Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta đã thu hút được nhiều dự án FDI lớn trong lĩnh vực R&D như của Samsung, NVIDIA, Foxconn và phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Trong Chương trình hành động của Nghị quyết 57 vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo, nhóm nhiệm vụ số 6 về thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã nhấn mạnh doanh nghiệp chính là "đầu tàu", lực lượng nòng cốt.
Một số nhiệm vụ trọng tâm trong nhóm nhiệm vụ này như xây dựng Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp công nghệ số vươn ra toàn cầu; xây dựng Đề án hình thành các doanh nghiệp công nghệ chiến lược quy mô lớn trong nước để triển khai hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số, công nghệ chiến lược và an toàn an ninh mạng.
Đáng chú ý, nhiệm vụ số 4 về đẩy mạnh thu hút các dự án FDI cho nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước, đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới.
Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, ông Vũ Thanh Tùng, Giám đốc kinh doanh và phát triển sản phẩm, GreenNode, VNG Digital Business cho biết: "Việc đặt trung tâm R&D của NVIDIA ở Việt Nam cho thấy nước ta đang được coi là một thung lũng công nghệ mới của khu vực, nhân sự người Việt trong ngành nghiên cứu sâu về AI và dữ liệu được đánh giá ngang tầm với thế giới.
Điều này sẽ thúc đẩy nhiều làn sóng công nghệ tự động hóa trong nhiều lĩnh vực như y tế, công nghệ xe tự lái, quản lý năng lượng xanh và mở ra nhiều cơ hội mới trong giáo dục, khởi nghiệp".
Sự kiện Việt Nam hợp tác với Nvidia thành lập Trung tâm R&D và Trung tâm Dữ liệu AI đối với sự phát triển của AI tại Việt Nam là một bước ngoặt khá lớn và tin vui đối với ngành công nghệ Việt Nam, nhất là so với các nước trong khu vực và lân cận.
Theo ông Tùng, các Trung tâm nghiên cứu AI đặt ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển khoa học, công nghệ, AI bản địa; đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ của thế giới nói chung.
Trung tâm R&D của các công ty công nghệ lớn được coi là cái nôi để phát triển nhân tài, sản phẩm, hệ sinh thái và định hướng cho các làn sóng công nghệ tiếp theo.
Minh chứng cho điều này, ông Tùng cho biết, sự trỗi dậy của hạ tầng công nghệ và AI ở Trung Quốc không thể thiếu đi sự đóng góp phần lớn của trung tâm R&D mà Microsoft đã xây dựng cách đây hơn 30 năm. Hay như Israel có hơn 400 trung tâm R&D của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia.
Chia sẻ trên mục Tâm điểm của báo Dân trí, Tiến sĩ Võ Văn Lợi, Trưởng khoa Kinh tế - Chính trị, Học viện Chính trị Khu vực 3 bày tỏ: "Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và các công nghệ số trong quản lý và sản xuất sẽ nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Đầu tư vào hạ tầng công nghệ hiện đại không chỉ là bước đi chiến lược để hội nhập quốc tế mà còn là tiền đề để Việt Nam chuyển đổi thành một quốc gia dẫn đầu trong khu vực về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo".
Đánh giá Nghị quyết 57, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết: "Đây là nghị quyết trụ cột cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Trong mấy chục năm qua, Việt Nam đã đi ra thế giới về phần mềm, chúng ta cần thế giới. Từ nay, vài thập kỷ tới, thế giới sẽ cần Việt Nam vì chúng ta có thể vươn lên số một ở lĩnh vực AI, bán dẫn - những công nghệ lõi, mọi quốc gia đề cần, đó là tương lai của Việt Nam", ông Trương Gia Bình khẳng định.
Có thể thấy, Nghị quyết 57 sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn… gắn với chuỗi sản xuất trong nước.
Đồng thời, Nghị quyết sẽ dần hình thành các cơ chế, chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đầu tư cho nghiên cứu và phát triển để đổi mới công nghệ, đẩy mạnh sản xuất thông minh, nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm.
Trong tiến trình hình thành và phát triển nền kinh tế số, nhận thức rõ vai trò then chốt của doanh nghiệp, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chính sách "mở đường" cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tiếp cận và làm chủ công nghệ số, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Các chính sách này sẽ thổi luồng sinh khí mới, tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp tự tin chuyển mình, nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. |
Theo dantri.com.vn