Để được 100% mức hưởng, người tham gia BHYT khi thay đổi nơi lưu trú, tạm trú thì phải đăng ký tạm trú hoặc thông báo về việc thay đổi này với cơ quan chức năng.
Nhiều điểm mới trong khám chữa bệnh BHYT
Ngày 2/1, Bộ Y tế tổ chức hội thảo phổ biến các nội dung của thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu lên 3 nội dung quan trọng của thông tư.
Thứ nhất, thông tư ban hành danh mục một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được 100% mức hưởng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (Ảnh: Trần Minh).
Thứ hai, thông tư quy định về cơ sở đăng ký, việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT của người tham gia BHYT.
Thứ ba, thông tư quy định việc sử dụng Phiếu hẹn khám lại, Phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng cả bản giấy và bản điện tử (được tích hợp trên ứng dụng VNeID). Việc này sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở y tế.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế cho biết, trong thông tư có quy định chưa có tiền lệ đó là danh mục bệnh được thông tuyến, người bệnh không phải thực hiện thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đây là lần đầu Bộ xây dựng danh mục bệnh trong hàng ngàn mã bệnh theo danh mục Bộ Y tế đã ban hành.
Khi người tham gia BHYT buộc phải thay đổi nơi lưu trú, tạm trú (như học sinh, sinh viên đi học sau đó về nhà để nghỉ Tết, nghỉ hè…), thì phải đăng ký tạm trú hoặc thông báo về việc thay đổi lưu trú với cơ quan chức năng, cập nhật lên ứng dụng VNeID.
Theo đó, người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế khác nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu không phân biệt địa giới hành chính.
Một điểm rất mới của thông tư là quy định danh mục một số bệnh hiếm, hiểm nghèo, sử dụng kỹ thuật cao được tự đến thẳng cơ sở ở cấp chuyên sâu, cơ bản mà không thực hiện thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh chữa bệnh.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Ảnh: Trần Minh).
Bà Trang thừa nhận, nếu toàn bộ danh mục bệnh ung thư, bệnh tuần hoàn… cho thông tuyến lên cấp chuyên sâu thì sẽ dẫn đến quá tải ở tuyến trên vì chỉ có 1-2 bệnh viện chuyên sâu trong khi mặt bệnh có thể có hàng ngàn mã bệnh.
Như thế, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh nặng khác, người bệnh cấp cứu".
"Chúng tôi tiến hành rà soát toàn bộ các mã bệnh, chi phí như thế nào. Nếu 1 mã bệnh A ở cấp ban đầu, cơ bản tỷ trọng chi của khám rất thấp, hầu hết chỉ khám, đánh giá tình trạng để chuyển đi thì người bệnh có thể lên ngay cấp cơ bản, chuyên sâu.
Ngược lại, nếu bệnh đó đã giải quyết được ở cấp ban đầu tỷ trọng cao, chẩn đoán ra viện là đỡ, khỏi, ổn định thì không cần phải chuyển lên cấp cao hơn", bà Trang nói.
Đồng thời, khi lựa chọn danh mục này cũng phải tính đến vấn đề cân đối quỹ BHYT.
Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định điều kiện, cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, phân bổ thẻ BHYT. Việc khám chữa bệnh BHYT ban đầu sẽ tập trung ở cấp ban đầu và cơ bản, chỉ một số ít ở cấp chuyên sâu.
Quy định về khám chữa bệnh BHYT khi thay đổi nơi lưu trú, tạm trú
Trường hợp thay đổi nơi lưu trú, người tham gia BHYT xuất trình cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT giấy tờ về việc thay đổi nơi lưu trú như sau:
- Văn bản cử đi công tác và thông tin về lưu trú đã cập nhật trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID.
- Thẻ học sinh, sinh viên, học viên và thông tin về lưu trú đã cập nhật trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID.
- Văn bản về việc nghỉ phép có xác nhận của cơ quan, đơn vị quản lý người tham gia BHYT và thông tin về lưu trú đã cập nhật trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID.
- Văn bản cử hoặc phân công nhiệm vụ làm việc lưu động của cơ quan, đơn vị quản lý người tham gia BHYT và thông tin về lưu trú đã cập nhật trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID.
- Giấy tờ thể hiện quan hệ thành viên gia đình theo pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông tin về lưu trú đã cập nhật trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID.
Trường hợp thay đổi nơi tạm trú, người tham gia BHYT xuất trình cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT một trong các giấy tờ chứng minh thông tin về thay đổi nơi tạm trú gồm:
- Phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú.
- Thông báo của cơ quan có thẩm quyền cho người đăng ký tạm trú về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú.
- Thông tin về đăng ký tạm trú trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID.
Theo dantri.com.vn