Tăng cường chất lượng giáo dục từ hoạt động kiểm định

Thứ 5, 31.10.2024 | 08:30:22
85 lượt xem

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục luôn được xác định là một khâu then chốt để nâng cao chất lượng của mỗi nhà trường nói riêng, nâng cao chất lượng giáo dục nói chung. Những năm qua, công tác kiểm định chất lượng được ngành giáo dục chú trọng ở các cấp, bậc học mang lại kết quả tích cực.

Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình trải nghiệm vận hành robot. (Ảnh MINH KHÁNH)


Giáo dục mầm non, phổ thông chuyển mình

Kiểm định chất lượng giáo dục nhằm xác định các trường đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn. Quá trình kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia các cấp, bậc học mầm non và phổ thông đã giúp các trường xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong các hoạt động giáo dục, từ đó có giải pháp, kế hoạch phù hợp để nâng cao chất lượng. Việc kiểm định cũng thúc đẩy đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học được các địa phương, đơn vị chú trọng đầu tư…

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, những năm qua, sở giáo dục và đào tạo các địa phương đã tích cực triển khai chủ trương, chính sách và các quy định cụ thể để đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và trường đạt chuẩn quốc gia trong giáo dục mầm non và phổ thông. Kết thúc năm học 2023-2024, cả nước có 97,2% đến 99% số trường mầm non, phổ thông hoàn thành tự đánh giá; tỷ lệ số cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng tăng lên đáng kể so với năm học trước, đạt từ 47,1% đến 72,3%, tùy theo cấp, bậc học.

Nhiều địa phương đạt kết quả cao trong kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Tại tỉnh Hòa Bình, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đức Lương, quá trình triển khai kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, cũng như sự hưởng ứng triển khai của các cơ sở giáo dục, sự đồng thuận của người dân. Ngành giáo dục Hòa Bình đã tham mưu các cấp có thẩm quyền thành lập các đoàn đánh giá ngoài công nhận các đơn vị đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia.

Năm học 2020-2021, số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ 54,14% (281/519 trường), đến tháng 10/2024 chiếm tỷ lệ 60,66% (313/516 trường). Phần lớn các trường hoàn thành kiểm định, đạt chuẩn quốc gia đều có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, có môi trường cảnh quan sư phạm, xanh-sạch-đẹp-an toàn; có phòng, nhà thư viện với nhiều đầu sách tham khảo, được trang bị máy tính kết nối internet… đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh. Các trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia đã thật sự đóng vai trò nòng cốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, là những điểm sáng về giáo dục của các cấp học...

Giáo dục đại học hướng theo chuẩn quốc tế

Không chỉ ở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đối với giáo dục đại học, hoạt động kiểm định chất lượng diễn ra khá sôi động, hướng đến các chuẩn quốc tế. Nhiều cơ sở giáo dục đại học, nhiều ngành đào tạo được các tổ chức quốc tế đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng, góp phần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Cuối tháng 10/2024, Trường đại học Kinh tế quốc dân được trao Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chuẩn 15 chương trình đào tạo của FIBAA-tổ chức bảo đảm chất lượng là thành viên của Hiệp hội châu Âu về bảo đảm chất lượng trong giáo dục đại học (ENQA), Cơ quan Đăng ký bảo đảm chất lượng giáo dục đại học châu Âu (EQAR), Hiệp hội Đại học châu Âu (EUA)… Theo Tổng giám đốc tổ chức FIBAA Diane Freiberger, Trường đại học Kinh tế quốc dân đã không ngừng nỗ lực phát triển những công cụ bảo đảm chất lượng tiên tiến và tiêu biểu trên cơ sở năm tiêu chuẩn chính là: Chiến lược; các yêu cầu đầu vào và dịch vụ hỗ trợ sinh viên; nội dung, cấu trúc và phương pháp giảng dạy; các nguồn lực liên quan đội ngũ giảng viên và cơ sở hạ tầng; quản lý chất lượng.

GS, TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết, các hoạt động đánh giá kiểm định chất lượng của trường luôn được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục với 100% tiêu chí đạt chuẩn và vượt mức chuẩn của tổ chức kiểm định giáo dục FIBAA đã khẳng định sự thành công của Trường đại học Kinh tế quốc dân trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục; tăng công nhận và chuyển đổi tín chỉ, uy tín quốc tế của trường.

Trên cơ sở đánh giá đạt chuẩn, Trường đại học Kinh tế quốc dân sẽ triển khai các hoạt động đổi mới nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, hội nhập quốc tế. Nhiều chương trình đào tạo của trường cũng được kiểm định quốc tế. Đến nay, trường có 20 chương trình đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn của tổ chức ACBSP (Hoa Kỳ) và 15 chương trình đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn của tổ chức FIBAA; bên cạnh đó là 16 chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước và đang tiếp tục triển khai quy trình đánh giá ngoài đối với 21 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của tổ chức FIBAA và 12 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 30/9/2024, cả nước có 196 cơ sở giáo dục đại học được đánh giá công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trong nước; 12 cơ sở được đánh giá công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng nước ngoài. Đối với các chương trình đào tạo, có 1.467 chương trình được đánh giá công nhận bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng trong nước; 608 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Các tổ chức kiểm định, đánh giá chất lượng nước ngoài khá đa dạng, uy tín gồm: Mạng lưới Bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA); Ủy ban Văn bằng Pháp (CTI); Hội đồng Kiểm định Kỹ thuật và Công nghệ, Hoa Kỳ (ABET); Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh, Hoa Kỳ (ACBSP); Quỹ Kiểm định các chương trình Quản trị kinh doanh quốc tế (FIBAA); Hiệp hội MBA (AMBA); Hội đồng Kiểm định quốc tế các trường đại học đào tạo Kinh doanh (IACBE); Mạng lưới Kiểm định đào tạo kỹ thuật của châu Âu (ENAEE); Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES); Tổ chức Kiểm định các chương trình đào tạo khối kỹ thuật, công nghệ thông tin, khoa học tự nhiên và toán học (ASIIN)…

Có thể thấy thời gian qua, kết quả kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo các trình độ đã phản ánh sự nỗ lực của cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục đại học. Văn hóa chất lượng ngày càng được hình thành và phát triển trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Số lượng trường đại học được xếp hạng bởi các tổ chức uy tín trên thế giới ngày một tăng cho thấy, các cơ sở giáo dục đại học đã ý thức rất rõ trách nhiệm kiểm định và coi đây là hoạt động thường xuyên của nhà trường để nâng cao chất lượng, tăng cường hội nhập quốc tế.

GS, TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, các trường đại học Việt Nam đang gia tăng hoạt động kiểm định, góp phần tăng tự chủ đại học, thúc đẩy xác định chỉ tiêu tuyển sinh, phù hợp tính toán nguồn thu học phí, thúc đẩy hội nhập quốc tế, công nhận văn bằng chứng chỉ quốc tế của giáo dục đại học Việt Nam. Đạt chứng nhận của các tổ chức kiểm định uy tín quốc tế sẽ khẳng định vị thế tốp đầu của các nhà trường trong hệ thống giáo dục đại học trong nước và khẳng định thương hiệu, uy tín hệ thống giáo dục đại học quốc tế.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tang-cuong-chat-luong-giao-duc-tu-hoat-dong-kiem-dinh-post842218.html


  • Từ khóa