Tinh gọn bộ máy là cuộc cách mạng đưa Việt Nam vượt lên, vươn mình

Thứ 5, 05.12.2024 | 14:49:13
424 lượt xem

"Tinh gọn bộ máy là cuộc cách mạng đưa Việt Nam vượt lên, vươn mình trong kỷ nguyên mới", nhận xét của bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng.

Tinh gọn bộ máy là cuộc cách mạng đưa Việt Nam vượt lên, vươn mình

Quyết liệt, mạnh mẽ, không cả nể

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch VCCI, nguyên thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng, việc cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất các bộ, cơ quan ngang bộ lần này là rất cần thiết, đúng lúc và đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ ở một thời đại mới. 

Trước đây, nhiều lần chúng ta định sáp nhập, tinh gọn bộ máy nhưng chưa thực sự hiệu quả, một phần do nền kinh tế chưa phát triển đủ mạnh cũng như bối cảnh hội nhập quốc tế chưa đủ rộng.

Bà Lan cũng nêu ra một thực trạng, trong một số năm gần đây nhiều cán bộ công chức không dám làm hết mình bởi sợ vi phạm, vì nhiều điểm chưa rõ ràng. 

"Anh làm đúng quy định của bộ này nhưng lại có thể vướng vào quy định của một bộ khác tương tự nên vẫn có thể bị sai và cái sai ở đây không chỉ ở cá nhân mà liên quan đến cả cơ quan", bà Lan nêu. 

Bà đánh giá, với một hệ thống còn nhiều "chồng chéo" dẫn đến việc chúng ta không trao đủ quyền cho các bộ, các cơ quan cũng như các cá nhân; không giao đủ trách nhiệm để chịu trách nhiệm đến nơi đến chốn.

Việc sắp xếp, hợp nhất một số bộ ngoài trao đủ quyền, giao trách nhiệm đến nơi đến chốn cho từng cá nhân, đơn vị còn giúp minh bạch, chống tham nhũng và chừng nào còn chưa minh bạch thì tham nhũng còn xảy ra.  

Tinh gọn bộ máy là cuộc cách mạng đưa Việt Nam vượt lên, vươn mình - 1

Bà Phạm Chi Lan (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Song bà nhìn nhận quá trình sắp xếp và hợp nhất các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ không hề dễ dàng nên đòi hỏi sự quyết liệt, mạnh mẽ, không vì cả nể mà trì hoãn.  Đối với những người còn giữ lại, tiếp tục công việc ở cơ quan mới phải có chọn lọc, đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

"Khi về cơ quan mới thì chức năng, nhiệm vụ của từng cá nhân phải được phân chia rõ ràng để có thể làm việc ngay, tránh tình trạng "người mới, người cũ" gây ra phiền toái, không tạo sự đồng nhất, thiếu tin tưởng để cùng làm việc", bà Lan nêu.

Bà cho rằng, cách tốt nhất để những người ở lại làm việc có thể tâm phục, khẩu phục là có tiêu chuẩn chung, không giữ lại vì "con ông này, bà kia" hay từng có thành tích trong công tác và khi đã làm rõ ràng, đúng tiêu chuẩn sẽ bớt phiền hà. 

Bên cạnh đó, cần thu xếp cho những người không còn phù hợp có công việc để làm tiếp cho đến khi nghỉ hưu. Nếu có chế độ nghỉ hưu sớm được hưởng nguyên lương mà họ chấp nhận có thể xem xét cho nghỉ hưu sớm.

Thực tế, có nhiều người làm ở bộ máy Nhà nước không thích hợp nhưng ra ngoài làm với các công ty, doanh nghiệp có thể phù hợp. Việc sắp xếp, sáp nhập lại bộ máy góp phần tiết kiệm cho ngân sách và tăng niềm tin của xã hội vào hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước để người dân tự giác tuân thủ. 

Người dân đồng tình, phấn khởi

"Tất cả những gánh nặng, phiền toái, tốn thời gian, công sức, tiền của rơi vào dân, doanh nghiệp và bây giờ khi giải tỏa được những điều này sẽ làm cho bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả cao hơn và có uy tín cao hơn, thuyết phục được người dân làm việc với bộ máy một cách nghiêm túc, sòng phẳng, tránh việc phải đi chạy chọt để tìm kiếm quan hệ", bà Lan nêu.

Theo bà Lan, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm qua giữ ổn định như tăng về năng suất lao động lại rất chậm và điều này làm hạn chế việc nước ta tiếp cận với các ngành công nghệ mới. Từ công nghệ mới có thể đạt được mục tiêu Việt Nam là đất nước hùng mạnh, vươn mình trong kỷ nguyên mới bằng chính thực lực của mình.

