Cẩn trọng khi đầu tư tài chính trực tuyến

Thứ 5, 02.01.2025 | 08:30:59
221 lượt xem

Thời gian gần đây, tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước xảy ra nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến việc huy động tài chính đa cấp, kêu gọi đầu tư ngoại hối, vàng, chứng khoán, tiền ảo, forex... với lãi suất cao. Sau khi thu được một lượng tiền nhất định, các đối tượng sẽ khóa, đánh sập các trang web, phần mềm ứng dụng (app), người tham gia không truy cập được. Chỉ đến khi đó, nạn nhân mới biết mình đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ (khoanh tròn) mở lớp dạy thủ đoạn lừa đảo cho nhân viên.


Mới đây nhất, Công an Hà Nội phối hợp các cục nghiệp vụ Bộ Công an và cơ quan chức năng liên tiếp điều tra, khám phá 2 vụ án lớn.

Vụ thứ nhất, triệt phá băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia thông qua hình thức đầu tư vào các sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán trái phép do Phó Ðức Nam cầm đầu (sinh năm 1994; hộ khẩu thường trú: thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu) cấu kết với Lê Khắc Ngọ, lập nhiều công ty với hàng chục văn phòng đại diện trên khắp cả nước hoạt động về lĩnh vực tiếp thị, quảng bá sản phẩm qua điện thoại, tư vấn, bán hàng qua điện thoại, tư vấn đầu tư tài chính.

Thủ đoạn chung của hai vụ án này là lập các công ty "ma", công ty bình phong, mặc dù không đăng ký hoạt động trong lĩnh vực tài chính-chứng khoán, nhưng vẫn tuyển dụng nhân viên hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh.

Cơ quan chức năng đã thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản, ước tính hơn 5.200 tỷ đồng và khởi tố bị can đối với 31 đối tượng trong vụ án. Bước đầu, cơ quan công an xác định có 2.661 bị hại trên toàn quốc.

Vụ thứ hai, bắt giữ nhóm đối tượng lừa đảo đầu tư sàn giao dịch ngoại hối do đối tượng Hồ Bích Ngọc (sinh năm 1996; trú tại: quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cầm đầu, thu giữ 44 xe ô-tô, 85 điện thoại di động, 30 máy tính và hơn 3,3 tỷ đồng; khởi tố bị can đối với 33 đối tượng trong vụ án. Bước đầu, cơ quan công an xác định được 22 bị hại sinh sống tại Hà Nội và các địa phương khác; tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 16 tỷ đồng.

Thủ đoạn chung của hai vụ án này là lập các công ty "ma", công ty bình phong, mặc dù không đăng ký hoạt động trong lĩnh vực tài chính-chứng khoán, nhưng vẫn tuyển dụng nhân viên hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh.

Ðiển hình, Công ty TNHH ARTEX VINA, trụ sở tại quận 1, TP Hồ Chí Minh, do Nam và Ngọ thành lập có khoảng 44 văn phòng đại diện tại Việt Nam (24 văn phòng làm việc tại Hà Nội) với hơn 1.000 nhân viên.

Có thể thấy, thị trường chứng khoán trong nước với những yêu cầu về chứng chỉ và bằng cấp được áp dụng rất nghiêm ngặt, không ai được phép tự ý mở sàn giao dịch trong nước vì hành vi này là phạm pháp, do vậy các đối tượng lừa đảo giả danh các sàn quốc tế để thực hiện hành vi lừa đảo.

Các đối tượng tạo lập, quản lý các trang web có giao diện tiếng Anh để tạo niềm tin cho nhà đầu tư rằng đây là các sàn giao dịch quốc tế, có uy tín, nhưng thực chất các trang web này đều được lập trình, gắn với các tài khoản ngân hàng do các đối tượng quản lý, kiểm soát. Mỗi sàn giao dịch này đều được kết nối với ứng dụng MetaTrader 4, MetaTrader 5 là nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới.

