Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu cho biết vấn đề xây dựng và hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh được quan tâm đặc biệt từ 20 năm trước nhưng vấn đề này "có vẻ còn rất mờ nhạt, rất xa vời".
Chiều 7/11, phát biểu thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng, nếu sửa đổi toàn diện thì cần trong hai kỳ họp.
"Chúng ta chưa có một thị trường điện cạnh tranh thực sự"
Theo ông Hậu, hàng loạt vấn đề gây bức xúc, tranh cãi liên quan đến ngành điện như giá điện, mua bán điện, phát điện và hòa điện lên lưới của các nhà máy ngoài EVN...
"Chúng ta chưa có một thị trường điện cạnh tranh thực sự", ông Hậu nói.
Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) phát biểu trước Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng).
Theo đại biểu, cách đây tròn 20 năm, ông là thành viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tham gia thẩm tra Luật Điện lực. Vấn đề xây dựng và hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh được quan tâm đặc biệt.
"Sau 20 năm, một thị trường điện cạnh tranh thực sự có vẻ còn rất mờ nhạt, rất xa vời", ông Hậu nói.
Đại biểu cho biết, ngành điện là một ngành đặc biệt, liên quan đến an ninh năng lượng của đất nước. Nhà nước phải nắm vai trò chủ đạo, quản lý và điều hành tổng thể, chặt chẽ.
Tuy nhiên, ba khâu gồm phát điện, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện phải tách bạch; đồng thời tách bạch rõ ràng giữa kinh doanh với quản lý nhà nước, giữa kinh doanh với thực hiện chính sách an sinh xã hội.
"Rất tiếc, sau 20 năm trái tim của hệ thống điện quốc gia, trung tâm điều độ điện quốc gia mới chính thức tách ra khỏi EVN chuyển về Bộ Công Thương từ tháng 8, còn đang lo ổn định tổ chức, nhân sự và chưa biết đến bao giờ sẽ thực sự ra khỏi cái bóng khổng lồ của EVN", ông Hậu nói.
Theo đại biểu, mạch máu của hệ thống điện quốc gia, hệ thống truyền tải điện đang thuộc Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia (trực thuộc EVN).
Trong khi đó, những sửa đổi trong dự thảo lần này chưa có được những quy định pháp lý đủ mạnh để sự thay đổi mang tính quyết định nói trên thành công và giúp thị trường điện cạnh tranh vận hành thực sự cạnh tranh, công khai, minh bạch và công bằng,
Ngoài ra, đại biểu cũng cho biết, một số nội dung quan trọng khác cũng tương tự.
"Không thể để ngành điện báo lỗ hàng năm do phải bù chênh lệch giá"
Cũng phát biểu về dự án luật này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị làm rõ bổ sung các quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định, cơ chế giá điện hai thành phần.
Đồng thời, cần có lộ trình rõ ràng về xóa bỏ bù giá chéo giữa các nhóm khách hàng, đảm bảo bình đẳng, theo nguyên tắc thị trường và khuyến khích tiết kiệm điện sản xuất.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu chiều 7/11 (Ảnh: Phạm Thắng).
Ông Hòa bày tỏ đồng tình việc thực hiện giá điện hai thành phần là công suất và sản lượng, để rõ ràng minh bạch và chấm dứt việc bù chéo, "không thể để khách hàng này thu giá cao để bù cho khách hàng khác thu giá thấp".
"Nếu cứ bù giá, sẽ không khuyến khích tiết kiệm sử dụng, không bình đẳng với nhau mà phải áp dụng theo giá thị trường. Còn các chính sách ưu đãi thì Nhà nước bù đắp. Không thể để ngành điện báo lỗ hàng năm do phải bù chênh lệch giá, mua cao phải bán cao, không thể mua cao lại bán thấp", ông Hòa nói.
Theo đại biểu, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các dự án điện rất cần thiết vì nhu cầu sử dụng điện trên các lĩnh vực là rất lớn. Trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn nên cần có chính sách để thu hút đầu tư của doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Đại biểu cho hay, từng thời kỳ, Chính phủ có quy định cụ thể, nhất là các chính sách phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới hải đảo, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn vì hiện nay nhu cầu sử dụng điện của dân rất là bức thiết mà đầu tư thời gian qua có phần hạn chế...
Tái khởi động dự án điện hạt nhân Đại biểu Hòa cho rằng, hiện nước ta đã có nhà máy thủy điện tầm cỡ quốc gia nhưng chưa có nhà máy điện hạt nhân. Trong bối cảnh thiếu hụt điện năng, các quốc gia trên thế giới cũng đã có xu hướng tái khởi động hoặc phục hồi những nhà máy điện trước đây đã đóng cửa. Ông Hòa đề nghị Chính phủ nghiên cứu có thể phục hồi dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận hoặc khởi động dự án khác trong thời gian sớm nhất với điều kiện đảm bảo an toàn về môi trường, sức khỏe của người dân và quốc phòng an ninh. Về việc này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, 17 năm nay, chúng ta đã quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, chưa có luật, thậm chí chưa có nghị định, chưa có quy định cụ thể mà chúng ta đã quyết định. "7 năm trước, chúng ta mới tạm dừng, chưa phải hủy bỏ, đến bây giờ cấp có thẩm quyền đã cho phép nghiên cứu để khởi động lại, cho nên phải đề cập trong luật lần này để loại hình năng lượng đó được phép phát triển", ông Diên nói. |
Theo dantri.com.vn