Làm chủ công nghệ lõi để tự chủ sản xuất sản phẩm “made in Vietnam”

Thứ 6, 20.12.2024 | 15:50:29
72 lượt xem

“Mỗi một sản phẩm, giải pháp chúng tôi nghiên cứu và phát triển đều mang đậm dấu ấn của sự sáng tạo, tâm huyết và lòng tự hào dân tộc”, là chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Khang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của MK Aerospace, tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.

Thúc đẩy tầm nhìn dài hạn xuất khẩu sản phẩm sản xuất tại Việt Nam

Gian hàng của MK Aerospace tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 thu hút nhiều sự chú ý với các dòng chữ nổi bật “Made in Vietnam”, “Owned by Vietnam”, cùng các thiết bị vũ khí có khả năng điều khiển và độ chính xác cao như tên lửa Magic Arrow - hệ thống tên lửa hạng nhẹ, có tính cơ động và linh hoạt trong vận hành, đạt hiệu quả cao… Trên mỗi thiết bị, đều có gắn hình lá cờ đỏ sao vàng quốc kỳ của Việt Nam. 

Làm chủ công nghệ lõi để tự chủ sản xuất sản phẩm “made in Vietnam”

Chủ tịch Hội đồng Quản trị MK Aerospace Nguyễn Trọng Khang (bên trái) trao đổi với khách tới thăm gian hàng.

Mang tới Triển lãm loạt sản phẩm “made in Việt Nam”, MK Aerospace - một doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng (CNQP) của Việt Nam đang thúc đẩy tầm nhìn dài hạn, cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế những sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, ông Khang cho biết, công ty đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, không ngừng đổi mới phát triển, tìm kiếm thêm những giải pháp công nghệ mới, hướng tới làm chủ và sở hữu công nghệ lõi. 

Một trong những sản phẩm nổi bật của công ty là động cơ Turbin phản lực (Tubojet Engine). Theo ông Nguyễn Trọng Khang, trên thực tế, không nhiều công ty trên thế giới làm chủ được công nghệ động cơ hàng không thế hệ mới này. Đây là sản phẩm được thiết kế ứng dụng cho tên lửa, thiết bị không người lái với tỷ lệ lực đẩy trên khối lượng vượt trội, tiêu thụ nhiên liệu thấp, được thiết kế tinh gọn và phạm vi nhiệt độ hoạt động rộng. Các sản phẩm chủ lực là thiết bị quân sự, vũ khí có điều khiển và độ chính xác cao, đã đưa MK Aerospace trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam tiên phong tham gia vào lĩnh vực CNQP.

Làm chủ công nghệ lõi để tự chủ sản xuất sản phẩm “made in Vietnam”

Thiết bị Turbin phản lực (Turbojet Engine) GT-150 và GT-130 thiết kế cho tên lửa hành trình, đạn dẫn đường (PGMs), drone và UAV có độ chính xác cao.

Làm chủ công nghệ lõi để tự chủ sản xuất sản phẩm “made in Vietnam”
Hệ thống phóng tên lửa hạng nhẹ (The Light Missile - LMS) có khả năng lắp đặt vào phía sau xe bán tải thông thường. Với tính cơ động và linh hoạt cao, thiết bị không yêu cầu cân bằng hoặc ổn định, cho phép thực hiện phương pháp bắn và chạy.

Mặc dù mới thành lập từ năm 2023, nhưng với đội ngũ kỹ sư hàng không trình độ cao trong nước và quốc tế, công ty đã sở hữu và làm chủ nhiều công nghệ lõi về CNQP, chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D) và kiểm soát chuỗi cung ứng để bảo đảm việc sản xuất các sản phẩm CNQP tại chính Việt Nam. 

Ông Khang cho biết, với kinh nghiệm từng nhiều năm làm việc với các đối tác Nam Phi, ông đã quyết định mua lại 3 công ty và đội ngũ kỹ sư R&D của Nam Phi - quốc gia có nền CNQP phát triển vốn trải qua một thời gian dài bị cấm vận, đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược phát triển nhiều công nghệ quốc phòng khác nhau để tự chủ, tự lực sản xuất và phát triển. Nam Phi sở hữu nhiều công nghệ cốt lõi như đầu dò, tên lửa chính xác, cơ điện tử, động cơ turbin khí đẩy tên lửa, mà không phải quốc gia nào cũng có thể làm được. 

