Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: “Chìa khóa” để du lịch phát triển bền vững

Thứ 5, 02.01.2025 | 00:00:00
251 lượt xem

Để tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh đã tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch trao giấy chứng nhận cho các thí sinh tham gia hội thi tuyên truyền, hướng dẫn du lịch năm 2023

Lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch trao giấy chứng nhận cho các thí sinh tham gia hội thi tuyên truyền, hướng dẫn du lịch năm 2023

Những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp để phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Tháng 4/2021, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030”, trong đó đưa ra nhiệm vụ, giải pháp căn cơ về phát triển nguồn nhân lực du lịch. Với định hướng đó, những năm qua, công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch đã được ngành chức năng chú trọng triển khai với các hoạt động thiết thực.

Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng

Ông Lưu Bá Mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh cho biết: Thời gian qua, sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể về phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, tập trung đa dạng hóa hình thức đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch như: đào tạo tập trung, tổ chức các chương trình bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh, thành phố phát triển về du lịch, tổ chức hội thi kỹ năng nghề, hướng dẫn viên du lịch; vận dụng tiêu chuẩn nghề của khu vực và thế giới trong đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và nhân viên làm việc trong lĩnh vực du lịch; tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết trong và ngoài nước để phát triển nhân lực, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động trong việc tự đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch…

Theo thống kê, năm 2023, lượng khách du lịch đến Lạng Sơn đạt trên 3,9 triệu lượt (tăng 10% so với năm 2022), doanh thu ước đạt 3.135 tỷ đồng, đóng góp 4,8% GRDP toàn tỉnh.

Năm 2024 ước tính tổng lượng khách đến Lạng Sơn đạt trên 4,2 triệu lượt (tăng hơn 8% so với năm 2023) trong đó, khách quốc tế  đạt trên 140 nghìn lượt, khách trong nước đạt trên 4 triệu lượt; doanh thu ước đạt 4.350 tỷ đồng.

Theo đó, từ năm 2021 đến nay, tổng số người lao động trên địa bàn tỉnh được đào tạo các ngành, nghề (trình độ cao đẳng, trung cấp và đào tạo dưới 3 tháng) liên quan đến hoạt động du lịch, dịch vụ là 3.053 người. Trong đó, công tác liên kết, hợp tác đào tạo nhân lực du lịch được quan tâm, toàn tỉnh đã có 19 học viên theo diện học bổng bán phần tham gia học tập tại Học viện Du lịch Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc theo chương trình thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch giữa Sở VHTT&DL các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh (Việt Nam) với Sở Văn hóa và Du lịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).

Sở VHTT&DL phối hợp với Trung tâm Đào tạo đô thị quốc tế (IUTC) Hàn Quốc  tổ chức Khóa bồi dưỡng cho 50 học viên là công chức, viên chức tham mưu về công tác du lịch và đại diện các điểm du lịch được công nhận và các thành viên Hiệp hội Du lịch tỉnh.

Song song với đó, các hoạt động đào tạo ngắn hạn thường xuyên được quan tâm. Từ năm 2021 đến nay đã có gần 60 lớp tập huấn, bồi dưỡng dành cho cán bộ, người dân, doanh nghiệp với nội dung nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững, bảo vệ di sản, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa, văn minh trong du lịch... được tổ chức.

Cùng với ngành chức năng, các huyện, thành phố đã tích cực quan tâm tổ chức các hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tiêu biểu là thành phố Lạng Sơn. Từ năm 2022 đến nay, thành phố đã tổ chức 5 lớp đào tạo bồi dưỡng về phát triển du lịch bền vững, bảo vệ di sản, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh trong du lịch... cho gần 400 người.

Bà Lê Thị Cần, Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao thành phố, Trưởng Ban Quản lý khu di tích Nhị - Tam Thanh, Thành Nhà Mạc cho biết: Hiện tổng số lao động du lịch trực tiếp tại khu di tích trên địa bàn thành phố là hơn 20 người, trong đó, lao động làm công tác hướng dẫn, thuyết minh có 2 người đều được đào tạo qua các đại học thuộc các ngành du lịch, văn hóa. Trong quá trình hoạt động, các hướng dẫn viên thường xuyên được cập nhật thông tin và tham gia các cuộc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ do tỉnh và thành phố tổ chức, nhờ đó góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2020 - 2024, UBND tỉnh lồng ghép các nguồn vốn ngân sách đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục (trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn) để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực (trong đó có nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch) với tổng kinh phí là trên 53 tỷ đồng…

Từng bước chuyên nghiệp hoá

Cùng với công tác đào tạo, việc nâng cao chất lượng, thu hút nguồn nhân lực du lịch theo hướng chuyên nghiệp cũng được quan tâm. Thông qua các cuộc thi, các lớp tập huấn kỹ năng thuyết minh, đã giúp bồi dưỡng những hướng dẫn viên du lịch có trình độ, trở thành “sứ giả” quảng bá hình ảnh du lịch Lạng Sơn. Tiêu biểu, từ năm 2021 đến nay, ngành VHTT&DL đã tổ chức 5 hội thi về nghiệp vụ lễ tân, phục vụ buồng, bàn, hướng dẫn viên du lịch giỏi cho các đối tượng là lao động tại các điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ, doanh nghiệp du lịch.

