Những nông dân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ 5, 21.11.2024 | 14:54:50
56 lượt xem

Tháng 10/2024, HND tỉnh đã công bố danh sách những gương nông dân xuất sắc năm 2024. Theo đó, toàn tỉnh có 11 hội viên đạt danh hiệu này. Họ là những nông dân xuất thân từ gia đình nhiều đời làm nông nghiệp, gắn bó với đồng ruộng, thành công nhờ vào ý chí, nghị lực và khát vọng vươn lên. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, những cá nhân được chọn là “Nông dân xuất sắc” năm 2024 của tỉnh còn giúp cho nhiều lao động có việc làm, thu nhập ổn định. Dưới đây là một số điển hình tiêu biểu...

Ông Nguyễn Trí Tuấn, hội viên nông dân khu Than Muội, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng thăm vườn na của gia đình

Ông Nguyễn Trí Tuấn, hội viên nông dân khu Than Muội, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng thăm vườn na của gia đình

Tiêu biểu như tấm gương ông Nguyễn Trí Tuấn (sinh năm 1980), hội viên nông dân (HVND) khu Than Muội, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Ông Tuấn cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên tại thị trấn Đồng Mỏ. Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng lúa, ngô, sắn, thu nhập thấp, bấp bênh. Nhận thấy sản phẩm na của huyện được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng thơm, ngon, đậm vị do được trồng ở vùng núi đá nên từ năm 2015, tôi bắt tay vào trồng hơn 300 cây na. Quá trình trồng, tôi luôn áp dụng chăm sóc vườn na theo đúng tiêu chuẩn khoa học từ kiến thức được học qua các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do HND thị trấn phối hợp, chủ động tìm hiểu thêm về các tài liệu trồng na ở các vùng khác nhau trên địa bàn tỉnh và đi tham khảo, học tập kinh nghiệm thực tế tại những vườn na đã phát triển tốt, cho thu nhập cao. Đặc biệt, từ năm 2017, tôi áp dụng chăm sóc na theo tiêu chuẩn VietGAP nên na cho sản lượng, chất lượng cao hơn.

Với sự cần cù và tinh thần ham học hỏi đó, đến nay, 350 cây na của gia đình ông phát triển tốt, từ năm 2022 đến nay, trung bình mỗi năm vườn na cho thu hoạch hơn 30 tấn quả với giá bán từ 30 đến 60 nghìn đồng/kg.

Cùng với sản xuất na, gia đình ông Tuấn còn thu mua na tại địa phương để phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu mua hơn 70 tấn na/năm. Mô hình kinh doanh tổng hợp này đã đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Không chỉ vậy, gia đình ông còn tạo việc làm cho 7 lao động tại địa phương với mức lương hơn 8 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lăng Văn Vảng, hội viên nông dân thôn Pò Cại, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng thu hoạch hồng vành khuyên

Ông Lăng Văn Vảng, hội viên nông dân thôn Pò Cại, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng thu hoạch hồng vành khuyên

Hay như tấm gương của nông dân Lăng Văn Vảng (sinh năm 1960), HVND thôn Pò Cại, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng. Gia đình ông được biết đến là hộ sản xuất kinh doanh giỏi với mô hình trồng hồng vành khuyên. Ông Vảng cho biết: Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở xã nên tôi thấu hiểu nỗi vất vả của người nhà nông. Năm 2004, nhận thấy cây hồng vành khuyên cho năng suất cao, được giá và có thương lái thu mua tại chỗ nên tôi quyết định cải tạo khu vườn tạp rộng hơn 3 ha để trồng hồng.

Quá trình trồng và chăm sóc, ông gặp không ít những khó khăn về kỹ thuật trồng, cách bón phân, đặc biệt là cách xử lý sâu bệnh hại… Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ông Vảng vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, đồng thời, áp dụng kỹ thuật học được từ các lớp tập huấn do xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức, tham quan các mô hình trồng hồng có hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện để học tập cách làm. Hiện gia đình ông có khoảng 800 cây hồng vành khuyên cho sản lượng hằng năm đạt trên 17 tấn quả, đem về thu nhập gần 300 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm cho 4 lao động tại địa phương.

Anh Hoàng Phúc Thắng, hội viên nông dân thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình chăm sóc cây chanh rừng

Anh Hoàng Phúc Thắng, hội viên nông dân thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình chăm sóc cây chanh rừng

Ngược lên vùng đất khó Mẫu Sơn, chúng tôi tìm đến gia đình anh Hoàng Phúc Thắng (sinh năm 1993), HVND thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình. Anh Thắng cho biết: Là HVND trẻ, tôi luôn trăn trở nghĩ cách làm thế nào để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Với suy nghĩ đó, nhận thấy xã có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển nông nghiệp nhưng chủ yếu vẫn là sản phẩm thô, giá thành chưa cao, sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp nên năm 2020, tôi đã vận động bà con cùng thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông trang sinh thái Mẫu Sơn. Tôi đã cùng các thành viên HTX tìm tòi, nghiên cứu chế biến sản phẩm ô mai chanh rừng từ quả chanh rừng tươi. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ không những được mở rộng mà sản phẩm có giá trị cao hơn so với khi chưa chế biến.

Nếu như đối với quả chanh rừng tươi có giá khoảng 50 nghìn đồng/kg thì sau khi chế biến sản phẩm ô mai chanh rừng có giá trên 100 nghìn đồng/kg. Đến nay, HTX có hơn 11 ha chanh rừng của các thành viên, chế biến và cung cấp ra ra thị trường hơn 30.000 hộp ô mai chanh rừng mỗi năm. Từ năm 2022 đến nay, trung bình mỗi năm, mô hình đem lại thu nhập cho gia đình anh và các thành viên khác hơn 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Trên đây chỉ là 3 trong số 11 “Nông dân xuất sắc” năm 2024. Mỗi người có một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nhưng trong mỗi câu chuyện lập nghiệp, phát triển kinh tế của những nông dân đó, chúng tôi đều nhận thấy điểm chung là ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn để vươn lên làm giàu.

Ông Hoàng Văn Ngôn, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Nông dân xuất sắc là những nông dân nòng cốt, đi đầu trong sản xuất nông nghiệp. Họ không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước. Họ chính là những nhân tố truyền động lực, cổ vũ khuyến khích những nông dân khác hăng hái lao động sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/suc-hut-tu-chuong-trinh-ton-vinh-nong-dan-xuat-sac-va-san-pham-nong-nghiep-tieu-bieu-5028971.html

  • Từ khóa