Thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, tính đến đầu tháng 12, các doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng bồi thường hơn 566 tỷ đồng cho khách hàng bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 (bão Yagi). Bảo hiểm cũng đang được xem là tấm lá chắn giúp doanh nghiệp giảm bớt thiệt hại, có thể sớm khôi phục sản xuất trở lại sau thiên tai.
Một tài sản ở Hải Phòng bị hư hại sau bão Yagi (Ảnh: PVI).
Bảo hiểm PVI - doanh nghiệp hàng đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đã tiếp nhận 784 vụ tổn thất ngay sau khi bão Yagi kết thúc với nhiều vụ tổn thất rất lớn, trong đó có 1 vụ có thể phải chi trả bảo hiểm lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Đại diện đơn vị này chia sẻ rằng, với kinh nghiệm và năng lực chuyên môn giải quyết khiếu nại, doanh nghiệp không gặp khó khăn trong công tác xác định thiệt hại cũng như việc triển khai chi trả bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Bảo hiểm PVI cho biết đã ký kết hợp đồng nguyên tắc với các công ty giám định độc lập có chất lượng cao nhất tại thị trường Việt Nam, đồng thời có hợp tác thường xuyên với chuyên gia chuyên ngành quốc tế hỗ trợ về mặt kỹ thuật đánh giá thiệt hại và đưa ra ý kiến tư vấn về phương án khắc phục, phục hồi thiết bị máy móc công nghệ cao.
Do vậy, trong bất kỳ loại hình tổn thất nào thì Bảo hiểm PVI đều có thể chủ động triển khai các phương án, phối hợp với các bên liên quan để xác định giá trị thiệt hại một cách nhanh chóng và chính xác phục vụ cho công tác giải quyết bồi thường nhanh chóng.
Đại diện Bảo hiểm PVI làm việc với khách hàng để nhanh chóng thực hiện các thủ tục bồi thường (Ảnh: PVI).
Bên cạnh đó, quy trình giải quyết khiếu nại của Bảo hiểm PVI đã được điều chỉnh ngay sau cơn bão, vừa đảm bảo tuân thủ theo các quy định của pháp luật, vừa hỗ trợ tối đa cho khách hàng.
Theo đó, quy định thông thường, các đơn bảo hiểm có hồ sơ sẽ được công ty giải quyết trong vòng 15 ngày còn đối với đa số các đơn tổn thất do cơn bão Yagi, Bảo hiểm PVI phải huy động toàn bộ đội giám định, cán bộ chuyên môn xử lý ngay chỉ trong vòng 24h để đưa ra phương án giải phóng hiện trường, tối giản quy trình nội bộ nhằm khắc phục tạm thời cho doanh nghiệp sớm quay trở lại sản xuất kinh doanh.
Cho đến cuối tháng 11, Bảo hiểm PVI tiến hành tạm ứng bồi thường cho rất nhiều khách hàng với số tiền trên 66 tỷ đồng và công tác tạm ứng vẫn đang được khẩn trương tiếp tục trong thời gian tới.
"Bảo hiểm PVI tiến hành chi trả tạm ứng nhanh chóng cho chúng tôi 10 tỷ đồng. Số tiền tạm ứng này giúp doanh nghiệp thanh toán cho nhà thầu thi công nhà xưởng, mua sắm và sửa chữa lại máy móc thiết bị để phục vụ tái sản xuất kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại. Chúng tôi cảm ơn Bảo hiểm PVI phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để cùng tham gia, hướng dẫn hồ sơ, quy trình bồi thường kịp thời ngay từ khi tổn thất phát sinh và đặc biệt là xử lý tạm ứng bồi thường nhanh chóng", đại diện công ty TNHH Dệt Pacific Crystal cho biết.
Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam đã quay trở lại (Ảnh: PVI).
Tương tự, nhờ mua bảo hiểm 100% cho toàn bộ nhà xưởng, được bảo hiểm tạm ứng chi trả bồi thường nhanh chóng nên nhà máy sản xuất giống và thức ăn chăn nuôi Japfa Comfee Việt Nam đã nhanh chóng khắc phục được thiệt hại.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Giám đốc cấp cao Tài chính khu vực miền Bắc của nhà máy nhìn nhận, nếu không mua bảo hiểm thì với những thiệt hại quá lớn mà cơn bão gây ra, nhà máy khó có thể quay trở lại sản xuất ngay được mà phải có thêm thời gian tìm nguồn lực tài chính hoặc có thể phải thu hẹp sản xuất kinh doanh.
"Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất khi yêu cầu bảo hiểm chính là lựa chọn đơn vị bảo hiểm cũng như đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, uy tín trên thị trường", bà Hà cho biết thêm.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/bao-hiem-tam-la-chan-cua-doanh-nghiep-20241207151117870.htm