Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm

Thứ 4, 13.11.2024 | 14:49:26
348 lượt xem

Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường; đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn như phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm.

TS Lưu Hương Ly, Trưởng phòng Pháp luật dân sự, Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế (Bộ Tư pháp) trình bày tham luận tại Hội nghị.

Ngày 13/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2024 nhằm cung cấp các thông tin, kiến thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo định nghĩa của chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP (2023), kinh doanh có trách nhiệm là hoạt động kinh doanh tuân thủ pháp luật và thực hiện các biện pháp đánh giá, ngăn ngừa, giảm thiểu và khắc phục các tác động bất lợi của hoạt động kinh doanh đối với con người, môi trường và xã hội.

Thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay.

Ngày 14/7/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 843/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027.

Mục tiêu của Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, năng lực; rà soát và hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam trong giai đoạn 2023-2027 để phát huy các mặt tích cực và giảm thiểu các mặt tiêu cực của các hoạt động phát triển kinh tế, kinh doanh đối với xã hội, môi trường; qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Trao đổi tại hội nghị, TS Lưu Hương Ly, Trưởng phòng Pháp luật dân sự (Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế - Bộ Tư pháp) chia sẻ, phạm vi Chương trình tập trung vào việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp và hợp tác xã, không bao gồm hộ kinh doanh cá thể) trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam trong giai đoạn 2023-2027.

Chương trình có 5 mục tiêu chính, bao gồm: nâng cao nhận thức và năng lực của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng; bảo đảm nhà nước ban hành chính sách và pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm theo đúng các cam kết quốc tế; xây dựng các biện pháp ưu tiên, khuyến khích đối với các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng đề cập tới mục tiêu bảo đảm các doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; khuyến khích các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên mức quy định tối thiểu của pháp luật; nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp; hoàn thiện các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.

Cũng theo bà Hương Ly, dù có không ít thuận lợi, nhưng triển khai Chương trình cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là nhận thức của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội còn hạn chế.

Mặt khác, trong ngắn hạn, việc tham gia thực hành kinh doanh có trách nhiệm sẽ tạo thêm chi phí cho doanh nghiệp, là gánh nặng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Giáo sư Robert G. Eccles (Trường Kinh doanh Harvard) về hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp ở Hoa Kỳ trong 18 năm qua, các doanh nghiệp có tính bền vững cao có kết quả hoạt động vượt trội hơn so với doanh nghiệp có tính bền vững thấp, trên cả thị trường chứng khoán và các chỉ số kế toán.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng, khung pháp lý về kinh doanh có trách nhiệm của Việt Nam cũng cần tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp bối cảnh mới. Đồng thời cũng cần tiếp tục hiệu quả thực thi pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong thời gian tới.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/nang-cao-nang-luc-truyen-thong-chinh-sach-phap-luat-ve-kinh-doanh-co-trach-nhiem-post844613.html

  • Từ khóa