Đưa công nghệ nước ngoài về Việt Nam

Ông Nguyễn Trọng Khang nhận thấy những điểm tương đồng của Việt Nam và Nam Phi trong chiến lược phát triển CNQP. Việt Nam chủ trương đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, chủ động trong tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sửa chữa được các chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang, bảo vệ Tổ quốc.  

Làm chủ công nghệ lõi để tự chủ sản xuất sản phẩm “made in Vietnam”

Thiết bị UAV có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, tấn công chiến thuật hoặc ứng dụng trong các hoạt động dân sự.

Làm chủ công nghệ lõi để tự chủ sản xuất sản phẩm “made in Vietnam”
Hệ thống tên lửa MK Magic Arrow - tên lửa đa chức năng cung cấp giải pháp linh hoạt cho nhiều tình huống chiến thuật khác nhau, bao gồm các hoạt động di động, trên không và gắn xe.

Theo ông Khang, dưới chủ trương đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước về “phát triển CNQP theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại”, nhiều công ty của Việt Nam đã nắm bắt thời cơ, mạnh dạn tham gia vào lĩnh vực CNQP vốn không ít thách thức, với việc cho ra đời hàng loạt các thiết bị quân sự, vũ khí với khả năng điều khiển, độ chính xác cao, tiến tới làm chủ công nghệ để tự chủ sản xuất những sản phẩm công nghệ cao.

Làm chủ công nghệ lõi để tự chủ sản xuất sản phẩm “made in Vietnam”
 Các đối tác nước ngoài quan tâm tới các sản phẩm của MK Aerospace trưng bày tại Triển lãm.

Quyết định mua và đưa công nghệ nước ngoài về Việt Nam đã giúp MK Aerospace không chỉ sở hữu các tài sản trí tuệ (IP) quý báu, mà còn bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm, tự chủ trong sản xuất các sản phẩm chủ lực của mình. Ông Nguyễn Trọng Khang dẫn chứng bằng câu chuyện về những “con chip”.

Ở thời kỳ cuộc đua chip bán dẫn đang khốc liệt giữa các quốc gia sở hữu công nghệ này, nếu không làm chủ và sở hữu, thì khi sử dụng công nghệ này để sản xuất, các sản phẩm đều phải xin phép. Vì vậy, MK Aerospace luôn chủ trương kết hợp hài hòa giữa phát huy nội lực và tiếp thu tinh hoa khoa học công nghệ trên thế giới, để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, thúc đẩy mục tiêu tự cường sản xuất - tự chủ công nghệ.

Ngoài chủ trương đưa công nghệ nước ngoài về Việt Nam, MK Aerospace cũng chú trọng công tác nghiên cứu, sáng tạo, để cải tiến và phát triển các sản phẩm phù hợp với điều kiện và yêu cầu đặc thù của Việt Nam.

Cơ hội cọ xát, nâng cao năng lực cạnh tranh

Chủ tịch MK Aerospace nhấn mạnh, việc tham gia Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 là cơ hội để các công ty Việt Nam cọ xát, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm và từng bước gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đem lại nguồn thu cho đất nước và doanh nghiệp. 

Làm chủ công nghệ lõi để tự chủ sản xuất sản phẩm “made in Vietnam”
Kỹ sư Việt Nam và chuyên gia nước ngoài của MK Aerospace tại gian hàng của công ty ở Triển lãm.  

“Mặc dù tham gia vào lĩnh vực CNQP là một hành trình đầy thử thách. Nhưng, là một doanh nghiệp Việt Nam mang khát vọng “made in Vietnam”, chúng tôi đã và đang không ngừng nỗ lực để có thêm nhiều những đóng góp thiết thực và ý nghĩa trong lĩnh vực CNQP, nghiên cứu và phát triển thêm nhiều sản phẩm “made in Vietnam”, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mang lại những giá trị tốt đẹp cho người dân và đất nước”, ông Khang nói. 


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/trien-lam-quoc-phong-quoc-te-viet-nam-2024/lam-chu-cong-nghe-loi-de-tu-chu-san-xuat-san-pham-made-in-vietnam-807924

  • Từ khóa