Phát triển du lịch bền vững ở Hà Giang

Chủ nhật, 29.12.2024 | 14:53:15
212 lượt xem

Những năm gần đây, Hà Giang đã chuyển mình từ một điểm đến thu hút khách nội địa là chủ yếu thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch quốc tế, khách chi tiêu cao. Nếu như trước đây, người dân Hà Giang “sống trên đá, chết nằm trong đá” thì nay du lịch đã làm cuộc sống của họ đổi thay, sung túc hơn và đầy hy vọng vào tương lai.

Thoát nghèo nhờ du lịch 

Tôi gặp Lầu Mí Sùng khi đi theo tiếng khèn Mông dìu dặt. Trên bãi cỏ mênh mang bên dòng nước pha giữa hơi sương và ánh chiều dần tắt của núi rừng Hà Giang, Lầu Mí Sùng vừa khèn vừa nhảy điệu “Tiếng khèn gọi bạn”. Những vị khách từ xa đến Hà Giang cổ vũ Sùng không ngớt. Họ trầm trồ thán phục bởi tiếng khèn hay, điệu nhảy đẹp. Sùng với đôi mắt lóng lánh, miệng cười tủm tỉm cho biết: “Thấy cảnh ở nơi đây đẹp nên em ra thổi khèn và nhảy để quay TikTok giới thiệu tới bạn bè về nét đẹp văn hóa, con người quê hương mình”.

Trò chuyện thêm, chúng tôi biết được rằng Lầu Mí Sùng đang học Khoa Du lịch, phân hiệu Hà Giang của Đại học Thái Nguyên. Sùng yêu những làn điệu của dân tộc mình. Lớp 5, Sùng bắt đầu học thổi khèn. Lên lớp 9, lớp 10, Sùng tập thêm thổi sáo. Giờ đây, Sùng có thể chơi được các loại nhạc cụ của dân tộc Mông như khèn, sáo, đàn nhị... Học xong THPT, gia đình nghèo, không có tiền đi học, Lầu Mí Sùng đã định chôn vùi ước mơ ở vùng quê Đồng Văn toàn đá núi. May mắn là du lịch phát triển, người chủ Khu nghỉ dưỡng H’mong Village (huyện Quản Bạ) về Hà Giang và biết đến Sùng. Ông quyết định tài trợ toàn bộ tiền học và phí sinh hoạt để Sùng tiếp tục đi học, sau này dùng kiến thức của mình phục vụ quê hương. Chia sẻ ước mơ học xong du lịch sẽ tiếp tục học thêm về nhạc lý, học tiếng Anh, tiếng Trung để tiếp đón, phục vụ tốt hơn những du khách đến Hà Giang, Sùng cười nói với chúng tôi: “Ngày xưa người thổi khèn Mông giỏi có thể lấy 2-3 vợ. Nếu không đi học, có lẽ em cũng đã lấy vợ rồi sinh con. Đi học rồi, em hiểu lấy vợ sớm sẽ rất vất vả. Em muốn người quê em sẽ ngày càng có cuộc sống khấm khá, vui vẻ hơn”.

Phát triển du lịch bền vững ở Hà Giang

 Mùa xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Ảnh: VŨ PHONG

Cũng giống như Sùng, cuộc sống của Giàng Mí Sình đã đổi thay nhờ du lịch phát triển. Làm hướng dẫn viên du lịch của Công ty TNHH MTV Dịch vụ, du lịch và thương mại Hà Giang Trẻ, chàng trai 20 tuổi này cho biết, công việc không chỉ mang lại thu nhập mà còn giúp cậu tự tin trò chuyện với du khách, giới thiệu với họ về quê hương mình và cũng tự học hỏi, tìm hiểu kiến thức về lịch sử, văn hóa Hà Giang.

