Hiện thực hóa chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và quản lý AI tại Việt Nam

Chủ nhật, 29.12.2024 | 09:43:25
62 lượt xem

Ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra cơ hội bứt phá cho Việt Nam, khi các chiến lược và cơ chế chính sách mới được định hình để tận dụng làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở cho cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn và định hướng thúc đẩy, quản lý ứng dụng AI một cách bền vững.

Giới thiệu bo vi mạch bán dẫn tại Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024. (Ảnh minh họa: TTXVN)


Việt Nam - điểm đến lý tưởng cho ngành công nghiệp bán dẫn

Trong những năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc. Năm 2023 tổng doanh thu ước đạt 529 tỷ USD. Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của một số ngành công nghiệp ô-tô điện, công nghiệp viễn thông, điện toán đám mây, công nghệ trí tuệ nhân tạo, ngành công nghiệp bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Sự bùng nổ này tạo ra vận hội lớn cho nhiều quốc gia tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, mang đến thời cơ cho phép các quốc gia đang phát triển có cơ hội tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả phát triển ngành bán dẫn.

Quyết định 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được ban hành trong bối cảnh hiện nay mang ý nghĩa to lớn với sứ mệnh kịp thời nắm bắt, tận dụng cơ hội trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Chủ đề: Việt Nam gia nhập cuộc đua công nghệ bán dẫn toàn cầuHiện thực hóa chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và quản lý AI tại Việt Nam[Ảnh] 100 gian hàng quy tụ tại SEMIExpo Vietnam 2024Khai mạc Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 – SEMIExpo Vietnam 2024

Việt Nam có cơ hội trở thành một trong các trung tâm công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu nhờ những yếu tố quan trọng như lợi thế đặc biệt về địa chính trị, là điểm đến an toàn và tiềm lực phát triển công nghiệp bán dẫn hàng đầu so với một số quốc gia trong khu vực.

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước đã đặt ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển công nghiệp bán dẫn, thông qua nhiều nghị quyết ở cấp chính trị cao nhất với những chính sách đặc thù, cụ thể để ưu tiên phát triển cho công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Việt Nam có chi phí sinh hoạt, giá lao động, giá điện thấp hơn so với các quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Singapore, bên cạnh đó với những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ về miễn thuế thu nhập, thuế đất, thuế xuất nhập khẩu…, giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp bán dẫn, điện tử đầu tư tại Việt Nam.

Nước ta nằm ở trung tâm của khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, thuộc nhóm các nước có tốc độ phát triển nhanh nhất, là quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc bán dẫn.

Việt Nam cũng là một trong những nước có số lượng hiệp định thương mại tự do (FTA) nhiều nhất trên thế giới và nhiều nhất trong khu vực với 13 FTA, nằm trong nhóm quốc gia dẫn đầu trong tăng trưởng thương mại toàn cầu, theo đó tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu các sản phẩm điện tử nói chung và vi mạch bán dẫn nói riêng.

Hiện thực hóa chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và quản lý AI tại Việt Nam ảnh 1

Các sinh viên nghiên cứu thực hành tại Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, Việt nam còn có lợi thế về tỷ lệ dân số trẻ, có năng lực về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), có khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nhân lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Công nghiệp bán dẫn là một phân ngành quan trọng của công nghiệp công nghệ số. Để phát triển công nghiệp công nghệ số, trong đó có công nghiệp bán dẫn, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Dự thảo luật quy định Chương “Công nghiệp bán dẫn” thay cho “vi mạch bán dẫn” nhằm bảo đảm tính bao quát, tổng thể, đầy đủ các công đoạn của hoạt động công nghiệp bán dẫn, phù hợp với mục tiêu, đối tượng quản lý và đồng bộ với Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn. Dự thảo giao Chính phủ xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách riêng để phát triển trong từng thời kỳ.

Đây là một nội dung rất quan trọng trong bối cảnh công nghiệp bán dẫn trở thành ngành công nghiệp chủ chốt có vai trò ảnh hưởng đến sự phát triển về kinh tế, xã hội, đồng thời nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư khi rất nhiều tập đoàn toàn cầu lớn bày tỏ quan tâm mong muốn đầu tư vào Việt Nam.

Xác định rõ công nghiệp bán dẫn là một hoạt động quan trọng trong công nghiệp công nghệ số, dự thảo luật đưa ra các quy định về nguyên tắc, phân loại hoạt động, cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên hơn cho phát triển công nghiệp bán dẫn.

