Ban chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ định hướng, gợi ý Hà Nội sáp nhập Sở QHKT vào Sở Xây dựng và GTVT hoặc sáp nhập Sở QHKT vào Sở Xây dựng nhưng Hà Nội đề xuất duy trì Sở này.
Thành ủy Hà Nội vừa có báo cáo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo đề xuất của Thành ủy Hà Nội, sau sắp xếp, dự kiến còn 16 sở và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, gồm Văn phòng UBND thành phố; Thanh tra thành phố; Tư pháp; Văn hóa và Thể thao; Kinh tế - Tài chính; Nông nghiệp và Môi trường; Khoa học, Công nghệ và Truyền thông; Nội vụ và Lao động; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Công Thương; Ban Dân tộc - Tôn giáo; Xây dựng; Giao thông vận tải; Du lịch; Quy hoạch - Kiến trúc.
Như vậy, theo phương án đề xuất của Thành ủy Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc được duy trì.
Tuy nhiên, phương án này lại khác với định hướng, gợi ý của Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ tại văn bản số 24/CV-BCĐTKNQ18 ngày 18/12 về định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Trụ sở Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội (Ảnh: Huy Thanh).
Theo văn bản này, Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ định hướng thực hiện sáp nhập Sở Quy hoạch và Kiến trúc vào Sở Xây dựng và Giao thông vận tải.
Văn bản số 24 cũng nêu rõ, trường hợp có yêu cầu đặc thù về quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn, Hà Nội và TPHCM có thể xem xét, quyết định việc duy trì Sở Giao thông vận tải và thực hiện phương án sáp nhập Sở Quy hoạch - Kiến trúc vào Sở Xây dựng, bảo đảm phù hợp với tình hình, đặc điểm tại 2 thành phố này.
Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, trong quá trình thảo luận, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết Nghị quyết số 18 đã phân tích kỹ lưỡng và thống nhất cần thiết duy trì Sở Quy hoạch - Kiến trúc do lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc là lĩnh vực có tính đặc thù, chuyên sâu cao; công tác quy hoạch phải đi trước, có tầm nhìn chiến lược.
Đồng thời, Thành ủy Hà Nội cho rằng, yêu cầu đối với việc quản lý quy hoạch cũng hết sức quan trọng nhằm phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô - là đô thị loại đặc biệt, có yêu cầu cao về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị.
Bên cạnh đó, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đặt ra đối với Thủ đô trong thời kỳ mới đặc biệt liên quan đến công tác quy hoạch phát triển đô thị, trong đó lĩnh vực quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch theo định hướng giao thông (TOD) đóng vai trò quan trọng, Thành ủy Hà Nội báo cáo.
Ngoài ra, văn bản báo cáo của Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, điểm c, khoản 4, điều 9, Luật Thủ đô năm 2024 quy định: Thành phố được thành lập thêm cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố không vượt quá 15% khung số lượng do Chính phủ quy định.
Hiện nay, chỉ TP Hà Nội và TPHCM có Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Theo dantri.com.vn