Rừng ở Tuyên Quang được cấp mã số vùng trồng giúp minh bạch hóa lâm sản xuất khẩu

Thứ 4, 20.11.2024 | 14:36:33
35 lượt xem

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS) vừa phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang trao chứng nhận cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn. Đây là diện tích rừng trồng đầu tiên trên cả nước được cấp mã số nhằm minh bạch hóa sản phẩm lâm sản phục vụ xuất khẩu.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang trao chứng nhận mã số vùng trồng rừng cho đại diện Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn.

Mã số được cấp có diện tích 1ha, trồng thuần keo lai từ năm 2022, thuộc vùng trồng rừng nguyên liệu Đội 821, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Thông tin về tọa độ vùng trồng được xác định chính xác bởi Hệ thống iTwood và Chi cục Kiểm lâm tỉnh chứng nhận. Đây là mã số vùng trồng rừng đầu tiên cấp cho chủ rừng tại Việt Nam, thuộc khuôn khổ chương trình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thí điểm tại 5 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái. Các lô rừng sẽ được cấp một mã QR giúp các chủ rừng thuận lợi trong công tác quản lý và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cũng dễ dàng truy xuất nguồn gốc rừng một cách nhanh nhất, rõ ràng nhất.

Rừng ở Tuyên Quang được cấp mã số vùng trồng giúp minh bạch hóa lâm sản xuất khẩu ảnh 1

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và cán bộ kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang kiểm tra diện tích rừng được cấp mã số vùng trồng rừng trên địa bàn huyện Yên Sơn.

Kể từ khi mã số vùng trồng rừng được cấp cho diện tích rừng của đội 821, anh Trần Mạnh Huấn, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn không còn phải quá vất vả để đi kiểm tra hiện trạng rừng của đội mà vẫn quản lý, theo dõi được 1 cách chặt chẽ. Anh Huấn, phấn khởi cho biết, với chiếc điện thoại thông minh, anh có thể soi vào mã quét QR đã được cấp, mọi thông tin, hình ảnh, hiện trạng rừng được cập nhật đầy đủ trên máy, rất dễ dàng trong quản lý và chỉ đạo sản xuất.

Theo anh Huấn, với phần mềm, mã quét không những thuận lợi trong công tác quản lý rừng, giúp minh bạch hóa quá trình sản xuất trong nội bộ đơn vị và cũng rất thuận lợi cho các đối tác trong và ngoài nước có nhu cầu truy xuất tận gốc sản phẩm. Sau lô rừng của đội 821, Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn tiếp tục cung cấp thông tin đồng thời xúc tiến đề nghị Chi cục Kiểm lâm cấp mã số vùng trồng cho 1.366ha rừng trồng trong năm 2024 và sẽ cấp hết hơn 1.800ha rừng của toàn công ty trong năm 2025.

Đồng chí Lý Xuân Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, cho biết, nền tảng cho việc cấp mã số vùng trồng rừng là Hệ thống iTwood là một công cụ hỗ trợ quản lý chuỗi cung gỗ theo thời gian thực. Mỗi khâu trong quy trình tạo lập hồ sơ sẽ được cấp một mã QR, bảo đảm dòng chảy thông tin liên tục về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu từ khâu trồng rừng-khai thác-thương mại. Nhờ sử dụng mô hình điện toán đám mây, iTwood hỗ trợ người sử dụng truy xuất nguồn gốc gỗ nhanh chóng, hiệu quả nhất cũng từ đó thông tin về nguồn gốc sản phẩm được minh bạch hóa nhất.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Việc cấp mã số vùng trồng cho sản xuất nông nghiệp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai. Nhờ hành lang pháp lý này, nhiều nông sản, đặc biệt là hoa quả, đã tăng trưởng xuất khẩu những năm gần đây. Đối với cây lâm nghiệp, vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ cũng được đặt ra từ rất sớm. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất gỗ và sử dụng gỗ nguyên liệu để chế biến phải xây dựng, phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp không gây mất rừng. Đây là yêu cầu bắt buộc để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật...

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Đại Hải cũng cho rằng, với một tỉnh có diện tích rừng sản xuất tới 190 nghìn ha, đứng vào TOP đầu của cả nước và là tỉnh có sản lượng gỗ khai thác lớn nhất vùng trung du miền núi phía bắc khoảng 1 triệu m3/năm, chiếm hơn 23% sản lượng khai thác của toàn vùng, đóng góp phần lớn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam thì việc cấp mã số vùng trồng cho diện tích rừng sản xuất của Tuyên Quang là cấp thiết, giúp sản phẩm gỗ rừng trồng Tuyên Quang khẳng định được tên tuổi, lợi thế cạnh tranh. Bởi hiện nay, tất cả những sản phẩm không chỉ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, minh bạch được thông tin, truy xuất được nguồn gốc sẽ đem lại niềm tin và là sự lựa chọn số 1 của người tiêu dùng.

Trong kỷ nguyên số, nền kinh tế số, nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm rừng trồng được số hóa vùng sẽ là bước tiến quan trọng không những đáp ứng yêu cầu quốc tế mà còn chú trọng xây dựng công cụ quản lý lâu dài như định danh số cho tất cả các lô rừng, bao gồm đầy đủ thông tin về: Chủ rừng, quyền sử dụng đất, vị trí tọa độ địa lý và hiện trạng vùng trồng rừng…

Đồng chí Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, cho biết, Các loại cây trồng như: cam, bưởi, chè, rừng sản xuất của tỉnh được cấp mã số vùng. Việc này mang lại nhiều ý nghĩa, giúp công tác quản lý thuận lợi hơn, doanh nghiệp tiếp cận vùng nguyên liệu hợp pháp dễ dàng hơn, tạo mối liên kết ổn định giữa doanh nghiệp và chủ rừng, góp phần đạt được nhiều mục tiêu như chuyển đổi số trong lâm nghiệp, thúc đẩy kinh tế hợp tác.

Đặc biệt, mã số vùng trồng sẽ là đầu vào quan trọng cho cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Với những lợi ích mang lại, Sở tiếp tục chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm triển khai rộng rãi số hóa quy trình cấp mã số cho vùng trồng rừng, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý toàn bộ diện tích rừng của tỉnh thực hiện mục tiêu xây dựng Tuyên Quang trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu gỗ lớn của cả nước.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/rung-o-tuyen-quang-duoc-cap-ma-so-vung-trong-giup-minh-bach-hoa-lam-san-xuat-khau-post845895.html

  • Từ khóa