Quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa có thể khiến xung đột leo thang.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).
Truyền thông ngày 17/11 đồng loạt đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảo ngược chính sách, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ viện trợ để tấn công mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Cùng ngày, báo Le Figaro dẫn nguồn thạo tin cho hay, Anh và Pháp cũng cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa SCALP/Storm Shadow để tập kích lãnh thổ Nga.
Theo hãng tin Reuters, Ukraine có kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công tầm xa đầu tiên vào lãnh thổ Nga trong những ngày tới bằng Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS), tên lửa tầm xa mà Washington đã cung cấp cho Kiev.
Trước đó, Washington đã từ chối cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp vì lo ngại chúng sẽ làm leo thang xung đột.
Sự đảo ngược chính sách này diễn ra 2 tháng trước khi Tổng thống Joe Biden trao quyền cho Tổng thống đắc cử Donald Trump, người luôn hoài nghi về viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine.
Vì sao Mỹ cho phép Ukraine sử dụng ATACMS tấn công Nga?
Ukraine đã sử dụng hệ thống ATACMS để tấn công các mục tiêu của Nga trên lãnh thổ Ukraine trong hơn một năm qua.
Ukraine cũng sử dụng ATACMS để tấn công các căn cứ không quân ở bán đảo Crimea, nơi Nga đã tuyên bố sáp nhập và là nơi đặt trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga. Ngoài ra, các vị trí quân sự của Nga ở khu vực Zaporizhzhia cũng bị tấn công bằng loại vũ khí này.
Tuy nhiên, Mỹ chưa bao giờ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, cho đến tận thời điểm hiện tại.
Tên lửa đạn đạo của nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin là một trong những loại tên lửa mạnh nhất được cung cấp cho Ukraine cho đến nay, có khả năng di chuyển tới 300km.
Ukraine cho rằng việc nước này không được phép sử dụng những vũ khí tầm xa để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga cũng giống như việc buộc phải chiến đấu với một tay bị trói sau lưng.
Do vậy, Mỹ có thể đã "cởi trói" cho Ukraine bằng quyết định cho phép tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa.
Sự thay đổi chính sách của Mỹ cũng được cho là nhằm đáp trả nghi vấn quân đội Triều Tiên được triển khai gần đây để hỗ trợ Nga tại vùng biên giới Kursk, nơi Ukraine đã mở chiến dịch đột kích và kiểm soát một phần lãnh thổ Nga từ đầu tháng 8.
"Các cuộc tấn công không được thực hiện bằng lời nói... Các tên lửa sẽ tự nói lên điều đó", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố hôm 17/11.
Tên lửa tầm xa sẽ có tác động như thế nào?
Tên lửa ATACMS (Ảnh: Getty).
Ukraine hiện có thể tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, nhiều khả năng là xung quanh khu vực Kursk, nơi lực lượng Ukraine kiểm soát hơn 1.000km2 lãnh thổ Nga.
Các quan chức Mỹ cho biết Kiev sẽ có thể sử dụng ATACMS để phòng thủ trước cuộc phản công dự kiến của quân đội Nga và Triều Tiên, có thể bắt đầu trong vài ngày tới với mục đích giành lại lãnh thổ Nga.
Các lực lượng Ukraine sẽ có thể tấn công các vị trí của Nga tại Kursk, bao gồm quân nhân, cơ sở hạ tầng và kho đạn dược.
Việc cung cấp tên lửa ATACMS của Mỹ cho Ukraine có thể sẽ không đủ để xoay chuyển cục diện xung đột. Các vũ khí và thiết bị quân sự của Nga, chẳng hạn máy bay chiến đấu, đã được chuyển đến các sân bay xa hơn bên trong lãnh thổ Nga để chuẩn bị cho việc Mỹ cho phép Kiev tấn công tầm xa.
Tuy nhiên, vũ khí này có thể mang lại cho Kiev một số lợi thế vào thời điểm quân đội Nga đang giành được nhiều bước tiến ở phía đông Ukraine và tinh thần chiến đấu của các binh lính đang xuống thấp.
"Tôi không nghĩ rằng tên lửa này sẽ mang tính quyết định. Tuy nhiên, đây là một quyết định mang tính biểu tượng, có thể nâng cao mức độ đe dọa và thể hiện sự ủng hộ về mặt quân sự đối với Ukraine. Nó có thể làm tăng chi phí quốc phòng cho Nga", một nhà ngoại giao phương Tây tại Kiev nói với đài BBC.
Evelyn Farkas, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, đã đặt ra câu hỏi về số lượng đạn dược sẽ được cung cấp.