Phát triển du lịch bền vững ở Hà Giang
 Theo mẹ đi nương. Ảnh: VŨ PHONG

Nói về việc sử dụng nhân lực tại địa phương như một cách làm bền vững, trang thông tin du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Breaking Travel News (Vương quốc Anh) đã nhận định: “Một phần thành công của Hà Giang nằm ở cam kết phát triển du lịch bền vững. Không giống nhiều điểm đến khác đã phải chịu sự phát triển quá mức, cộng đồng địa phương ở Hà Giang cùng với chính quyền đã làm việc chăm chỉ để bảo đảm rằng phát triển du lịch tôn trọng môi trường và lối sống truyền thống”.

Ngày càng quyến rũ

Vẻ đẹp Hà Giang như mật ngọt, quyến rũ đầy bất ngờ. Khách du lịch đắm say với những đỉnh núi đá gồ ghề, thung lũng sâu, ruộng bậc thang và những ngọn đồi phủ sương mờ. Giữa vẻ đẹp nguyên sơ và hùng vĩ ấy là nét văn hóa bản địa đầy màu sắc của 19 dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất này. Có người đã ví von, cảnh đẹp của Hà Giang là những bất ngờ dành cho du khách.

Phát triển du lịch bền vững ở Hà Giang
 Mùa hoa cải vàng ở cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Ảnh: VŨ PHONG

Vẻ đẹp ấy không chỉ là những cao nguyên đá Đồng Văn, Km số 0, cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pí Lèng, sông Nho Quế, dinh thự họ Vương, Chợ tình Khâu Vai... đã ghim vào lòng du khách mà dường như có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trên đất Hà Giang. Đến Khuổi My, một thôn nhỏ nằm trên sườn dãy Tây Côn Lĩnh, thuộc xã Phương Độ, chỉ cách trung tâm TP Hà Giang khoảng 12km, du khách đã có thể chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang vắt ngang sườn núi, những nếp nhà sàn phủ mái rêu đầy phong sương, những rặng hoa cúc quỳ vàng ruộm giữa màu lau phơ phất... Chị Cháng Thị Tâm, người Dao Đen ở Khuổi My cho biết: “Thôn chỉ có 10 nhà đăng ký làm homestay nhưng cứ dịp khách đông, chị em trong thôn lại cùng nhau lên món mời khách. Đồ ăn ở đây hầu hết là người dân tự trồng trọt, chăn nuôi, nấu theo phương thức của người đồng bào mà rất vừa miệng”.

Phát triển du lịch bền vững ở Hà Giang
 Hoàng Su Phì mùa lúa chín. Ảnh: VŨ PHONG

Phát biểu trong lễ ra mắt khách sạn 5 sao quốc tế đầu tiên của tỉnh-Four Points by Sheraton Hà Giang vừa diễn ra ngày 24-12, ông Hoàng Gia Long, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết: “Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển du lịch, coi đây là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn”. Nhờ những chính sách đúng đắn, cách làm hợp lý mà Hà Giang giờ đây đang dần tạo được thiện cảm với nhiều du khách. Có một thời gian dài, du lịch Hà Giang gắn với những ấn tượng về cơ sở hạ tầng thiếu thốn, dịch vụ không chuyên nghiệp, sản phẩm đơn điệu... Dịch Covid-19 khiến toàn ngành du lịch bị ngưng trệ mất vài năm. Tháng 9, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), mưa lớn kéo dài liên tục gây sạt lở đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông của du khách khi tới Hà Giang. Thế nhưng, như chất đá của núi, những năm gần đây, danh tiếng Hà Giang càng bay xa, như ngọn hải đăng để khách du lịch toàn cầu tìm kiếm và thường xuyên nằm trong danh sách các điểm đến lý tưởng do thế giới bình chọn. Năm 2024, Hà Giang thu hút được 3,286 triệu lượt khách, trong đó có 380 nghìn lượt khách quốc tế và 2,906 triệu lượt khách nội địa, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023, vượt 102,6% kế hoạch năm.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/du-lich/cac-van-de/phat-trien-du-lich-ben-vung-o-ha-giang-809192


  • Từ khóa