Thấy bạn nhậu cùng mình bị CSGT thổi nồng độ cồn, ông P. đến xin được bỏ qua lỗi vi phạm, khi không được cảnh sát đồng ý, ông này liền lấy điện thoại rồi giám sát tổ công tác cả tiếng đồng hồ.
Đêm 18/11, anh P.V.T. (23 tuổi, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) sau khi dự buổi tiệc liên hoan cơ quan trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), đã lái xe chở theo một nam đồng nghiệp về nhà.
Anh T. bị cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn và phát hiện vi phạm (Ảnh: Trần Thanh).
Khi đến nút giao Lê Đức Thọ - Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm), anh T. bị các chiến sĩ Đội cảnh sát giao thông đường bộ số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội) kiểm tra và phát hiện có nồng độ cồn 0,346mg/lít khí thở. Với vi phạm này, anh T. sẽ bị phạt 4,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 17 tháng.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, sau khi anh T. bị cảnh sát lập biên bản, ông P. (người ngồi sau xe máy của anh T.) liên tục tới chốt cảnh sát giao thông để xin được bỏ qua lỗi vi phạm cho bạn nhậu của mình.
Tuy nhiên khi không được lực lượng chức năng đồng ý, người đàn ông này liền có những lời lẽ không hay và lấy điện thoại giám sát cảnh sát giao thông khoảng một tiếng đồng hồ.
Khi không xin được cảnh sát giao thông bỏ qua vi phạm cho đồng nghiệp, ông P. liền lấy điện thoại rồi đứng giám sát lực lượng chức năng gần một giờ đồng hồ (Ảnh: Trần Thanh).
Trao đổi với phóng viên, Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng đội cảnh sát giao thông đường bộ số 6 cho biết, theo quy định hiện hành, người dân vẫn được quyền giám sát cảnh sát giao thông khi thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên việc này phải không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ.
"Với trường hợp nêu trên, chúng tôi sẽ tuyên truyền, giải thích cho ông P. biết việc người dân có thể giám sát lực lượng chức năng bằng việc quay hình, ghi âm, tuy nhiên, ông P. không được phát trực tiếp lên mạng xã hội.
Ông P. liên tục giám sát lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn đêm 18/11 (Ảnh: Trần Thanh).
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng sẽ giải thích cho ông P. biết, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn là không có vùng cấm, không ngoại lệ, nên tất cả người dân đều phải chấp hành, không có chuyện được du di, bỏ qua vi phạm cho ai cả", Trung tá Chiến nói.
Khoảng 10 phút sau, anh L.V.H. (23 tuổi, quê Nghệ An) điều khiển xe máy đi trên đường Lê Đức Thọ có biểu hiện nghi vấn cũng bị cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra và phát hiện nồng độ cồn 0,551mg/lít khí thở.
Phân trần với cảnh sát, anh H. cho biết bản thân làm nhân viên văn phòng. Hôm nay anh cùng với một số đồng nghiệp ở cơ quan tổ chức liên hoan, nên cả nhóm rủ nhau vào quán bia để ăn uống.
"Em vui quá nên uống hơi nhiều, mong các anh bỏ qua cho lần này", anh H. trình bày với cảnh sát giao thông nhưng vẫn bị CSGT lập biên bản xử phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng.
Cảnh sát giao thông cũng kiểm tra nồng độ cồn với hàng loạt nữ tài xế trong đêm 18/11 (Ảnh: Trần Thanh).
Cùng lúc, anh N.V.T. (41 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) điều khiển xe máy trên đường Lê Đức Thọ cũng bị tổ công tác kiểm tra và phát hiện vi phạm nồng độ cồn kịch khung (0,518mg/lít khí thở).
"Tôi biết cũng biết quy định về xử lý vi phạm nồng độ cồn nhưng nhậu xong, thấy bản thân còn tỉnh táo nên tôi liều lái xe về nhà, không ngờ gặp cảnh sát giao thông", anh T. nói.
Thiếu tá Đào Xuân Tùng, Tổ trưởng tổ công tác cho biết, trong ca làm việc đêm 23/9, lực lượng chức năng cũng kiểm tra nồng độ cồn với cả các nữ tài xế.
Theo Thiếu tá Tùng, nhiều người chủ quan cho rằng cảnh sát giao thông sẽ không kiểm tra với chị em, phụ nữ, tuy nhiên quan điểm này hoàn toàn không chính xác. Việc phụ nữ vi phạm nồng độ cồn là vẫn có và đơn vị thường xuyên kiểm tra và lập biên bản, xử lý với nhiều trường hợp nữ tài xế vi phạm.
Theo dantri.com.vn