Chị Mai Thị Trang đến từ Điểm du lịch cộng đồng Hoan Trung, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn cho biết: Năm 2023 tôi đã tham gia “Hội thi tuyên truyền, hướng dẫn du lịch Lạng Sơn” và đạt giải nhất. Qua cuộc thi, chúng tôi có dịp được học hỏi, trau dồi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết để phục vụ công việc trong thực tế.

dsc,1753,10585019.jpg
PGS. TS. Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội

“Để phát triển nguồn nhân lực nói chung trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nhằm góp phần phát triển du lịch một cách bền vững, chúng ta cần phân tách rõ các nguồn nhân lực khác nhau để có hướng trong đào tạo, bồi dưỡng khác nhau. Đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thì cần phải là nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bồi dưỡng chuyên nghiệp và am hiểu sâu về chuyên môn của mình. Đối với nguồn nhân lực là các hướng dẫn viên du lịch hay lực lượng phục vụ tại các cơ sở lưu trú cao cấp thì đội ngũ nhân lực du lịch cũng cần phải được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cũng như quy chuẩn của ngành.

   Còn đối với các khu, điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiếu số, hoạt động đầu tiên cần thực hiện là việc tuyên truyền, thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, truyền cảm hứng để người dân thêm yêu quý và tự hào về bản  Vì thế các cấp, ngành cần bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho họ cũng như tính chuyên nghiệp trong hoạt động phục vụ du khách. Tính chuyên nghiệp ở đây chính là sự mộc mạc, đậm bản sắc riêng trong hoạt động phục vụ du khách”.

Cùng với đó, các cấp, ngành liên quan trong tỉnh cũng chú trọng việc đưa các hộ làm du lịch đi học tập kinh nghiệm quản lý, phát triển du lịch cộng đồng tại các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa… Từ hiệu quả thực tế làm du lịch ở các tỉnh đã giúp các cơ sở làm du lịch phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí đón khách, thu hút khách du lịch nhiều hơn.

Không chỉ có thế, những năm qua 2 làng du lịch cộng đồng tại xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng và xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn được xây dựng và nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn ASEAN. Để đạt tiêu chí đó, toàn bộ các hộ dân tại 2 làng du lịch cộng đồng được hướng dẫn thực hiện các tiêu chí của du lịch ASEAN như về nhà ở, về vệ sinh an toàn thực phẩm, về ứng xử trong giao tiếp, về công tác buồng, bàn, lễ tân... Các hộ dân cũng được học tập kinh nghiệm tại các điểm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn ASEAN tại một số tỉnh bạn.

 Ông Hoàng Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng cho biết: Nhờ có các cuộc tập huấn, học tập kinh nghiệm, cùng với sự tư vấn của các chuyên gia du lịch, đến nay, nhiều hộ đã có thu nhập ổn định từ việc cải thiện chất lượng phục vụ. Hiện nay làng du lịch đã có 23 hộ đăng ký kinh doanh đón khách, tăng 13 hộ so với năm 2021. Trong năm 2024, xã đã đón trên 40.000 lượt khách, doanh thu ước đạt trên 15 tỷ đồng.

Với những nỗ lực của các cấp, ngành, đến nay lao động trong toàn ngành du lịch (gồm lao động trực tiếp và lao động gián tiếp) ở Lạng Sơn hiện có trên 8.500 người, trong đó, nguồn nhân lực trực tiếp có hơn 4.300 người (tăng gần 1.000 người so với năm 2018). Đối với nguồn nhân lực trực tiếp đang làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước, viên chức khối sự nghiệp du lịch có 96 người (trong đó có 83/96 người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, đạt 86%, tăng 10% so với năm 2018), còn lại là nguồn nhân lực trong các cơ sở kinh doanh du lịch của tỉnh (trong đó, số người có trình độ trên đại học, đại học, cao đẳng là gần 20%, tăng 5% so với năm 2018). 

Tin rằng, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, sự đồng lòng của doanh nghiệp, người dân sẽ trở thành điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa mục tiêu, tiếp tục đưa du lịch tỉnh nhà phát triển, trở thành ngành kinh tế quan trọng và là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, tạo ấn tượng tốt đẹp hơn nữa cho du khách khi đến với Lạng Sơn.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/dao-tao-va-boi-duong-nguon-nhan-luc-chia-khoa-de-nganh-du-lich-phat-trien-ben-vung-5028976.html

  • Từ khóa