Từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh Hà Tĩnh đã có dấu hiệu phục hồi. Các doanh nghiệp trên địa bàn đang đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, mở rộng mạng lưới khách hàng để tăng tốc hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh.
Tìm cách vượt khó
Công ty Cổ phần Nhựa, bao bì Vinh (Tổng công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4) có địa chỉ tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh hiện đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ sản xuất các đơn hàng vỏ bao cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Các dây chuyền, máy móc chạy hết công suất; kỹ sư, công nhân hăng say lao động.
Năm 2024, giá cả nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất bao bì biến động khó lường; cước vận tải xuất khẩu tăng đột biến, sản phẩm vỏ bao xi măng là sản phẩm truyền thống chủ đạo chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu, lợi nhuận bị cắt giảm mạnh do nhu cầu thị trường chuyển sang sử dụng xi măng rời và vỏ bao dán đáy; cạnh tranh trên thị trường lao động và thị trường tiêu thụ diễn ra gay gắt. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Nhựa, bao bì Vinh đã phát huy sức mạnh tập thể, triển khai nhiều giải pháp điều hành công ty hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đề ra. Doanh thu 10 tháng năm 2024 là hơn 810 tỷ đồng, đạt 87% kế hoạch.
Thượng tá Nguyễn Hữu Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nhựa, bao bì Vinh chia sẻ: “Để đứng vững trước những biến động của thị trường, chúng tôi đã tích cực nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật giúp tăng năng suất, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng, đồng thời nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường, khách hàng trong và ngoài nước để cung cấp các dòng sản phẩm mới”.
Công ty Cổ phần Nhựa, bao bì Vinh đẩy mạnh sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm được hàng tỷ đồng mỗi năm. |
Còn tại Công ty Cổ phần Vinatex Hồng Lĩnh thì đang chuẩn bị các điều kiện để tiến hành đầu tư thêm nhà máy sợi với quy mô 3 vạn cọc trên cơ sở thiết bị công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao, sử dụng ít lao động nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Giang Nam, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Công ty Cổ phần Vinatex Hồng Lĩnh cho biết: “Thời điểm hiện tại, mặc dù đơn hàng cho năm 2024 đã cơ bản chốt xong nhưng rủi ro vẫn còn rất lớn khi giá nguyên liệu bông vẫn cao mà giá sợi giảm sâu, thị trường tiêu thụ sợi hết sức khó khăn; thị trường ngành sợi cạnh tranh diễn ra khốc liệt. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng cao đột biến như giá điện tăng gần 5%; cước phí vận tải container tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Công ty tập trung triển khai thực hiện triệt để việc chuẩn hóa hệ thống sản xuất và hệ thống quản lý chất lượng theo quy trình đã ban hành và duy trì để ổn định chất lượng, tăng năng suất, hạn chế thấp nhất các rủi ro phát sinh; đồng thời xây dựng được hệ thống khách hàng tương đối thân thiện, chia sẻ những lúc khó khăn, mang tính hợp tác lâu dài, cả nội địa lẫn xuất khẩu.
Vì thế, trong bối cảnh khó khăn chung nhưng Công ty vẫn duy trì được đơn hàng, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Thương hiệu sản phẩm sợi của Công ty Cổ phần Vinatex Hồng Lĩnh đã tạo được niềm tin với các khách hàng trong và ngoài nước, kể cả thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong bối cảnh thị trường sợi khó khăn thì các lô hàng của Công ty Cổ phần Vinatex Hồng Lĩnh sản xuất vẫn tháng nào tiêu thụ hết tháng đó, không có hàng tồn đọng.
Tăng tốc chặng cuối năm
Tính chung 10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Tĩnh giảm 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp tăng cao ở nhiều lĩnh vực như sản xuất điện ước đạt 8 tỷ kWh, tăng 16%; bia ước đạt 57 triệu lít, tăng 20%; pack pin ước đạt hơn 4.400 pack, tăng 9 lần; sợi ước đạt 7.000 tấn, tăng 28%... Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,926 tỷ USD, đạt 80,25% so với kế hoạch cả năm; giảm 10,43% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả trên cho thấy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Các doanh nghiệp trên địa bàn đang đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, mở rộng mạng lưới khách hàng để tăng tốc sản xuất, kinh doanh trong chặng cuối năm.
Nguyên nhân chỉ số sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh Hà Tĩnh sụt giảm so với cùng kỳ năm 2023 là do tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu có xu hướng chậm lại, nhu cầu xuất khẩu, tiêu dùng giảm, đặc biệt là mặt hàng thép của Formosa. Thực tế hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Hà Tĩnh phụ thuộc vào mặt hàng thép của Formosa, trong khi đó, từ giữa năm đến nay, nhu cầu sử dụng thép một số nước trên thế giới giảm. Mặt khác, thép xuất khẩu của Formosa phải cạnh tranh về giá với thép của Trung Quốc, Ấn Độ, do đó, sản lượng thép xuất khẩu giảm mạnh.
Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng chè, dệt và may mặc có xu hướng tăng nhưng do tỷ trọng của những mặt hàng này chỉ chiếm khoảng 1,5% nên không tác động nhiều đến kết quả xuất khẩu của tỉnh. Bên cạnh đó, việc duy trì tuyến tàu container qua cảng Vũng Áng gặp nhiều khó khăn. Từ tháng 12-2023 đến nay, Tân Cảng Sài Gòn đang thực hiện tái cơ cấu mảng vận tải biển nên tạm dừng khai thác tuyến tàu container qua cảng Vũng Áng khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa.
Công ty Cổ phần Vinatex Hồng Lĩnh đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. |
Theo dự báo của Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh, những tháng cuối năm 2024 và năm 2025, ngành công nghiệp và xuất khẩu có nhiều điểm thuận lợi hơn. Thời điểm này, trên các công trình, dự án công nghiệp trọng điểm sôi động, tăng tốc hoàn thành tiến độ của năm. Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II tiến độ thi công đạt trên 92%, tiến độ vận hành thử đạt gần 50%; Nhà máy sản xuất Pin Lithium cơ bản hoàn thành xây dựng, đang lắp đặt thiết bị để chuẩn bị vận hành; Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng đang hoàn thiện thủ tục giải phóng mặt bằng; Khu công nghiệp VSIP đang triển khai các hoạt động xây dựng...
Tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu sản xuất công nghiệp năm 2025 tăng 10% so với năm 2024, kim ngạch xuất khẩu năm 2025 ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 4,2% so với năm 2024. Với tình hình nhà máy thép Formosa gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu; sản phẩm mới pack pin còn phụ thuộc vào thị trường thì áp lực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là rất khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Đặng Văn Thành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Để tạo đột phá cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các sở, ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ đầu tư, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm, tạo mặt bằng thu hút dự án thứ cấp trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở tích cực tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp phát triển xuất khẩu, chủ động hội nhập quốc tế, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam đã ký kết, mở rộng thị trường xuất khẩu; từng bước phát triển dịch vụ logistics theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm chất lượng và hiệu quả”.
Theo qdnd.vn