"Ngành giáo dục cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thu hút người giỏi vào ngành giáo dục, tạo động lực cho nhà giáo yên tâm công tác".
Trên đây là chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, do ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Bộ GD&ĐT tổ chức sáng nay (18/11).
Cũng tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng huân chương lao động hạng Ba cho Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) vì những đóng góp trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Tổng Bí thư Tô Lâm (trái) và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (Ảnh: P. Phú).
Nhân lực là một trong 3 điểm nghẽn lớn nhất
Gửi lời chúc mừng đến đội ngũ thầy cô giáo trên cả nước nhân ngày 20/11, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, trong công cuộc đổi mới đất nước, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc.
Đảng và Nhà nước xác định, đầu tư cho giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng, luôn đi đầu so với các lĩnh vực khác.
Hiện cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tiếp tục được củng cố, duy trì và từng bước đạt chuẩn ở mức độ cao hơn.
Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều có những chuyển biến tốt, được thế giới ghi nhận.
Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức. Đổi mới giáo dục đại học gắn với tăng cường tự chủ được triển khai, đào tạo gắn kết hơn với nhu cầu thị trường; công bố khoa học quốc tế tăng mạnh…
Trước những thách thức cho ngành giáo dục sắp tới, Tổng Bí thư gợi mở 3 vấn đề với ngành giáo dục.
Thứ nhất, phải tập trung thực hiện bằng được hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo.
Thứ hai, cần có giải pháp xóa hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; phát động thực hiện phong trào "bình dân học vụ số"; tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số thành phố lớn, khu công nghiệp và các vùng khó khăn.
Bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng Nghị quyết mà Đảng đã đề ra.
Tổng Bí thư Tô lâm phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 (Ảnh: Bộ GD&ĐT).
Thứ ba, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, năng lực truyền thụ, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.
Ngành giáo dục cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thu hút người giỏi vào ngành giáo dục, tạo động lực cho nhà giáo yên tâm công tác.
Bên cạnh kết quả trên đây, Tổng Bí thư cho rằng, tuy đã đổi mới giáo dục hàng chục năm nhưng cơ bản chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ. Nhân lực vẫn là một trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay. Một số hạn chế của giáo dục, đào tạo kéo dài nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm.
Chất lượng giáo dục ở các cấp học còn hạn chế; giáo dục đại học vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới.
Hàng chục nghìn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, hoặc làm không đúng nghề nghiệp được đào tạo, không chỉ gây ra lãng phí lớn, mà còn phản ánh rõ nét hạn chế của giáo dục đào tạo.
Phương pháp giáo dục chưa phát huy được sự tích cực, sáng tạo của người học. Tình trạng thiếu trường lớp ở một số thành phố lớn, khu công nghiệp, khu đông dân cư, miền núi, vùng sâu, vùng xa rất trăn trở.
Đội ngũ nhà giáo vẫn còn thiếu về số lượng, một bộ phận yếu về năng lực chuyên môn, chưa tích cực đổi mới, một bộ phận nhỏ vẫn còn có biểu hiện vi phạm đạo đức gây ảnh hưởng xấu trong dư luận.
Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo chưa tương xứng với yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, trong khi xã hội hóa các nguồn lực đầu tư còn gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: P. Phú).
Giáo viên chưa mẫu mực chỉ là cá biệt
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn báo cáo vắn tắt về ngành GD&ĐT, về việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, về đội ngũ các nhà giáo ở thời điểm hiện nay.
Theo Bộ trưởng, hiện cả nước có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, bao gồm cả hai khối công và tư, từ phổ thông đến đại học và dạy nghề.
Chưa bao giờ đội ngũ nhà giáo đông đảo, hùng hậu, được chuẩn hóa và có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ như hiện nay.
Hiện đội ngũ nhà giáo có trên 6.000 giáo sư và phó giáo sư, có khoảng gần 60.000 người có trình độ tiến sĩ, trên 600 nhà giáo được phong tặng nhà giáo nhân dân và trên 10.000 nhà giáo ưu tú.
Những truyền thống đẹp của cha ông tụ lại từ nghìn năm và cả truyền thống mới từ thời hiện đại vượt khó qua chiến tranh và chống đói nghèo, xóa mù chữ đều được kế tục và phát huy trong thời hiện nay.
Bộ trưởng thừa nhận, trong số rất đông những người làm giáo dục, cũng có những trường hợp cá biệt, chỗ này, nơi kia chưa thực sự mẫu mực, còn vụ lợi…, khiến xã hội chưa hài lòng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đó là số rất ít và cá biệt, cục bộ. Trong những thành tựu mà đất nước ta đạt được suốt hơn 40 năm qua của thời kỳ đổi mới, không thể không tính đến sự đóng góp rất quan trọng của lực lượng nhà giáo, của tầng lớp trí thức.
"Trong các chỉ đạo gần đây, Tổng Bí Thư Tô Lâm đã một lần nữa khẳng định vai trò của lực lượng nhà giáo, là "đầu tầu của giáo dục", là lực lượng quan trọng nhất quyết định tới giáo dục.
Tổng Bí thư bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới các nhà giáo khi dặn dò trong phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội về Luật Nhà giáo rằng "luật Nhà giáo ban hành ra phải làm cho các nhà giáo phấn khởi, tươi vui, đón nhận…". Nhà giáo phải có chỗ làm việc, có nhà ở công vụ, được tôn trọng và bảo vệ, …
Đó là những tư tưởng chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư với ngành Giáo dục, với trí thức khiến cho các nhà giáo thấy rất phấn chấn và thấy được quan tâm có chiều sâu", Bộ trưởng chia sẻ.
Theo dantri.com.vn