Tổng thống Trump đủ khả năng tháo ngòi "thùng thuốc súng" Trung Đông?

Thứ 7, 09.11.2024 | 14:52:13
176 lượt xem

Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ phải đối mặt với bài toán khó để tìm ra lời giải cho cuộc khủng hoảng ở Trung Đông.

Tổng thống Trump đủ khả năng tháo ngòi thùng thuốc súng Trung Đông? - 1

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: Reuters).

Mặc dù mọi dấu hiệu đều chỉ ra rằng, chiến lược của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ 2 nhiều khả năng sẽ tương đồng với chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Joe Biden, nhưng vẫn có một số điểm khác biệt.

Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump cũng hé lộ nhiều điều mà ông có thể sẽ thực hiện ở Trung Đông trong 4 năm tới.

Đầu tiên, sự ủng hộ của Tổng thống Trump đối với Israel là điều chắc chắn, nhưng cách ông tác động đến các cuộc chiến mà Israel đang tiến hành ở Gaza và Li Băng vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Trong khi ông Trump chỉ trích ông Biden trong chiến dịch tranh cử là "quá cứng rắn" với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cũng có báo cáo cho biết ông Trump đã thông báo với thủ tướng Israel rằng ông muốn chiến tranh kết thúc vào tháng 1.

Mặc dù nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa đã chỉ trích Phó Tổng thống Kamala Harris là yếu kém trong vấn đề an ninh của Israel, ông chưa bao giờ lý giải tại sao ông đưa ra nhận định như vậy. Sau đó, khi phát biểu tại các sự kiện ở Michigan - nơi có nhiều cử tri Ả Rập và Hồi giáo - ông đã nói về việc chấm dứt chiến tranh ở Gaza. Do đó, những tuyên bố này có thể chỉ được coi là cách ông Trump vận động tranh cử.

Người ủng hộ tài chính hàng đầu cho chiến dịch tranh cử của ông Trump trong cuộc bầu cử năm nay là Miriam Adelson, nữ tỷ phú giàu nhất Israel, người đã quyên góp 100 triệu USD với suy nghĩ rằng ông Trump sẽ cho phép Israel sáp nhập khu vực Bờ Tây bị kiểm soát. Năm 2016, chiến dịch tranh cử của ông Trump nhận tài trợ từ Miriam Adelson và người chồng quá cố của bà là Sheldon Adelson, những người đã ủng hộ tổng thống đảng Cộng hòa với điều kiện ông phải chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Tây Jerusalem, một lời hứa mà ông Trump đã thực hiện vào năm 2018.

Mặc dù Israel dường như sẽ phải vật lộn để sáp nhập Bờ Tây ngay lập tức do bối cảnh hiện tại trên thực địa, nhưng có khả năng sẽ sáp nhập khoảng 60% vùng lãnh thổ này, tạo nên cái được gọi là Khu vực C. Nếu ông Trump cho phép đồng minh Israel của mình thực hiện kế hoạch này, điều đó sẽ hoàn toàn dập tắt mọi hy vọng về "giải pháp 2 nhà nước".

Tổng thống Trump đủ khả năng tháo ngòi thùng thuốc súng Trung Đông? - 2

Ông Trump chủ trì lễ ký thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel với Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Bahrain năm 2020 (Ảnh: Reuters).

Khi nói đến xung đột ở Gaza, giả sử cuộc chiến vẫn tiếp diễn trong nhiệm kỳ của ông Trump, có rất ít điều khác biệt mà chính quyền Trump có thể làm, ngoài việc cho phép Israel cắt đứt hoàn toàn mọi viện trợ vào Gaza, nơi sinh sống của nhiều người Palestine.

Trong trường hợp chính quyền Trump cho phép cắt đứt mọi viện trợ, vốn đang được cung cấp nhỏ giọt ở thời điểm hiện tại và không đáp ứng được nhu cầu cần thiết của người dân Gaza, điều này sẽ tương đương với việc gây ra thảm họa đối với 2 triệu người. Tuy nhiên, nhiều khả năng chính sách của ông Trump sẽ giống với chính sách của Tổng thống Biden về vấn đề này.

Trong khi Tổng thống Biden nhậm chức với lời hứa chấm dứt chiến tranh ở Yemen, có lập trường cứng rắn hơn với Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed Bin Salman và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, ông đã thất bại trên mọi phương diện.

Thay vào đó, chính quyền Biden tiếp tục chiến dịch trừng phạt gây sức ép tối đa đối với Iran, thậm chí còn bổ sung thêm vào danh sách các biện pháp hiện có, khi các cuộc đàm phán tại Vienna nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân bị đình trệ. Sau đó, ông Biden đã thực hiện việc rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, vốn đã được đàm phán giữa Taliban và chính quyền Trump trước khi ông nhậm chức.

