Việc sửa đổi Luật Việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.
Sáng 9/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc sửa đổi nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quy định của luật hiện hành về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký lao động.
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đồng thời, đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.
So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn với 4 nhóm chính sách: quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Đi vào một số nội dung cụ thể, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, bảo đảm thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Cùng với đó, sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Quang cảnh phiên họp sáng 9/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Về chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người khuyết tật, dự thảo bổ sung và quy định: người sử dụng lao động khi tuyển dụng và sử dụng lao động là người khuyết tật được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm người sử dụng lao động phải đóng cho lao động là người khuyết tật và thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng.
Ngoài ra, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định việc hỗ trợ tiền mặt, giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp và các hỗ trợ khác để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động căn cứ tình hình kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh...
Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện quy định đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật về thống kê, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong xây dựng, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách.
Bổ sung đánh giá tác động của các quy định mới về bảo hiểm thất nghiệp
Thẩm tra các nội dung trên, Ủy ban Xã hội nhận thấy, việc mở rộng đối tượng như dự thảo Luật không phải là giải pháp duy nhất để đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp như xác định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, mà cần nhiều giải pháp đồng bộ như các giải pháp về truyền thông, thanh tra, kiểm tra...
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Bên cạnh đó, một số quy định liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp cần được cân nhắc, tính toán, làm rõ thêm như quy định về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1% tiền lương tháng tại Điều 58 và quy định người lao động bị sa thải hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp tại điểm b khoản 1 Điều 64.
Do vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung đánh giá tác động của các quy định mới và có các giải pháp bảo đảm tính khả thi, khắc phục các hạn chế hiện nay trong tổ chức thực hiện.
Về hệ thống thông tin thị trường lao động, dự thảo Luật quy định Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối và chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện các hoạt động thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin, phân tích, dự báo, phổ biến thông thị trường lao động.
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, trên thực tế, nhiều thông tin về lao động, việc làm đang được Tổng cục Thống kê thực hiện và nhiều thông tin liên quan có trong cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, dân cư, cư trú.
Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá cụ thể, làm rõ: tác động tài chính của việc xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động; tính liên thông, lộ trình thực hiện liên thông với các cơ sở dữ liệu khác liên quan đến lao động, việc làm.
Đồng thời, cần phân định thẩm quyền và phạm vi thu thập, tổng hợp, quản lý thông tin về lao động giữa ngành lao động-thương binh và xã hội với cơ quan thống kê cũng như làm rõ thời hạn công bố, phổ biến kết quả thu thập, phân tích, dự báo thông tin về thị trường lao động.
Theo nhandan.vn