt Nam đang được tích hợp trên nhiều ứng dụng, giúp nhận diện khuôn mặt, tìm kiếm thông tin, chuyển văn bản thành giọng nói và ngược lại chỉ trong 1-2 phút... Tuy nhiên, vẫn cần cải thiện khả năng xử lý dữ liệu lớn" - ông Sơn góp ý.
Chuyên gia công nghệ Phạm Đình Thắng đánh giá sự ra đời của nhiều ứng dụng AI trong thời gian qua đã cho thấy tiềm năng phát triển công nghệ này tại Việt Nam rất lớn. Sự quan tâm của Chính phủ đối với lĩnh vực này là điều kiện và bước đệm để các start-up công nghệ hoặc doanh nghiệp lớn phát triển cùng. "Cần xây dựng thêm các công cụ AI đưa vào hoạt động sản xuất để tối ưu hóa quy trình, quản lý dây chuyền; AI dành cho người bán hàng có thể tương tác với khách hàng tốt nhất, hiểu cảm xúc và chốt đơn... Không nên phát triển công cụ AI chung chung, dàn trải ở nhiều lĩnh vực nhưng kết quả không cao" - ông Thắng góp ý.
Số lượng chuyên gia AI có kỹ năng và nhiều kinh nghiệm để triển khai các dự án AI lớn vẫn còn hạn chế; nhân sự chuyên môn AI chưa thực sự sâu. Bên cạnh đó, để phát triển AI ứng dụng chuyên sâu cần nguồn vốn lớn trong khi doanh nghiệp phát triển AI chủ yếu là start-up, do đó cần sự hỗ trợ rất lớn về nguồn vốn và định hướng.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp an ninh mạng Việt Nam, chỉ ra việc triển khai AI tại Việt Nam còn gặp thách thức liên quan pháp lý, bảo mật thông tin, hạn chế về hạ tầng công nghệ và thiếu sự phối hợp giữa doanh nghiệp, chuyên gia với cơ quan nhà nước. "Việt Nam cần có quy định pháp lý và khung chính sách rõ ràng để bảo đảm quyền riêng tư và an toàn thông tin trong phát triển công nghệ AI" - ông Nguyên đề xuất.
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/no-ro-ung-dung-ai-cua-nguoi-viet-196241026201540638.htm