Về việc chấm dứt chiến tranh ở Yemen, chính quyền Biden đã không đạt được bất kỳ thành tựu nào trên mặt trận này. Ban đầu, chính quyền Biden đưa lực lượng Houthi ra khỏi danh sách các nhóm khủng bố, nhưng cuối cùng đã quyết định đưa phong trào này, trở lại danh sách. Lệnh ngừng bắn tạm thời giữa Ả Rập Xê Út và Yemen được Liên hợp quốc làm trung gian chứ không phải chính phủ Mỹ.

Trên hết, thay vì có lập trường cứng rắn hơn với Ả Rập Xê Út, chính quyền Biden đã biến Riyadh thành trụ cột quan trọng nhất trong chiến lược Trung Đông tổng thể. Đặt cược tất cả các lá bài của mình vào một thỏa thuận bình thường hóa giữa Ả Rập và Israel, ông Biden đã tìm cách mở đường cho hành lang thương mại Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu, một dự án mà ông đã tự hào công bố trong hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi vào tháng 9/2023.

Tầm nhìn này cho khu vực, mà Thủ tướng Netanyahu đã nêu ra vào tháng 9/2023 trong bài phát biểu tại đại hội đồng Liên hợp quốc, từng được chính quyền đầu tiên của ông Trump đưa ra với một loạt thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và các quốc gia Ả Rập. Tất cả những gì ông Biden đã làm là tiếp tục chính sách này và tìm cách đưa tất cả các quốc gia Ả Rập gắn kết lại với nhau cùng với Israel để thành lập một "NATO Ả Rập".

Giống như chính quyền Trump trước đây, nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden đã gạt Palestine sang một bên và cho rằng họ chỉ là một yếu tố nhỏ trong các vấn đề khu vực. Kiểu hoạch định chính sách này là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ thảm khốc của toàn bộ chiến lược Trung Đông của Washington vào ngày 7/10/2023, khi lực lượng Hamas ở Gaza phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel.

Ông Trump sẽ chọn cách cứng rắn như thế nào với Iran vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải. Liệu ông có theo đuổi các chính sách giống như trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình và có cùng lập trường như Tổng thống Biden, hay ông sẽ chọn phát động một cuộc chiến tranh lớn để lật đổ chính quyền ở Tehran? Tại thời điểm này, kịch bản chiến tranh dường như không có khả năng xảy ra, khi xem xét rằng bất kỳ chính quyền Mỹ khó có thể phát động một cuộc xung đột tốn kém và không có khả năng chiến thắng như vậy. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp ông Trump đang tìm cách tập trung vào việc cải thiện nền kinh tế Mỹ.

Rõ ràng, ông Trump có mối quan hệ thân thiện hơn với Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, điều này có thể mở đường cho các thỏa thuận dễ dàng hơn trên mặt trận đó, nhưng vẫn chưa rõ chiến lược của Mỹ đối với khu vực này có thể tiến triển như thế nào, trong khi Israel vẫn tiếp tục các cuộc chiến trên nhiều mặt trận.

Câu hỏi trị giá hàng triệu USD đặt ra ở đây là Israel sẽ xử lý bối cảnh hậu chiến như thế nào, vì điều này sẽ định hình rất nhiều cách thức mà Washington sẽ thực hiện các chiến lược của mình. Nếu Israel bị Iran và Hezbollah đánh bại, sau khi từ chối hạ nhiệt căng thẳng và theo đuổi ngoại giao, kịch bản xảy ra là một chính quyền Israel bị suy yếu nghiêm trọng và buộc phải đưa ra những nhượng bộ lớn cho Palestine, hoặc thậm chí có thể sụp đổ.

Mặt khác, nếu Israel bằng cách nào đó tìm cách chấm dứt chiến tranh thông qua một số động thái ngoại giao bất ngờ, tầm nhìn về một liên minh Israel - Ả Rập có thể được chính quyền Trump sắp tới thực hiện. Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump sẽ theo đuổi một chiến lược khác so với người tiền nhiệm ở nhiều cấp độ. Nhiều khả năng chính sách của Mỹ vẫn được duy trì như vậy, có lẽ với một số động thái khá tích cực ủng hộ Israel. Kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra sẽ là một cuộc chiến tranh với Iran.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/tong-thong-trump-du-kha-nang-thao-ngoi-thung-thuoc-sung-trung-dong-20241109121210753.htm

  • Từ khóa