Các chuyên gia đã đưa ra nhận định khác nhau về nguy cơ leo thang xung đột khi Tổng thống Mỹ Joe Biden "cởi trói" cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga.
Hệ thống tên lửa ATACMS (Ảnh: EPA).
Sự thay đổi gần đây trong chính sách của Mỹ đã gây ra cuộc tranh luận gay gắt khi Tổng thống Joe Biden được cho là đã cho phép Ukraine triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ, bao gồm Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS), tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Ngoài Mỹ, 2 đồng minh của Washington là Anh và Pháp cũng đồng ý cho Kiev sử dụng vũ khí tầm xa trong cuộc đối đầu với Nga.
Quyết định chấp thuận cho Ukraine sử dụng ATACMS được đưa ra sau khi Moscow triển khai gần 50.000 quân ở tỉnh Kursk, nơi Kiev triển khai chiến dịch đột kích từ đầu tháng 8 và đang kiểm soát một số khu vực trên lãnh thổ Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố việc cho phép Ukraine bắn tên lửa của Mỹ vào lãnh thổ Nga đồng nghĩa với sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào cuộc xung đột, từ đó làm leo thang chiến tranh.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an vào ngày 18/11 rằng chính quyền Tổng thống Biden đã cấp "quyền tự sát cho Volodymyr Zelensky về việc sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga".
"Có lẽ ông Joe Biden, vì nhiều lý do, không còn gì để mất, nhưng chúng tôi ngạc nhiên trước sự thiển cận của giới lãnh đạo Anh và Pháp. Họ lợi dụng chính quyền sắp mãn nhiệm và đang kéo không chỉ các quốc gia của họ mà toàn bộ châu Âu vào một cuộc leo thang quy mô lớn với hậu quả thảm khốc", ông nói.
Các đồng minh của Tổng thống đắc cử Donald Trump cảnh báo động thái của chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể dẫn đến Thế chiến 3.
Donald Trump Jr., con trai ông Trump, đã chỉ trích quyết định của chính quyền Tổng thống Biden, cho rằng nó có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn trước khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1.
"Ngành công nghiệp quân sự dường như muốn đảm bảo rằng họ sẽ tiến hành Thế chiến 3 trước khi cha tôi có cơ hội kiến tạo hòa bình và cứu sống các sinh mạng", Trump Jr. cho biết.
Các chuyên gia đã đưa ra những nhận định khác nhau về quyết định của Mỹ khi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga.
Michael C. Desch, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Notre Dame, cho rằng quyết định của Tổng thống Biden vừa nguy hiểm vừa vô nghĩa.
Theo ông, động thái này rất nguy hiểm vì việc sử dụng các hệ thống tấn công sâu như ATACMS có thể đòi hỏi sự tham gia trực tiếp của Mỹ/NATO, chủ yếu là trong việc nhắm mục tiêu.
"Tôi hoài nghi việc này sẽ dẫn đến Thế chiến 3, nhưng nó sẽ làm leo thang thêm một cuộc chiến đẫm máu và nguy hiểm mà đáng lẽ không nên xảy ra và đáng lẽ phải chấm dứt từ lâu", ông nói.
Ông cho rằng động thái này vô nghĩa, vì phương Tây khó có thể cung cấp cho Ukraine đủ số lượng các hệ thống ATACMS để thay đổi cục diện xung đột, trong khi Nga có khả năng đang giành chiến thắng tại thời điểm này.
Chuyên gia chỉ ra rằng, góc nhìn tích cực về quyết định của Tổng thống Biden là ông đang hy vọng tìm được một số đòn bẩy chống lại Nga trong các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột, còn góc nhìn tiêu cực là ông có thể đang cố gắng trói tay người kế nhiệm mình, Tổng thống đắc cử Donald Trump, người có khả năng sẽ áp dụng một chính sách rất khác đối với Ukraine.
"Dù bằng cách nào, phương Tây cũng đang đùa với lửa", chuyên gia Desch cảnh báo.
Trong khi đó, Robert Romanchuk, nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Ukraine, Viện Nghiên cứu Ukraine Harvard, cảnh báo Mỹ có thể không nhận ra, và nhiều nước châu Âu cũng không nhận ra rằng "Thế chiến 3 đã bắt đầu". Ông đề cập đến khả năng xung đột lan rộng khi Triều Tiên được cho là đã đưa quân tới Nga để chiến đấu với Ukraine và Moscow cũng nhận được sự hỗ trợ từ các đồng minh khác.
"Nếu Nga thắng thế ở Ukraine, cuộc chiến tranh nóng sẽ chuyển sang các quốc gia vùng Baltic hoặc Ba Lan, chỉ một số ít quốc gia ở châu Âu hiểu rõ những gì đang xảy ra", chuyên gia dự đoán.
Richard K. Betts, học giả quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại Mỹ, cho rằng tại thời điểm này, nguy cơ Nga leo thang quân sự để đáp trả việc Mỹ cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine là thấp vì Moscow có thể chờ thêm vài tháng nữa cho đến khi Tổng thống đắc cử Trump nhậm chức và đảo ngược chính sách của chính quyền tiền nhiệm đối với Ukraine.
Theo Dani Belo, giám đốc An ninh và Quan hệ Quốc tế, Phòng nghiên cứu Global Policy Horizons, khả năng Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga có khả năng làm leo thang chiến tranh với Moscow. Tuy nhiên, việc ông Trump đắc cử có thể sẽ làm giảm bớt sự leo thang.
Chính quyền của Tổng thống Trump có thể cắt giảm nguồn viện trợ quân sự cho Ukraine và gây áp lực chính trị lên Kiev để chấm dứt xung đột. Điều này có nghĩa là Ukraine không có động lực mạnh mẽ để leo thang ngay bây giờ, chỉ để mất khả năng chiến đấu trong vòng vài tháng.
Chuyên gia chỉ ra rằng, theo quan điểm của Nga, hiện tại cũng không có động lực nào để leo thang. Moscow tin rằng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ cố gắng chấm dứt chiến tranh nhanh chóng, vì vậy Điện Kremlin có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận "chờ đợi và xem xét" cho đến khi chính quyền mới vào Nhà Trắng mà không có sự leo thang đáng kể. Điều này có nghĩa là bất kỳ sự leo thang nào cũng có khả năng bị kiềm chế.
Theo dantri.com.vn