Từ quả gấc, nhóm khởi nghiệp Trường THCS Minh Phát, huyện Lộc Bình gồm: Đàm Nhật Phong, Vi Thị Yến Nhi, Lộc Thúy Kiều, Vi Thị Diệu Linh, dưới sự hướng dẫn của cô Nông Thị Thọ - giáo viên chủ nhiệm lớp 8 đã tạo ra 13 sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… được người tiêu dùng đón nhận. Tại Cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2024, dự án sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ gấc xuất sắc đạt giải nhì.
Các thành viên nhóm khởi nghiệp sơ chế quả gấc
Gấc là loại quả cung cấp nhiều nguồn dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe, làm đẹp da, điển hình như: cải thiện chiều cao và sức đề kháng, phòng ngừa bệnh ung thư, tốt cho tim, ngăn ngừa thiếu máu, cải thiện thị lực, duy trì thanh xuân, ngăn ngừa lão hóa... trong dân gian, gấc là một vị thuốc quý để điều trị bệnh quai bị, nhức mỏi xương khớp… Nhận thấy, quả gấc có nhiều công dụng đối với sức khỏe song phạm vi ứng dụng còn hạn chế, chính vì vậy, tháng 5/2023, nhóm học sinh và giáo viên Trường THCS Minh Phát đã có ý tưởng khởi nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ gấc.
Em Đàm Nhật Phong, trưởng nhóm thực hiện dự án khởi nghiệp cho biết: Để tạo ra những sản phẩm hữu ích từ quả gấc, bên cạnh tìm kiếm các tư liệu, tài liệu liên quan đến thành phần, công dụng, chúng em cũng nghiên cứu các bài thuốc dân gian để điều trị bệnh từ quả gấc; học hỏi quá trình chế biến, tạo ra những món ăn ngon từ gấc để tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ cộng đồng.
Sau nhiều lần nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm thực hiện dự án đã tạo ra 13 sản phẩm từ gấc gồm: tinh dầu; miếng dán hỗ trợ điều trị bệnh quai bị từ lá, hạt gấc; rượu xoa bóp hỗ trợ điều trị nhức mỏi xương khớp; xôi gấc; các loại bánh từ gấc (bánh chưng, bánh giầy, bánh rợm, bánh bao); bún gấc; kẹo dẻo; nước ép; bột gấc khô; hạt gấc khô. |
Sau nhiều lần nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm thực hiện dự án đã tạo ra 13 sản phẩm từ gấc gồm: tinh dầu; miếng dán hỗ trợ điều trị bệnh quai bị từ lá, hạt gấc; rượu xoa bóp hỗ trợ điều trị nhức mỏi xương khớp; xôi gấc; các loại bánh từ gấc (bánh chưng, bánh giầy, bánh rợm, bánh bao); bún gấc; kẹo dẻo; nước ép; bột gấc khô; hạt gấc khô. Trong đó, tinh dầu gấc với phần thịt quả gấc và dầu ăn được sản xuất bằng phương pháp thủ công, có thể bảo quản trong môi trường tự nhiên đến 3 tháng mà vẫn giữ được nguyên giá trị dinh dưỡng. Các sản phẩm miếng dán hỗ trợ điều trị bệnh quai bị với thành phần là hạt gấc hoặc lá gấc kết hợp với lá na, lá cà độc dược, mật ong giúp người bệnh sử dụng thuận tiện, dễ dàng. Hạt gấc rang ngâm với rượu trong vài tháng dùng để xoa bóp làm giảm bớt các triệu chứng đau mỏi xương khớp. Phần thịt của quả gấc dùng làm xôi và tạo ra các loại bánh, kẹo, bún, nước ép không chỉ cho màu sắc bắt mắt mà còn giúp món ăn có hương vị thơm ngon.
Tùy từng sản phẩm mà giá bán dao động từ 3.000 đến 60.000 đồng. Cụ thể, tinh dầu gấc 30.000 đồng/lọ; miếng dán hỗ trợ điều trị bệnh quai bị 10.000 đồng/miếng; rượu xoa bóp hỗ trợ điều trị nhức mỏi xương khớp 20.000 đồng/lọ; bún gấc 40.000 đồng/túi (500g); bánh giầy gấc 3.000 đồng/cái...
Sau khi đưa ra thị trường các sản phẩm của nhóm thực hiện dự án đã được người tiêu dùng đón nhận và có những phản hồi tốt về chất lượng. Đông đảo người dân trên địa bàn xã Minh Phát và các xã lân cận đã ủng hộ sản phẩm của nhóm, trong đó, một số trường học thường xuyên đặt mua các loại bánh, bún khô, xôi để phục vụ các bữa ăn bán trú cho học sinh; các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, nhà nghỉ trong khu vực cũng nhận làm đại lý cung cấp, quảng bá sản phẩm của nhóm đến người tiêu dùng. Nhờ đó, mỗi tháng nhóm tiêu thụ ra thị trường hàng nghìn sản phẩm, trừ các chi phí, nhóm có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Có đầu ra ổn định, nhóm đã hợp đồng thu mua quả gấc với một số nông dân trên địa bàn xã nhằm tạo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng.
Cô Nông Thị Thọ, giáo viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu chia sẻ: Ban đầu nhóm chỉ làm một số sản phẩm nhưng càng nghiên cứu, các em càng có nhiều ý tưởng tận dụng quả gấc để tạo ra những sản phẩm hữu ích. Chính vì vậy, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu các công thức để tạo ra sản phẩm song các em đều rất kiên trì, nỗ lực. Kết quả là đã tận dụng được quả gấc để tạo ra nhiều sản phẩm và được thị trường đón nhận.
Để mở rộng thị trường cho các sản phẩm, nhóm thực hiện dự án khởi nghiệp đang nghiên cứu cải tiến bao bì, mẫu mã cũng như mở rộng kênh quảng bá tiêu thụ sản phẩm thông qua các nền tảng mạng xã hội. Cùng đó, tiếp tục nghiên cứu các loại nông sản, đặc sản của huyện Lộc Bình để tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/khoi-nghiep-voi-cac-san-pham-tu-qua-gac-5029110.html