"Câu hỏi là họ có bao nhiêu tên lửa? Chúng tôi nghe nói Lầu Năm Góc từng cảnh báo rằng không có nhiều tên lửa như vậy mà họ có thể cung cấp cho Ukraine", bà Farkas nói.
Bà Farkas nói thêm rằng tên lửa ATACMS có thể có "tác động về mặt tâm lý" ở Ukraine nếu chúng được sử dụng để tấn công các mục tiêu như cầu Kerch nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.
Việc Mỹ "mở rào" cho Ukraine cũng dẫn đến "hiệu ứng lan tỏa": cho phép Anh và Pháp cấp phép cho Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công vào lãnh thổ Nga. Storm Shadow là tên lửa hành trình tầm xa do Pháp - Anh hợp tác sản xuất có khả năng tương tự tên lửa ATACMS của Mỹ.
Xung đột có thể leo thang?
Chính quyền Tổng thống Joe Biden trong nhiều tháng đã từ chối cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa, vì lo ngại xung đột leo thang.
Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo không nên cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công Nga. Ông cảnh báo Moscow sẽ coi đó là "sự tham gia trực tiếp" của các nước NATO vào cuộc chiến ở Ukraine.
"Điều này sẽ thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột. Điều này có nghĩa là các nước NATO, Mỹ và các quốc gia châu Âu đang chiến đấu với Nga", ông Putin nói.
Nga từng đặt ra "lằn ranh đỏ" trước đây cho phương Tây, bao gồm việc cung cấp xe tăng chiến đấu hiện đại và máy bay chiến đấu cho Ukraine. Tuy nhiên, các lằn ranh này đã bị vượt qua mà không dẫn đến xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO.
Đặc phái viên Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cũng nhấn mạnh, các nước NATO sẽ bị coi là "khởi động chiến tranh mở" với Nga nếu cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa.
"Đây là một bước đi rất nghiêm trọng hướng đến nguy cơ khởi đầu Thế chiến 3", ông Vladimir Dzhabarov, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Thượng viện Nga, cảnh báo sau khi có thông tin Mỹ "cởi trói" cho Ukraine, đồng thời cho biết Moscow sẽ phản ứng ngay lập tức.
"Phương Tây đã quyết định leo thang đến mức có thể dẫn đến việc nhà nước Ukraine bị hủy hoại hoàn toàn ngay ngày mai", ông Andrei Klishas, thành viên cấp cao của Thượng viện Nga, cảnh báo trên Telegram.
Ông Leonid Slutsky, chủ tịch ủy ban đối ngoại của Hạ viện Nga nói rằng việc Mỹ cho phép Kiev tấn công Nga bằng tên lửa chiến thuật ATACMS sẽ dẫn đến phản ứng cứng rắn nhất của Moscow.
"Các cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào sâu lãnh thổ Nga chắc chắn sẽ kéo theo sự leo thang nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều", ông Slutsky nhấn mạnh.
Tổng thống đắc cử Trump sẽ phản ứng thế nào?
Vấn đề đặt ra hiện nay là chỉ còn hai tháng nữa Tổng thống Biden sẽ hết nhiệm kỳ, trước khi ông trao lại quyền lực cho Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Hiện chưa rõ liệu ông Trump có tiếp tục chính sách này của chính quyền tiền nhiệm hay không. Tuy nhiên, một số đồng minh thân cận nhất của ông đã lên tiếng chỉ trích quyết định này.
Ông Trump chưa nêu rõ chính sách mà ông sẽ thực hiện đối với cuộc chiến ở Ukraine, ngoài việc tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột trong vòng một ngày, mặc dù không nêu rõ ông sẽ thực hiện bằng cách nào.
Nhiều quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống đắc cử Trump, chẳng hạn Phó Tổng thống đắc cử JD Vance, cho biết Mỹ không nên cung cấp thêm bất kỳ viện trợ quân sự nào cho Ukraine.
Tuy nhiên, một số người trong chính quyền mới của ông Trump lại có quan điểm khác. Michael Waltz, người được đề cử vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia, đã lập luận rằng Mỹ có thể đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine để buộc Nga phải đàm phán.
Hiện không rõ tổng thống đắc cử Mỹ sẽ đi theo hướng nào. Nhưng nhiều người ở Ukraine lo ngại rằng ông sẽ cắt đứt việc cung cấp vũ khí, bao gồm cả ATACMS, cho Kiev.
"Chúng tôi lo lắng. Chúng tôi hy vọng ông Trump sẽ không đảo ngược quyết định", Oleksiy Goncharenko, một nghị sĩ Ukraine, cho biết.
Theo dantri.com.vn