Sẽ có chính sách thúc đẩy phát triển và quản lý dựa trên rủi ro đối với AI

Hiện thực hóa chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và quản lý AI tại Việt Nam ảnh 2

Gian trưng bày, triển lãm về trí tuệ nhân tạo tại sự kiện Ngày hội trí tuệ nhân tạo. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bên cạnh các quy định về phát triển công nghiệp bán dẫn, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cũng dành 1 chương quy định về trí tuệ nhân tạo nhằm bảo đảm khuyến khích, phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và có biện pháp quản lý giảm thiểu rủi ro, qua đó giúp công nghệ số này được khai thác một cách có trách nhiệm, thúc đẩy niềm tin và bảo đảm an toàn cho con người.

Theo số liệu của Statista, quy mô thị trường AI thế giới dự kiến sẽ đạt 184 tỷ USD vào năm 2024. Quy mô thị trường dự kiến cho thấy tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2024-2030) là 28,46%, dẫn đến khối lượng thị trường là 826,70 tỷ USD vào năm 2030.

Những năm gần đây, Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc khi đứng thứ 5/10 nước trong ASEAN, đứng thứ 59/193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về "Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ năm 2023" theo đánh giá của Oxford Insights.

Đáng chú ý, đây đã là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam vượt qua mức trung bình toàn cầu, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Kết quả ấn tượng này không chỉ phản ánh sự đầu tư và nỗ lực phát triển AI tại Việt Nam, mà còn là minh chứng rõ ràng cho xu hướng hình thành nền công nghiệp trí tuệ nhân tạo.

Việt Nam đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy AI, từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nguồn nhân lực tiềm năng, đến sự sẵn sàng hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài.

Không dừng lại ở tiềm năng, Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến thực chất qua các doanh nghiệp công nghệ số lớn đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực AI như Viettel, VNPT, Mobifone, FPT, CMC, VinAI...

Nhiều doanh nghiệp đã đạt được các thành tựu nghiên cứu ứng dụng nổi bật mà còn góp phần xây dựng nền tảng cho một hệ sinh thái AI phát triển, giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ của khu vực.

Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ số đột phá có tác động lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực. Bên cạnh việc mang lại nhiều lợi ích, AI cũng đặt ra những thách thức về rủi ro đối với con người, xã hội.

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc của con người, lấy con người làm trung tâm, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc; tiếp cận bao trùm, công bằng và không phân biệt đối xử; tôn trọng các giá trị đạo đức, quyền và lợi ích của con người và bảo vệ quyền riêng tư; bảo đảm minh bạch, khả năng giải thích được, trách nhiệm giải trình, khả năng kiểm soát thuật toán, mô hình trí tuệ nhân tạo…

Dự thảo quy định quản lý rủi ro đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo; trách nhiệm các bên liên quan đến hoạt động phát triển, cung cấp, triển khai và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo; nhãn và quy trình, thủ tục dán nhãn sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, dự án luật cũng quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sản phẩm, dịch vụ công nghệ số. Đây là cơ chế rất quan trọng, đột phá tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để hỗ trợ ngành công nghệ số nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng phát triển.

Bên cạnh đó, cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số cũng là một trong những chính sách đột phá trong dự thảo luật, cho phép thử nghiệm với phạm vi giới hạn về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng thử nghiệm đối với sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số, mô hình kinh doanh mới được tạo ra bởi hội tụ công nghệ số mà chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới đã ban hành luật quy định về vấn đề này như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…, Chính phủ đề xuất xây dựng quy định này nhằm đáp ứng kịp thời sự phát triển, hội tụ rất nhanh của công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số.

Cơ chế thử nghiệm sẽ hình thành quy trình, nguyên tắc xét duyệt hồ sơ đề nghị thử nghiệm của doanh nghiệp và quy định rõ đầu mối tiếp nhận xử lý, quyết định cho phép thử nghiệm theo từng trường hợp căn cứ vào phạm vi, lĩnh vực thử nghiệm để bảo đảm tăng cường phân cấp, nhanh chóng, kịp thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/hien-thuc-hoa-chien-luoc-phat-trien-cong-nghiep-ban-dan-va-quan-ly-ai-tai-viet-nam-post853047.html

  • Từ khóa