Cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga đã phá hủy một trong những hệ thống phòng không S-300 cuối cùng của Ukraine, khiến Kiev càng dễ bị tổn thương.
Hệ thống tên lửa Iskander của Nga (Ảnh: Reuters).
Theo Military Watch, các lực lượng vũ trang Ukraine đã trở nên dễ bị tổn thương vì quân đội Nga sử dụng loại tên lửa Iskander-M này.
"Tên lửa đạn đạo Iskander-M đã được sử dụng để chống lại các hệ thống tên lửa phòng không của Ukraine kể từ năm 2024 và đạt nhiều thành công lớn. Nó đóng vai trò như một hệ số nhân lên sức mạnh, làm tăng đáng kể khả năng dễ bị tổn thương của quân đội Ukraine", trang trên viết.
Iskander là vũ khí có độ chính xác cao với tầm bắn lên tới 500 km. Đầu đạn của tên lửa có thể tiêu diệt hầu hết mọi mục tiêu: sở chỉ huy của địch, cột thiết bị, hệ thống phòng không. Kho vũ khí của nó bao gồm cả đạn đạo và đạn có cánh, tạo ra nhiễu điện tử giả khi chúng tiếp cận mục tiêu và trở nên gần như bất khả xâm phạm trước các hệ thống phòng không của đối phương. Iskander có thể bay ở độ cao cực thấp và địa hình hiểm trở.
Trong ngày 6/1, một cuộc tấn công của hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M của Nga phá hủy một số bộ phận của hệ thống phòng không S-300PS của không quân Ukraine gần thành phố Pavlograd ở vùng Dnipropetrovsk.
Địa điểm cực Tây này là một trong những nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh khốc liệt vì Ukraine tiếp tục mất đi nhiều đất đai ở các khu vực nói tiếng Nga giàu tài nguyên của mình. Các thành phần của hệ thống S-300 bị phá hủy có vẻ bao gồm trạm chỉ huy 5N63S, radar chiếu xạ và dẫn đường 30N6 cũng như các phương tiện hỗ trợ liên quan.
Vụ việc lần này là một bằng chứng khác về vai trò tăng cường của các hệ thống tên lửa Nga trong cuộc chiến chống lại những tổ hợp phòng không Ukraine.
Trước đây, Ukraine đã triển khai mạng lưới hệ thống tên lửa đất đối không lớn nhất và có năng lực nhất châu Âu, với các hệ thống S-300P, PS, PT và V được Lực lượng vũ trang Liên Xô tập trung ở đó với số lượng đáng kể khi nước này tan rã, cùng với các hệ thống tầm ngắn bổ sung như BuK tầm trung.
Mặc dù có từ những năm 1980, những hệ thống này của Ukraine đã được nâng cấp tiên tiến và được coi là đi trước thời đại trong Chiến tranh Lạnh, cho phép chúng trở thành vũ khí đáng gờm để chống lại Nga khi các cuộc giao tranh toàn diện nổ ra vào tháng 2/2022.
Tình trạng thiếu hụt S-300 và các hệ thống phòng không khác từ lâu đã là mối quan tâm hàng đầu của những nước ủng hộ Ukraine, trong đó nhiều thành viên NATO đã phản ứng bằng cách làm cạn kiệt nghiêm trọng kho dự trữ hệ thống phòng không tầm xa MIM-104 Patriot của Mỹ để tái vũ trang cho Ukraine.
Tuy nhiên, với các quốc gia phương Tây triển khai các hệ thống phòng không trên bộ với số lượng nhỏ so với Liên Xô, khả năng bù đắp tổn thất của họ bị hạn chế nghiêm trọng.
Ngay từ tháng 11/2022, người phát ngôn chính của không quân Ukraine, Đại tá Yury Ignat đã nói với tờ Financial Times rằng việc không thể mua thêm tên lửa cho các hệ thống S-300 và BuK đã gây ra mối đe dọa lớn cho Kiev.
Vào tháng 4/2023, các tài liệu mật bị rò rỉ từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy Lầu Năm Góc ngày càng lo ngại về tình trạng mạng lưới tên lửa đất đối không của không quân Ukraine.
Các quan chức Lầu Năm Góc đánh giá hệ thống phòng không của Ukraine được giao nhiệm vụ bảo vệ lực lượng ở tuyến đầu sẽ bị cắt giảm hoàn toàn vào cuối tháng 5 năm đó, mở đường cho không quân của Nga đóng vai trò lớn hơn nhiều trên chiến trường trong việc hỗ trợ lực lượng trên bộ.
Điều này thực sự đã trở thành hiện thực, trong đó các cuộc không kích của Nga ngày càng đóng vai trò bổ sung cho ưu thế pháo binh đáng kể của nước này.
Các binh sĩ tiền tuyến của quân đội Ukraine đã than thở về sức mạnh tàn phá bổ sung từ các cuộc ném bom của Nga, nhấn mạnh rằng Moscow đang xóa sổ các boongke ngầm của Kiev và đẩy các vị trí của Kiev vào thế nguy hiểm. Mạng lưới phòng không của Ukraine càng yếu thì không quân Nga càng dễ dàng hỗ trợ cho lực lượng mặt đất.
Theo dantri.com.vn