Trong bối cảnh hội nhập và phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, ngành công nghiệp bán dẫn nổi lên như một trong những trụ cột chiến lược của thế kỷ 21. Công nghiệp bán dẫn không chỉ là nền tảng cho các thiết bị công nghệ mà còn giữ vai trò cốt lõi trong nền kinh tế số của mỗi quốc gia.
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1018/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tạo cơ sở pháp lý khai phá tiềm năng, phát huy thế mạnh, lợi thế đưa đất nước trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu.
Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tuần qua, nhiều đại biểu nhấn mạnh: Để thực hiện chiến lược, nguồn nhân lực là vấn đề cấp thiết với nhu cầu lên tới 10 nghìn kỹ sư mỗi năm, nhưng theo tính toán, Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20%, sẽ tạo ra một khoảng trống lớn về lực lượng lao động, đặc biệt là thiếu kỹ sư thiết kế chip và nhà khoa học vật liệu. Thách thức này là rất lớn trước sự cạnh tranh gay gắt, khốc liệt trong ngành công nghiệp mũi nhọn mà hiện nay nhiều quốc gia đang theo đuổi.
Sự thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng nhân lực bán dẫn có nhiều nguyên nhân, song vấn đề căn bản là ở chỗ các chương trình đào tạo của Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế; các trường đại học, cao đẳng chưa được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo và thực hành. Số lượng giảng viên có chuyên môn sâu về thiết kế vi mạch bán dẫn vẫn còn ít, dẫn đến chất lượng đào tạo chưa đồng đều. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của nhiều trường chưa được cập nhật theo những tiến bộ mới nhất của công nghệ bán dẫn, việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến khoảng cách lớn giữa kiến thức lý thuyết và thực tế sản xuất; hệ sinh thái đổi mới của Việt Nam chưa phát triển mạnh mẽ, làm hạn chế khả năng tạo ra các ý tưởng công nghệ mới.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, sự quan tâm đặc biệt trong xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn là rất cần thiết. Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác công-tư nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào quá trình quản lý và vận hành các cơ sở đào tạo. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân chia sẻ tài chính, hạ tầng và các nguồn lực khác, nhằm phát huy tối đa tính năng động, sáng tạo trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong quá trình rà soát, sửa đổi các luật liên quan đầu tư công, khoa học-công nghệ và quản lý tài sản công, cần bổ sung các quy định cụ thể để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động hợp tác này.
Nhiều đại biểu nêu rõ, nguồn nhân lực được chuẩn bị dựa trên dự báo, tầm nhìn dài hạn, nhưng vẫn phải bám sát nhu cầu thị trường để không bỏ lỡ cơ hội, bằng cách thúc đẩy ký kết các cam kết về nhu cầu nhân lực giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước để tạo đầu ra; Chính phủ cũng cần chủ động tìm kiếm, ký kết các hợp tác quốc gia về cung cấp nhân lực bán dẫn với một số nước đang thiếu hụt nhân lực. Ngoài đào tạo dài hạn như đào tạo từ phổ thông, đào tạo đại học và sau đại học, phải chú trọng đào tạo nhanh trong ngắn hạn, cách tốt là đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo chuyển tiếp cho kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ sư phần mềm, kỹ sư điện tử. Để có đủ giáo viên, người hướng dẫn, cơ sở vật chất và giáo trình thì cần đào tạo lại giáo viên, thu hút các giáo viên bán dẫn nước ngoài; tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp bán dẫn và cơ sở đào tạo, cùng sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước cho cơ sở đào tạo.
Một yếu tố không kém phần quan trọng để Việt Nam thu hút đầu tư trong chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu là cung cấp nguồn năng lượng. Ngành bán dẫn đòi hỏi có nguồn điện ổn định, không chỉ đáp ứng đầy đủ về mặt số lượng mà còn phải bảo đảm về mặt chất lượng. Nguồn điện không ổn định là một thách thức lớn đối với sản xuất chip bán dẫn, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Sự biến động về điện áp, tần số và chất lượng điện năng có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm, năng suất và hiệu quả sản xuất.
Sử dụng nguồn năng lượng sạch đang trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các nhà đầu tư. Do đó, Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ vào phát triển năng lượng để bảo đảm nguồn cung cấp điện bền vững cho ngành công nghiệp bán dẫn như năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đồng thời phải bảo đảm nguồn điện nền ổn định trong bối cảnh thủy điện không còn nhiều dư địa phát triển và điện than dần phải đóng cửa theo lộ trình đến năm 2050.
Cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), đại biểu Quốc hội cho biết, một số nhà đầu tư đã tính toán với tốc độ phát triển như hiện nay, Việt Nam có nguy cơ thiếu điện, cho nên đã cân nhắc có đầu tư vào Việt Nam hay không. Bài toán đặt ra hiện nay là làm sao có đủ năng lượng phục vụ phát triển, do vậy sửa đổi Luật Điện lực cần có tầm nhìn xa, rộng.
Trước ngã rẽ quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn, có tiềm năng, có cơ hội nhưng cũng đối mặt với rất nhiều thách thức; đại biểu Quốc hội bày tỏ tin tưởng, nếu xây dựng được hệ sinh thái hoàn chỉnh và đầu tư mạnh mẽ vào nguồn nhân lực, Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội từ dòng vốn đầu tư mới để vươn lên trở thành điểm đến lý tưởng của ngành bán dẫn toàn cầu.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tan-dung-tot-co-hoi-don-dong-von-dau-tu-moi-post844204.html