Theo Chính phủ, khi sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong 5 năm, sẽ có 20% viên chức hưởng lương từ ngân sách bị mất việc. Như vậy, mỗi năm có tối đa 4% - 68.000 người - có thể mất việc.
Luật Việc làm sửa đổi vừa được Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 7 cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Trước đó, Báo cáo đánh giá tác động bổ sung của Chính phủ đã cập nhật nội dung đánh giá tác động về việc cân đối quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Liên quan đến quy định hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) tại khoản 6 Điều 41 quy định: "Người sử dụng lao động khi tuyển dụng và sử dụng người lao động là người khuyết tật thì được giảm tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động là người khuyết tật trong thời gian người lao động làm việc, nhưng thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng theo quy định của Chính phủ".
Theo tính toán của Chính phủ, khi sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với lộ trình 5 năm, sẽ có 20% viên chức hưởng lương từ ngân sách bị mất việc (Ảnh: Tiến Tuấn).
Chính phủ cho biết đây là quy định mới nhằm khuyến khích việc tuyển dụng, tạo việc làm cho người lao động là người khuyết tật, tạo điều kiện cho người lao động là người khuyết tật tích cực tham gia vào thị trường lao động.
Theo kết quả điều tra quốc gia về lao động việc làm và Điều tra quốc gia người khuyết tật Việt Nam, năm 2023 có 31% trong tổng số 6,4 triệu người khuyết tật có khả năng lao động (khoảng 2 triệu người).
Dự kiến, chính sách này giúp thu hút 10% người khuyết tật có khả năng lao động, với mức tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp hiện nay là 6 triệu đồng/tháng, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng là 1% mức tiền lương tháng thì số tiền giảm thu bảo hiểm thất nghiệp tối đa khoảng 144 tỷ đồng/năm.
Về chế độ trợ cấp thất nghiệp do ảnh hưởng của việc thực hiện tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Chính phủ cho biết theo quy định hiện nay, viên chức và người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp và sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định; công chức không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nên không được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giảm biên chế, cơ cấu lại, các bộ, ban, ngành và địa phương giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước với lộ trình thực hiện là 5 năm.
Tuy nhiên, theo Chính phủ, hiện nay phần lớn các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ tài chính nên số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước không nhiều. Do vậy, số người mất việc làm do sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị chủ yếu là công chức.
Số liệu của Chính phủ cho thấy cả nước có khoảng hơn 1,7 triệu người lao động là viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm cả các đơn vị đã tự chủ tài chính. Khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với lộ trình thực hiện là 5 năm sẽ có 20% viên chức hưởng lương từ ngân sách bị mất việc. Như vậy, mỗi năm chỉ có tối đa 4% (68.000 người) viên chức hưởng lương từ ngân sách có thể bị mất việc làm, chiếm một phần nhỏ trong tổng số người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp (trên 1 triệu người/năm).
Mặt khác, trong tổng số 20% viên chức mất việc làm do sắp xếp tổ chức bộ máy, phần lớn là các đối tượng thuộc diện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi. Do vậy, số viên chức nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp và số tiền phát sinh hỗ trợ đối tượng này hằng năm không nhiều, theo nhận định của Chính phủ.
Về khả năng cân đối quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi thực hiện tổng thể các chính sách theo quy định mới tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Chính phủ cho biết từ năm 2010 đến hết năm 2020, số thu luôn vượt số chi, hết năm 2020, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp gần 90.000 tỷ đồng.
Năm 2021-2022, do phải chi hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nên số chi cao hơn số thu. Tính đến hết năm 2023, số tiền kết dư Quỹ trên 60.000 tỷ đồng.
Chính phủ tính toán khi thực hiện các quy định tại Luật Việc làm (sửa đổi), số tiền giảm thu vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khoảng 144 tỷ đồng/năm, phát sinh tăng chi từ Quỹ mỗi năm khoảng 1.675 tỷ đồng.
Theo số liệu thu chi bảo hiểm thất nghiệp và kết dư Quỹ khá lớn như hiện nay, Chính phủ nhận định Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn trong 10 năm tới.
Theo dantri.com.vn