Chúng ta đã dựa vào nước ngoài nhiều để có thể đạt mức thu nhập trung bình, nhưng từ mức thu nhập trung bình cao đến giàu có phải bằng nội lực của chính mình. 

"Tinh gọn bộ máy là cuộc cách mạng hết sức cần thiết, là cuộc cách mạng đưa Việt Nam vượt lên, vươn mình trong kỷ nguyên mới và tiến tới trở thành đất nước hùng cường, thịnh vượng bằng chính bàn tay, khối óc, con người Việt Nam", bà Lan nhấn mạnh và khẳng định, tinh gọn bộ máy sẽ giúp tăng trưởng về kinh tế và chống lãng phí.

Còn đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đánh giá việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy tại nước ta trước đây đã được thực hiện nhưng còn nhiều bất cập, chưa đến nơi đến chốn, có giảm nhưng chỉ mang tính "cào bằng".

"Việc tinh giản trước đây vẫn chưa thật sự thuyết phục, vẫn còn những trường hợp "sáng vác ô đi, chiều vác ô về". Những người này có tư tưởng bám vào cơ quan Nhà nước để sống mặc dù tiền lương không cao nhưng lại ổn định", ông Hòa nói. 

Ông nhận xét, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này có nhiều điểm khác biệt so với trước đây, thể hiện quyết tâm cao, được thực hiện từ Trung ương cho đến cơ sở; việc tinh gọn bộ máy diễn ra ở những khâu trung gian, trùng lặp chức năng giữa các cơ quan với nhau. 

Có chế độ chính sách cho người dôi dư

Theo ông Hòa, trong thời gian tới có thể Chính phủ sẽ cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất các bộ, cơ quan ngang bộ như hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính; hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng; hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. 

Tinh gọn bộ máy là cuộc cách mạng đưa Việt Nam vượt lên, vươn mình - 2

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Ảnh: Nguyễn Hải).

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ; Bộ Y tế tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương; Bộ Ngoại giao tiếp nhận nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện việc sắp xếp đầu mối tổ chức bên trong.

"Nhìn danh sách hợp nhất này tôi đánh giá rất cao sự quyết liệt của Trung ương trong việc sáp nhập bộ máy lần này. Tôi đi tiếp xúc cử tri mấy ngày nay, người dân rất đồng tình, phấn khởi về việc Chính phủ tinh giảm bộ máy. 

Nhiều người dân nhận thấy bộ máy hiện nay cồng kềnh trong một số khâu, đặc biệt là quản lý hành chính, gây phiền hà cho dân", ông Hòa nêu.

Ông cho rằng, việc sáp nhập, sắp xếp lần này sẽ lựa chọn ra những người có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm và hết lòng phục vụ nhân dân, được hưởng lương xứng đáng. 

Song ông cũng đặt ra vấn đề sáp nhập sẽ liên quan đến tổ chức, con người khi "người còn, người đi". 

Tinh gọn bộ máy là cuộc cách mạng đưa Việt Nam vượt lên, vươn mình - 3

Ông Hòa tin tưởng việc tinh giản lần này sẽ đạt được những thành công lớn (Ảnh: Media Quốc hội).

Hiện nay có một số lãnh đạo, nhân viên ở cơ quan có thể bị sáp nhập có những tâm tư nên lúc này rất cần sự gương mẫu của những người đứng đầu, những người có liên quan chấp nhận "ra đi" để nhường lại vị trí cho người xứng đáng. 

Đặc biệt, các cơ quan có thể bị sáp nhập cần làm tốt công tác tư tưởng, động viên, an ủi và có chế độ chính sách tốt cho những người "dôi dư", không còn làm việc trong bộ máy Nhà nước để họ có một khoản tiền đủ trang trải trong thời gian tìm kiếm việc làm mới.

"Tôi tin tưởng rằng việc tinh giảm lần này sẽ đạt được những thành công lớn", ông Hòa nhận định.

Ông Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội khóa XIII (Đoàn đại biểu TP HCM) rất ủng hộ chủ trương tinh gọn bộ máy lần này của Chính phủ. Ông tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của Trung ương, làm đồng bộ, toàn diện sẽ khắc phục được tư tưởng chờ đợi, trông chờ, nhìn ngó nhau, đem lại những kết quả tích cực.

"Hiện nay, mọi tầng lớp nhân dân mong chờ vào việc tinh giảm bộ máy lần này. Mục tiêu cuối cùng để bộ máy tinh gọn hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình", ông Lịch nói.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/tinh-gon-bo-may-la-cuoc-cach-mang-dua-viet-nam-vuot-len-vuon-minh-20241205010857839.htm 

  • Từ khóa