Xung đột tại Syria tác động thế nào đến các bên liên quan?

Chủ nhật, 08.12.2024 | 17:07:24
281 lượt xem

Khi phiến quân Syria tiếp tục chiến đấu với lực lượng chính phủ, các cường quốc bên ngoài đang chuẩn bị cho hậu quả có thể xảy ra nếu chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.

Xung đột tại Syria tác động thế nào đến các bên liên quan? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp người đồng cấp Syria Bashar al-Assad tại Moscow vào tháng 3/2023 (Ảnh: Reuters).

Sau cuộc tấn công gây chấn động nhằm chiếm thành phố Aleppo, phiến quân tại Syria, do các thành viên nhóm nổi dậy Tahrir al-Sham lãnh đạo, đang tiến về phía nam trên đường cao tốc M5 và áp sát thủ đô Damascus.

Đến ngày 7/12, phiến quân đã chiếm tỉnh Homs, tỉnh lớn thứ 3 của Syria, trước khi có khả năng tiến tới biên giới phía bắc Li Băng.

Đó sẽ là một diễn biến quan trọng, cắt đứt kết nối của thủ đô Damacus với một khu vực rộng lớn của Syria cũng như biển Địa Trung Hải, các bến cảng hải quân Tartus của Nga, và sân bay quân sự Khmeimim.

Đó sẽ là một thất bại đáng xấu hổ của chính quyền Tổng thống Assad. Cơ sở hạ tầng ở đó được Moscow xây dựng từ năm 2015. Điều này đồng thời là một đòn chính trị đối với Nga, quốc gia luôn ủng hộ Tổng thống Assad từ trước khi Liên Xô sụp đổ.

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Mỹ

Hai năm qua, Nga đã điều chuyển vũ khí từ Syria sang Ukraine, bao gồm cả hệ thống tên lửa Pantsir. Việc phơi bày sự yếu kém quân sự và chính trị tại Syria có thể làm suy giảm ảnh hưởng của Nga trong bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào liên quan đến Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không liên quan tới cuộc tấn công của các lực lượng nổi dậy tại Syria, mặc dù đã xuất hiện nhiều nghi vấn về vai trò của Ankara.

"Sẽ là sai lầm khi giải thích những sự kiện ở Syria như một sự can thiệp từ bên ngoài", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết hôm 2/12, sau chuyến thăm Ankara của người đồng cấp Iran Abbas Arqchi.

Thông điệp đó nhắm trực tiếp vào Tehran, nhưng cũng gián tiếp hướng đến Điện Kremlin, một đối tác vững chắc của Iran tại Syria.

Cuộc khủng hoảng Syria đang làm gia tăng nguy hiểm đối với Thổ Nhĩ Kỳ trên một mặt trận khác: các nguồn tin ngoại giao suy đoán rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ hành động đúng đắn trong khu vực, Ankara có thể cũng giành được ảnh hưởng trong bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm đưa cuộc chiến của Nga ở Ukraine đi đến hồi kết.

Ngày 3/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gọi điện cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin và bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với "toàn vẹn lãnh thổ" của Syria. Cùng đêm hôm đó, các quan chức Mỹ và Nga đã đối đầu tại một cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tố cáo nhau về việc "hỗ trợ các tổ chức khủng bố". 

Trong khi đó, có thông tin nói rằng máy bay tấn công A-10 của Mỹ (từ căn cứ Al-Tanf của Mỹ ở Syria) đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các cuộc tấn công của lực lượng ly khai người Kurd nhằm vào các đơn vị bị cô lập của quân đội Syria. Mỹ cho tới nay bác bỏ mọi sự liên quan tới các cuộc tấn công của phe nổi dậy tại Syria.

Cuộc xung đột mới bùng phát ở Syria cũng tạo điều kiện cho Israel tiếp tục tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Syria. Các cuộc tấn công này đã bắt đầu: Lực lượng Phòng vệ Israel hôm 3/12 thông báo rằng Salman Jumaa, một quan chức cấp cao của Hezbollah, đã bị lực lượng không quân Israel hạ sát gần thủ đô Damascus.

Hiệu ứng Li Băng

Các sự kiện ở Syria chắc chắn sẽ tác động đến Li Băng, nơi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah đang treo lơ lửng.

Hezbollah không chỉ là một lực lượng ủy nhiệm của Iran mà còn là một phần quan trọng trong hoạt động củng cố quyền lực của al-Assad, nhưng đã bị suy yếu do cuộc chiến với Israel. Sau khi chiếm tỉnh Homs, nếu quân nổi dậy Syria tiến tới biên giới Li Băng, Hezbollah sẽ bị dồn vào chân tường ở Li Băng cũng như bị cắt đứt khỏi tuyến đường tiếp tế và hậu cần quan trọng từ Iran đi qua Syria và Iraq.

Một cuộc khủng hoảng tị nạn mới?

Kể từ đợt bùng phát mới nhất của cuộc xung đột ở Syria, hàng chục nghìn người tị nạn - theo Liên Hợp Quốc lên tới 120.000 người - đã rời khỏi các khu vực chiến sự để tìm nơi trú ẩn ở phía bắc.

Như đã xảy ra trong những năm đầu của cuộc chiến tàn phá ở Syria, Li Băng dự báo sẽ có một làn sóng nhập cư lớn. Tình trạng nhập cư ồ ạt chỉ vài tuần sau khi Israel phát động cuộc tấn công toàn diện có thể gia tăng bất ổn tại quốc gia Trung Đông nhỏ bé này - và cũng có những lo ngại rằng người tị nạn Syria có thể sẽ bắt đầu tìm đường đến châu Âu qua những tuyến đường nguy hiểm như họ đã làm cách đây một thập niên.

Đó là một trong những lý do khiến Mỹ, Anh, Pháp và Đức đưa ra tuyên bố chung kêu gọi tất cả các bên ngừng leo thang xung đột ngay lập tức.

Ông Antoine Habchi, Nghị sĩ Quốc hội Li Băng từ Thung lũng Bekka, đề xuất rằng, để giải quyết vấn đề này, Liên minh châu Âu nên đóng góp vào việc thiết lập các khu vực bảo vệ, nơi người tị nạn có thể được giữ an toàn nhất có thể mà không phải rời khỏi khu vực hoàn toàn.

"Khu vực Aleppo và khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở nên an toàn, thoát khỏi sự kiểm soát của chế độ. Vì vậy, chúng ta không cần phải chờ đợi toàn bộ vấn đề Syria được giải quyết trước khi những người tị nạn này trở về lãnh thổ Syria. Cũng giống sự hỗ trợ nhân đạo và tài chính mà Liên minh châu Âu và cộng đồng quốc tế đã cung cấp cho người tị nạn Syria ở Li Băng, cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ những người tị nạn ở các khu vực được bảo đảm an ninh tốt (tại Syria)." ông Habchi nói.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/xung-dot-tai-syria-tac-dong-the-nao-den-cac-ben-lien-quan-20241208092730777.htm

  • Từ khóa