Phát huy tính chủ động, linh hoạt trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Thứ 6, 10.01.2025 | 09:30:24
64 lượt xem

Năm học 2024-2025 đánh dấu cột mốc quan trọng khi các cấp học trên cả nước thực hiện đầy đủ chu trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sau gần 5 năm, mặc dù vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhưng việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông cũng đạt được những bước tiến đáng ghi nhận.

Một tiết học theo phương pháp mới thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Chợ Mới.

Nhiều chuyển biến tích cực

Nhìn lại hành trình gần 5 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Mục tiêu giáo dục ở các cấp học đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới theo xu hướng của thế giới cũng như phù hợp đối tượng học sinh, giáo viên trên toàn quốc. Theo đánh giá của nhiều địa phương, việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã góp phần hình thành và phát triển những yếu tố căn bản về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực cho học sinh. Các cơ sở giáo dục, bên cạnh việc đa dạng hóa về phương pháp dạy học, giáo viên còn đa dạng hóa về công tác kiểm tra, đánh giá, khai thác hiệu quả sự hỗ trợ của công nghệ thông tin nên đã đạt được hiệu quả bước đầu.

Trong khi đó, nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Bình nhận định: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chuyển hướng từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực cho người học, quan tâm phát triển cả “dạy chữ” và “dạy người”. Đội ngũ nhà giáo đã vào cuộc một cách tích cực. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái, Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Với sự ra đời của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh không còn bị nhồi nhét kiến thức mà thay vào đó, năng lực và khả năng tư duy sẽ được hình thành theo từng cấp độ thông qua các hoạt động học tập. Chương trình được thiết kế để hình thành con người với những phẩm chất, năng lực nhất định, không phải là một bản liệt kê mục lục các môn. Kết quả của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không phải là học sinh thu lượm được bao nhiêu kiến thức, mà là học sinh có được phẩm chất và năng lực gì.

Từ thực tiễn kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên cho biết: Qua các buổi dự giờ, thăm lớp cho thấy, các giờ học của các cơ sở giáo dục đã thực hiện tốt yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học nên học sinh chủ động, tích cực nhiều hơn trong học tập; qua đó có thể tin tưởng vào kết quả phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mặt khác, kỷ cương nền nếp trong các hoạt động giáo dục được nâng cao, thực hiện đánh giá đúng chất lượng thực của học sinh, chất lượng công tác giảng dạy của giáo viên. Giáo viên đã linh hoạt, sáng tạo, chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học trong từng bài học phù hợp từng đối tượng học sinh; cách thức tổ chức thực hiện các hoạt động học một cách linh hoạt để tổ chức dạy học phát huy tính tự học, chủ động, sáng tạo của học sinh, phù hợp môn học.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bám sát các mục tiêu, yêu cầu và cụ thể hóa các nội dung đặt ra trong Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, có tính kế thừa và phát triển, tiếp thu các thành tựu khoa học và kinh nghiệm trên thế giới, có nhiều đổi mới, tiến bộ so với các chương trình giáo dục phổ thông trước đây.

Hệ thống môn học được thiết kế theo hướng bảo đảm cân đối nội dung các lĩnh vực giáo dục, phù hợp từng cấp học, lớp học, khắc phục sự trùng lặp giữa các môn; giảm số môn học và hoạt động giáo dục, giảm số tiết học, đồng thời áp dụng một số biện pháp nhằm khắc phục tình trạng quá tải, tích hợp sâu ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên. Nội dung môn học cơ bản được tinh giản, giảm tính hàn lâm, tăng cường thực hành, vận dụng thực tế và gắn với thực tiễn đời sống. Việc đổi mới phương pháp giáo dục đã được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục, hình thức tổ chức dạy học được đa dạng hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Vai trò chủ động của học sinh được phát huy; giáo viên tự tin, làm chủ lớp học tốt hơn, năng động, tích cực hơn trong từng giờ dạy, thể hiện rõ vai trò người tổ chức, kiểm tra, định hướng.

Khó khăn hiện hữu

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng còn nhiều vướng mắc về các điều kiện bảo đảm thực hiện như điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; xây dựng kế hoạch giáo dục tại các cơ sở còn trùng lặp, chồng chéo; còn lúng túng trong đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh… Đáng chú ý, ngành giáo dục không có thẩm quyền trong việc tuyển dụng giáo viên khiến xảy ra tình trạng thiếu giáo viên đúng chuyên môn, thừa, thiếu giáo viên cục bộ, phân bổ mạng lưới cơ sở giáo dục chưa hợp lý, thiếu nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất là những trở ngại cần được tiếp tục tháo gỡ khi triển khai chương trình trong thời gian tới.

Theo Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành, việc tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn do điều kiện và thời gian chuẩn bị chưa đáp ứng yêu cầu; giáo viên chưa thật sự hiểu sâu chương trình mới (như dạy học tích hợp, hoạt động giáo dục trải nghiệm, giáo dục địa phương), phương pháp phát triển năng lực; khả năng tiếp thu của học sinh không đồng đều, một bộ phận gặp khó khăn.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bám sát các mục tiêu, yêu cầu và cụ thể hóa các nội dung đặt ra trong Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, có tính kế thừa và phát triển, tiếp thu các thành tựu khoa học và kinh nghiệm trên thế giới, có nhiều đổi mới, tiến bộ so với các chương trình giáo dục phổ thông trước đây.

Từ thực tiễn nêu trên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Phú Sơn cho biết: Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả, ngành giáo dục Vĩnh Phúc tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả về quy mô, chất lượng và cơ cấu. Rà soát đội ngũ giáo viên còn thiếu, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tuyển theo vị trí việc làm để bảo đảm tiến độ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đổi mới, chủ động và sáng tạo; ưu tiên tăng chỉ tiêu tuyển giáo viên các môn mỹ thuật, âm nhạc cho các trường phổ thông, nhất là các trường trung học phổ thông giúp học sinh được lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp năng khiếu, năng lực của bản thân và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị) Lê Thị Lan cho biết, Sở sẽ phối hợp Sở Nội vụ và các địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá năng lực giáo viên toàn ngành để có căn cứ xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý hợp lý về cơ cấu, quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên tiếng Anh, tin học đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông 2018; củng cố và phát triển mạng lưới, quy mô trường, lớp học; cải thiện điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong các cơ sở giáo dục phổ thông; tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Sau gần 5 năm triển khai theo từng lớp, cấp học, năm học 2024-2025, quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ hoàn tất chu trình với lớp cuối cùng của các cấp học. Đây cũng là năm học đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức theo phương án mới đáp ứng yêu cầu của đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chặng đường đổi mới giáo dục phổ thông vừa qua dù có nhiều khó khăn, song cho thấy quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và toàn ngành giáo dục để từng bước hình thành tư duy đổi mới trong chính những người thực hiện, thụ hưởng đổi mới và thuyết phục xã hội về kết quả tích cực của đổi mới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục tiếp tục tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; phát huy tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; tiến hành rà soát, đánh giá việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/phat-huy-tinh-chu-dong-linh-hoat-trong-trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-post855313.html

  • Từ khóa