Lắng nghe cử tri, quyết đáp những vấn đề cấp bách từ thực tiễn

Thứ 2, 28.10.2024 | 08:20:50
377 lượt xem

Kết thúc tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội hoàn thành nhiều công việc quan trọng. Tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của nhiệm kỳ với nỗ lực, quyết tâm hoàn thiện thể chế, bên cạnh công tác giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã và đang hoàn thiện công tác lập pháp.

Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh ĐĂNG KHOA)


Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã thông qua 43 luật, hơn 60 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 45 nghị quyết và 3 pháp lệnh. Đây là khối lượng công việc rất lớn, thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” về thể chế, để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

Cử tri kỳ vọng công tác xây dựng pháp luật sẽ từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Trước những kết quả đạt được của Quốc hội, Chính phủ, tại các cuộc tiếp xúc cử tri vừa qua tại nhiều địa phương, cử tri thẳng thắn nhìn nhận, công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật trên nhiều lĩnh vực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, còn những mâu thuẫn, chồng chéo, điểm “vênh” trong các quy định pháp luật, “thông” chỗ này nhưng vẫn “tắc” chỗ kia... Vẫn còn rào cản trong thủ tục hành chính, gây tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Lắng nghe cử tri, quyết đáp những vấn đề cấp bách từ thực tiễn ảnh 1

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 9 sáng 26/10. (Ảnh MỸ HÀ)

Nội dung lớn được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp lần này và nội dung chỉ đạo tại nhiều phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ, trong thông điệp gửi gắm đến cử tri đó là: Kiểm soát quyền lực, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các luật, nghị quyết, bảo đảm khi được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thực thi luật đạt hiệu quả cao nhất.

Yêu cầu đặt ra với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành: Để tạo được hệ thống pháp luật thống nhất, chặt chẽ đòi hỏi phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, kiểm soát chặt, triệt để ngăn ngừa xảy ra “tham nhũng chính sách”. Yếu tố đầu tiên là phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, vượt qua lợi ích bộ, ngành trong quá trình xây dựng các chính sách; mặt khác, nâng cao trách nhiệm của cơ quan thẩm định và cơ quan thẩm tra.

Tại buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, cử tri thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, các huyện: Vị Thủy, Phụng Hiệp, Châu Thành, Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang), nhiều cử tri phản ánh và đề đạt với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn các vấn đề về bảo hiểm y tế, hoạt động của tổ chức công đoàn, giải pháp giải quyết tình trạng quảng cáo sai phạm tràn lan trên các nền tảng xã hội; về chế độ chính sách “giữ chân” đội ngũ giáo viên; chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng với người dân phải di dời do triển khai các công trình, dự án...

Cử tri Bùi Danh Dũng (thành phố Ngã Bảy) đánh giá cao chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta chăm lo sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, cử tri thẳng thắn nêu, “chi phí đóng bảo hiểm y tế tăng trong khi thuốc men lại chưa đáp ứng đầy đủ, người dân phải mua thuốc ngoài, tinh thần và thái độ phục vụ chất lượng không tăng”. Cử tri đề nghị tiền đóng bảo hiểm tăng thì thuốc phải tăng, chất lượng phục vụ cũng phải tương xứng...

Những nội dung cụ thể như vậy sẽ được đặt lên bàn nghị sự tại kỳ họp này. Với tinh thần đó, các đại biểu Quốc hội cùng thảo luận thấu đáo, tìm sự thống nhất qua việc ban hành các nghị quyết riêng để tháo gỡ vướng mắc trong những quy định của các luật. Từng đại biểu đều xác định đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, thay đổi tư duy truyền thống trong công tác lập pháp “không quản được thì cấm”. Xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, mở rộng không gian, tạo đà cho phát triển.

Trong thời gian một tháng làm việc, trong những ngày tới các đại biểu Quốc hội tiếp tục dành phần lớn thời gian để thảo luận 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết, trong đó, Quốc hội xem xét, thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. Các nội dung này liên quan nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, nhân dân cả nước rất quan tâm, kỳ vọng.

Thực hiện chương trình bận rộn của Kỳ họp thứ 8, khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp, phạm vi tác động rộng, các đại biểu Quốc hội sẽ làm việc xuyên 3 ngày thứ bảy, các cơ quan của Quốc hội cũng làm việc ngoài giờ để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội. Tinh thần khẩn trương với trách nhiệm cao nhất, như Chủ tịch Quốc hội nhiều lần khẳng định: Quốc hội, đại biểu Quốc hội luôn sẵn sàng làm việc ngoài giờ, nếu hồ sơ các nội dung được Chính phủ, các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chuẩn bị đầy đủ, bảo đảm chất lượng.

Chia sẻ với các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết: Khối lượng công việc của Quốc hội tại kỳ họp này rất lớn đòi hỏi Quốc hội phải làm việc nhiều hơn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trên tinh thần “tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó”. “Cử tri và nhân dân rất kỳ vọng vào Kỳ họp thứ 8 để Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng thuộc nhiều lĩnh vực. Nhân dân tin tưởng, Quốc hội phải làm việc hết sức mình!”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Tuần này, Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Quốc hội thảo luận các dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia...


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/lang-nghe-cu-tri-quyet-dap-nhung-van-de-cap-bach-tu-thuc-tien-post839013.html

  • Từ khóa