Việc xây dựng khuôn khổ quản lý các loại tiền kỹ thuật số cần đơn giản, linh hoạt và dựa trên các quy định hiện hành để bảo đảm nhất quán
Bitcoin và các loại tiền số khác đang làm thay đổi mạnh mẽ cục diện tài chính toàn cầu. Tại Việt Nam, trước sức hút của tiền mã hóa và các rủi ro liên quan, việc xây dựng một hệ thống quản lý hiệu quả là cần thiết.
Công nhận tiền số là tài sản
Nguyễn Tấn Sơn, Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Kế toán và Luật - Khoa Kinh doanh ĐH RMIT Việt Nam, nhận xét cách tiếp cận của Việt Nam đối với tiền mã hóa khá thận trọng khi Ngân hàng Nhà nước không cho phép sử dụng làm phương tiện thanh toán hợp pháp. Tuy nhiên, do không có quy định rõ ràng nên giao dịch và sở hữu tiền số vẫn nằm trong "vùng xám", nhà đầu tư dễ đối mặt với các nguy cơ lừa đảo, thao túng thị trường, mất tiền trên các sàn giao dịch không được kiểm soát. Chưa kể, tính ẩn danh của giao dịch blockchain là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố.
"Quản lý bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn về minh bạch, an ninh và trách nhiệm không chỉ nhằm giảm thiểu rủi ro mà còn mở ra tiềm năng của công nghệ blockchain để thúc đẩy đổi mới, biến Việt Nam trở thành trung tâm khởi nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển nền kinh tế số" - TS Nguyễn Tấn Sơn nêu quan điểm.
Về xây dựng khung pháp lý, Việt Nam có thể tiến hành theo các bước: xác định tiền mã hóa là tài sản hay chứng khoán; yêu cầu đăng ký các sàn giao dịch tiền mã hóa và áp dụng các biện pháp chống rửa tiền nghiêm ngặt; thành lập các chương trình thử nghiệm (sandbox) để khuyến khích phát triển các ứng dụng trên nền tảng blockchain dưới sự giám sát; cân bằng giữa việc bảo vệ nhà đầu tư và thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng kinh tế.
Nhiều quốc gia đã xây dựng quy định quản lý tiền số, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
PGS-TS Trần Hùng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển công nghệ ngân hàng - ĐHQG TP HCM, cho rằng trước hết cần đưa nội dung về tiền số vào dự thảo về sandbox công nghệ - tài chính trong lĩnh vực ngân hàng hoặc xây dựng cơ chế riêng. Nguyên tắc chung nên được áp dụng là rủi ro giống nhau, hoạt động giống nhau thì cùng chịu các quy định điều tiết như nhau. Theo đó, tiền số và các sản phẩm tài chính truyền thống có chức năng kinh tế như nhau. "Theo khuôn khổ quản lý thận trọng, việc thiết kế chính sách không nên theo hướng ủng hộ hoặc ngăn cấm các công nghệ cụ thể liên quan đến tiền mã hóa. Cần tính đến các rủi ro phát sinh xung quanh đặc tính độc đáo của tiền số cũng như các yếu tố khác của loại tài sản này có liên quan với các công cụ tài chính truyền thống. Đồng thời, phân loại tiền số theo các chức năng kinh tế như phương tiện thanh toán và trao đổi; công cụ đầu tư/chứng khoán; công cụ tiện ích" - PGS-TS Trần Hùng Sơn góp ý.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng khuôn khổ quản lý các loại tiền kỹ thuật số cần đơn giản và linh hoạt; tránh việc phức tạp hóa các yêu cầu, quy định và nên xây dựng dựa trên các quy định hiện có để bảo đảm tính nhất quán.
Chịu sự giám sát của pháp luật Việt Nam
Luật sư Đào Tiến Phong, Giám đốc điều hành Hãng luật Investpush, cho rằng cần yêu cầu các nhà cung cấp đăng ký hoạt động tại Việt Nam để kiểm soát giao dịch và các hoạt động đầu tư tài sản số, đồng thời bảo đảm ổn định tiền tệ. Luật sư Phong cũng đề xuất thu thuế 0,01%-0,05% trên giá trị bán tài sản số - mức thấp hơn chứng khoán, có ý nghĩa khuyến khích tiếp cận thị trường song nguồn thu sẽ không nhỏ vì khối lượng giao dịch lớn.
"Việc công nhận tài sản số cũng giúp nhà nước truy vết dòng tiền và ngăn chặn hiệu quả các hoạt động rửa tiền, thậm chí dễ quản lý hơn so với các hình thức truyền thống. Cần yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hóa triển khai KYC (xác thực khuôn mặt), xác minh tài khoản để tránh trường hợp tạo tài khoản ảo thực hiện những việc trái pháp luật" - luật sư Phong kiến nghị.
Theo chuyên gia bảo mật Phạm Đình Thắng, các sàn giao dịch tiền số cần tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể và phải đăng ký, cấp phép hoạt động. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan chức năng với sàn giao dịch để giám sát giao dịch. Ngoài ra, việc chia sẻ thông tin với các quốc gia khác là cần thiết để đối phó các hoạt động rửa tiền xuyên biên giới. "Các giải pháp hiện tại có thể phù hợp trong bối cảnh này nhưng cần linh hoạt điều chỉnh để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ" - ông Thắng lưu ý.
Ông Phan Đức Nhật, Chủ tịch Coin Help & BHO Network, đề nghị áp dụng các quy định hiện hành về tài sản để quản lý tiền số, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro từ các vụ lừa đảo. Bên cạnh đó, các tổ chức và cá nhân kinh doanh tiền số bằng VNĐ cũng cần đăng ký và chịu sự giám sát của pháp luật Việt Nam. Khẳng định tầm quan trọng của việc yêu cầu các dự án, tổ chức và sàn giao dịch thiết lập văn phòng hoặc trụ sở tại Việt Nam, ông Nhật cho rằng chỉ khi đó, dòng tiền của Việt Nam mới được giữ lại trong nước và người dân sẽ yên tâm hơn khi tham gia đầu tư.
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/da-den-luc-phai-quan-ly-tien-so-nhung-giai-phap-cap-thiet-196241130210118642.htm