Giá vàng thế giới "chao đảo" kéo giá vàng trong nước đi xuống. Cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều có 2 phiên giảm giá liên tiếp.
Giá vàng miếng, vàng nhẫn giảm 500.000 đồng/lượng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/12, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 81,8-83,8 triệu đồng/lượng (mua - bán). Hôm qua, mặt hàng này được điều chỉnh giảm 500.000 đồng mỗi chiều trong phiên sáng, đến phiên chiều phục hồi 200.000 đồng.
Như vậy tổng mức giảm phiên hôm qua của vàng miếng là 300.000 đồng mỗi chiều. Chênh lệch giữa giá mua và bán là 2 triệu đồng. Đây là phiên giảm thứ 2 liên tiếp của mặt hàng này, với tổng mức giảm là 1,3 triệu đồng/lượng.
Kết phiên hôm qua, giá vàng nhẫn tròn trơn được niêm yết tại 81,8-83,6 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 300.000 đồng ở cả 2 chiều.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng neo quanh 2.617 USD/ounce, phục hồi 20 USD sau khi giảm về vùng giá thấp nhất một tháng. Quy đổi theo tỷ giá chưa tính thuế, phí, giá vàng thế giới hiện tương đương 81,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới trồi sụt trong bối cảnh Mỹ đang xoay trục chính sách tiền tệ. Bản tóm tắt dự báo kinh tế (SEP) được công bố hàng quý trong các cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã tiết lộ các dự báo lãi suất điều chỉnh cho giai đoạn 2025-2027 của Mỹ.
Biểu đồ cho thấy sự thay đổi đáng kể so với dự báo hồi tháng 9 khi Fed dự kiến giảm số lần cắt giảm lãi suất vào năm tới từ 4 xuống chỉ còn 2 lần, mỗi lần giảm 0,25 điểm cơ bản (0,25%). Quan điểm này mang tính diều hâu hơn đáng kể so với kỳ vọng của thị trường, dù Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã ám chỉ về sự thay đổi chính sách này trong một số bài phát biểu trước cuộc họp.
Thông tin này đã kích thích một đợt tăng giá mạnh của đồng USD và lãi suất trái phiếu Mỹ. Do vàng được định giá bằng USD nên khi giá trị đồng tiền này mạnh hơn sẽ gây áp lực lên giá kim loại quý. Lãi suất trái phiếu Mỹ cao hơn cũng thu hút nhà đầu tư dồn vốn vào trái phiếu, làm giảm nhu cầu với vàng.
Thị trường vàng "chao đảo" (Ảnh: Tiến Tuấn).
Hiện tại, các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi, thước đo lạm phát được ưa chuộng của Fed, sẽ được công bố cuối tuần để có thêm manh mối về triển vọng trong tương lai.
Giá USD lên đỉnh
USD Index - thước đo sức mạnh của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt - đạt 108,15. Đây là vùng giá cao nhất 2 năm của chỉ số này. So với tuần trước, ước tính chỉ số USD Index đã tăng 1,06%. Còn xét từ đầu năm 2024 đến nay, chỉ số này đã tăng 6,66%.
Diễn biến thế giới kéo giá USD trong nước tăng theo. Kết thúc tuần này, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.304 đồng, tăng 26 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng được phép mua bán USD trong vùng giá từ 23.089-25.519 đồng.
Ngân hàng lớn mua bán USD tại 25.189-25.519 đồng (mua - bán), tăng 26 đồng ở cả 2 chiều. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 25.265-25.519 đồng. Khoảng một tháng trở lại đây, các ngân hàng đều niêm yết giá bán USD ở mức kịch trần.
Trên thị trường tự do, giá đồng bạc xanh vượt 25.700 đồng ở chiều bán, được giao dịch tại 25.650-25.750 đồng (mua - bán), tăng 30 đồng ở cả 2 chiều
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/vang-mieng-vang-nhan-dong-loat-giam-gia-20241220214918597.htm