Làm gì để tăng giá trị cho cây chè Việt?

Chủ nhật, 17.11.2024 | 09:36:43
503 lượt xem

Việt Nam là quốc gia sản xuất, xuất khẩu chè (trà) đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng và khối lượng, nhưng kim ngạch xuất khẩu chè nhiều năm qua chỉ đạt 200-300 triệu USD/năm. Giá chè xuất khẩu cũng thấp so với giá chè của các quốc gia xuất khẩu khác trên thị trường. Vì đâu chè Việt Nam lại lâm vào tình cảnh như vậy?

Xuất khẩu nhiều, lợi nhuận ít 

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Với sản lượng xuất khẩu trung bình mỗi năm khoảng 126,8 nghìn tấn, sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng diện tích cây chè cả nước hiện nay khoảng 122.000ha. Các địa phương trồng chè chủ yếu là Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng, Nghệ An, Yên Bái, Hà Giang... Từ đầu năm 2024 đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu chè đạt khoảng 123,8 nghìn tấn, giá trị đạt 217,7 triệu USD, tăng 32,1% về khối lượng và tăng 33,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường xuất khẩu gồm: Pakistan (40% thị phần), Đài Loan (10,1% thị phần), Trung Quốc (8% thị phần)... Giá xuất khẩu trung bình trong 10 tháng khoảng 1.758USD/tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023.

 Việt Nam hiện cũng đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau, nhưng sản phẩm chè chủ yếu là chè đen và chè xanh. Giá sản phẩm chè xuất khẩu của Việt Nam hiện rất thấp, chỉ từ 1,7-1,8USD/kg, bằng 50-75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới (giá chè xuất khẩu của các nước trên thế giới hiện khoảng 2,6USD/kg). Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam băn khoăn: Giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam hiện chỉ bằng 65% giá bình quân của các nước hàng đầu thế giới và chỉ bằng 55% giá chè xuất khẩu bình quân của Ấn Độ và Sri Lanka. Mặc dù sản lượng và số lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị thu được của mặt hàng này lại chưa cao, không ổn định, vẫn phụ thuộc vào một số thị trường chính, nhất là tính cạnh tranh hiện nay còn thấp.

Làm gì để tăng giá trị cho cây chè Việt?

Nông dân tổ dân phố 9, thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên thu hoạch chè. Ảnh: NGUYỄN HẰNG 

Theo ông Hoàng Vĩnh Long, một nghịch lý khác với cây chè là thế giới đang nhìn nhận thị trường chè Việt Nam là thị trường giá rẻ và tìm kiếm lợi nhuận tại đây, trong khi người làm chè chỉ tập trung sản xuất để đạt thỏa thuận mua bán trước mắt. Đây là lý do chè Việt Nam dễ rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới. Ở chiều ngược lại, tiêu thụ nội địa chúng ta lại làm rất tốt. "Tại các tỉnh: Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La, giá bán chè ở mức 7-20USD/kg, trong khi đó, giá chè xuất khẩu bình quân chỉ là 1,75USD/kg”, ông Long nêu thực tế.

Bà Võ Thị Nhung, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An chia sẻ: Nghệ An là địa phương có diện tích chè phát triển lớn thứ ba cả nước, với hơn 8.000ha đất trồng chè. Sản lượng chè búp tươi đạt gần 80.000 tấn/năm. Tuy nhiên, giá trị cây chè trên địa bàn Nghệ An lại đang khá thấp so với các địa phương trồng chè trong cả nước. Nếu như giá chè búp tươi của Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng, có những thời điểm giá bán lên tới 15.000-20.000 đồng/kg (hiện nay có doanh nghiệp tại Phú Thọ mua chè búp tươi từ 5.000-10.000 đồng/kg tùy loại thu hoạch bằng tay hoặc máy) thì ở Nghệ An giá chè búp tươi cao nhất cũng chỉ đạt 6.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giá chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg.

Nâng tầm giá trị cây chè

Làm gì để nâng tầm giá trị cho cây chè Việt Nam? Câu trả lời là trước tiên chúng ta cần phải thay đổi tư duy, tìm con đường thương mại mới cho chè Việt, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, chính quyền địa phương... để xây dựng chuỗi giá trị cho cây chè, sản phẩm chè. Cùng với tập trung đầu tư chế biến, Việt Nam cũng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu các sản phẩm chè Việt trên thị trường quốc tế.

Là đơn vị xuất khẩu chè lớn của cả nước, Công ty TNHH Thế Hệ Mới hiện đang tập trung vào việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè, đầu tư trang thiết bị, công nghệ sản xuất túi lọc, bảo đảm chất lượng chè cao nhất, nói không với các chất bảo vệ thực vật không được phép. Ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới cho rằng, để nâng cao giá trị cho cây chè, người sản xuất, chế biến và thương mại chè Việt cần thay đổi về cách tư duy, cách tiếp cận thị trường, trong đó có sản phẩm chè chất lượng cao để khẳng định giá trị, uy tín, chất lượng cho chè của Việt Nam.  

Về giống chè, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Lam, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) cho biết, Trung tâm đã phát triển thành công hai giống chè mới là Hương Bắc Sơn và TRI5.0. Hiện hai giống chè trên và các giống chè: PH12, PH14, LP18, TC4, LCT1, PH22, PH276, VN15, PH21... đều được đánh giá là những giống chè sinh trưởng khỏe, năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần quan trọng trong việc đa dạng hóa cơ cấu giống cũng như các chất lượng sản phẩm chè của Việt Nam trên thị trường.

Thời gian tới, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc sẽ chú trọng phát triển các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chịu hạn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Các giống chè mới này cũng được nghiên cứu để có hàm lượng polyphenol cao, phục vụ cho sản xuất chè chất lượng cao và các sản phẩm thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ sinh học phân tử và hóa sinh chè để cải thiện khả năng chống chịu sâu bệnh hại, nâng cao năng suất và chất lượng của giống chè.

Hy vọng với tư duy mới trong trồng, sản xuất, chế biến, thương mại chè, nhất là chuỗi liên kết doanh nghiệp-hợp tác xã-nông dân... sẽ giúp đưa sản phẩm chè Việt vươn xa, thoát được cảnh xuất khẩu nhiều nhưng lãi ít.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/lam-gi-de-tang-gia-tri-cho-cay-che-viet-803297

  • Từ khóa