Các đối tượng phân công, phân cấp quản lý nhân viên theo các bộ phận: Quản lý, kế toán, nhân sự, IT, kinh doanh và chăm sóc khách hàng, trưởng nhóm và các nhân viên kinh doanh. Các bộ phận này hoạt động độc lập, hỗ trợ nhau để tiếp xúc với khách hàng. Các nhân viên kinh doanh chủ động tìm các khách hàng có tiềm năng về tài chính, chủ yếu trong các nhóm đầu tư bất động sản, chứng khoán, ngoại hối lớn trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram... Khi tiếp cận khách hàng, các đối tượng cung cấp thông tin sai sự thật; giới thiệu về thị trường tài chính vĩ mô, giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh; giới thiệu các "chuyên gia" về giao dịch (thực tế đều không có kiến thức về tài chính) để hướng dẫn, tư vấn, tạo sự tin tưởng.

Ban đầu, các đối tượng hướng dẫn khách hàng giao dịch nhiều lần với số tiền ít, "có lãi" và rút tiền được; sau đó, sử dụng nhiều kịch bản được xây dựng sẵn, dụ dỗ, thúc đẩy khách hàng nâng vốn giao dịch.

Các đối tượng đưa ra nhận định về thị trường ngoại hối không có kiểm chứng, tư vấn khách hàng đặt nhiều lệnh với mức độ rủi ro cao. Khi khách hàng giao dịch thua lỗ, thậm chí thua hết tiền trong tài khoản (tức "cháy" tài khoản), các đối tượng sẽ củng cố tinh thần, niềm tin, thúc giục khách tiếp tục nạp thêm tiền để gỡ vốn và kiếm lợi nhuận...

Ðến khi khách hàng không còn khả năng về tài chính, các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách hàng đã chuyển. Với mánh khóe lừa đảo tinh vi, các đối tượng mượn danh nghĩa giao dịch chứng khoán quốc tế để lừa đảo người dân tham gia những sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán, hoặc tiền ảo giả mạo.

Tại buổi họp báo do Công an Hà Nội tổ chức mới đây, Thượng tá Cao Văn Thái, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự cho biết: Mặc dù thời gian qua, lực lượng công an cả nước đã cảnh báo người dân về thủ đoạn của loại tội phạm này, tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều nạn nhân bị lừa với số tiền lớn. Hoạt động đầu tư ngoại hối trên các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế trực tuyến hiện chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã từng đưa ra khuyến cáo: Khi tham gia đầu tư chứng khoán quốc tế trên các sàn giao dịch không phải do Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty thành viên tổ chức, vận hành, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, nhất là đối với những lời mời chào lãi suất, lợi nhuận cao, có dấu hiệu không minh bạch; cảnh giác khi nhận được lời mời đầu tư vào sàn giao dịch chứng khoán quốc tế hay phái sinh quốc tế.

Có thể thấy, các vụ lừa đảo tài chính trực tuyến ngày càng tinh vi. Theo đánh giá từ cơ quan chức năng, việc phát sinh các sàn giao dịch lừa đảo xuất phát từ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ. Thực tế, đang có một "lỗ hổng" pháp lý, đó là chưa có quy định cụ thể về môi giới, tư vấn hay giao dịch chứng khoán và tiền tệ quốc tế.

Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần có một phương án pháp lý nhằm đưa ra quy định nghiêm về các hành vi liên quan việc quảng cáo, mời gọi môi giới đầu tư tham gia các sàn chứng khoán quốc tế, các sàn tiền ảo, giao dịch ngoại hối, nhằm quản lý chặt chẽ hơn vấn đề này, giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư cũng như ngăn chặn có hiệu quả loại hình tội phạm này đang có xu hướng ngày càng gia tăng.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/can-trong-khi-dau-tu-tai-chinh-truc-tuyen-post853820.html

  • Từ khóa