Theo TS.BS Nguyễn Bình Nguyên, Trung tâm Tiêu hóa Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, ung thư đại trực tràng ngày càng trẻ hóa, do thói quen nhiều người trẻ đang mắc phải.
TS Nguyên cho biết, ung thư đại trực tràng đang trở thành gánh nặng y tế toàn cầu, đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc và thứ 2 về tử vong theo thống kê GLOBOCAN 2022. Tại Việt Nam, căn bệnh này ngày càng trẻ hóa, nhiều trường hợp dưới 45 tuổi đã mắc, thậm chí có bệnh nhân mới 20 tuổi.
"Tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng tăng nhanh do hai yếu tố: Lối sống và di truyền. Trong đó, lối sống "Tây hóa" với hai thói quen rất phổ biến về ăn uống và vận động. Người trẻ ăn quá nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, ăn ít chất xơ, hút thuốc, uống rượu và ít vận động là tác nhân hàng đầu", TS Nguyên nói.
Nội soi dạ dày, đại tràng giúp phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Cùng quan điểm này, TS.BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K đánh giá, ung thư đại trực tràng ở nước ta cũng như nhiều nước đang phát triển tăng nhanh do liên quan trực tiếp đến lối sống, chế độ ăn.
Người dân dần thích nghi với lối sống của phương Tây, tiêu thụ nhiều thịt đỏ, ăn ít trái cây và rau xanh, nạp nhiều chất béo, thức ăn nhanh, uống nhiều rượu, hút thuốc lá... nhưng lại ít vận động, là những yếu tố nguy cơ gia tăng tỷ lệ mắc bệnh.
Theo báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, một vấn đề nghiêm trọng đang nổi lên là tình trạng lười vận động và gia tăng tỷ lệ béo phì. Thống kê cho thấy Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có tỷ lệ người dân ít vận động nhất.
Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, với nguyên nhân không thể thay đổi là di truyền và tuổi tác, có tiền sử bệnh, chúng ta cần theo dõi, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh.
Còn nhóm nguyên nhân có thể thay đổi là do lối sống là có thể thay đổi, để giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Để giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, TS Bình khuyến cáo mỗi người hãy ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, ăn ít thịt đỏ và thịt chế biến sẵn. Hạn chế hoặc ngừng rượu bia, bỏ thuốc lá.
Khuyến cáo của WHO mỗi người trưởng thành cần ăn ít nhất 5 suất rau, trái cây khoảng (400g) hằng ngày để phòng bệnh ung thư, tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.
Tăng cường hoạt động thể chất giúp giảm cân, giảm nguy cơ ung thư đại tràng và polyp.
Người lớn từ 18-64 tuổi nên hoạt động thể lực ít nhất 150-300 phút với cường độ trung bình; hoặc ít nhất 75-150 phút với cường độ mạnh; hoặc sự kết hợp tương đương giữa hoạt động cường độ trung bình và mạnh trong mỗi tuần.
Bên cạnh đó, cần thực hiện sàng lọc định kỳ ung thư đại trực tràng. Đây là "chìa khóa vàng" phát hiện sớm polyp tiền ung thư. Việc cắt bỏ polyp kịp thời có thể giảm nguy cơ ung thư tới 90%.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, người từ 45 tuổi trở lên nên sàng lọc dù không có triệu chứng.
Với người có yếu tố nguy cơ cao (tiền sử cá nhân ung thư đại trực tràng hoặc polyp đại trực tràng, tiền sử gia đình ung thư đại trực tràng, tiền sử bệnh ruột viêm, nghi ngờ mắc hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền, tiền sử xạ trị vùng bụng hoặc chậu), cần sàng lọc sớm hơn, thậm chí từ 20-30 tuổi.
Để sàng lọc ung thư đại trực tràng, có thể thực hiện các phương pháp gồm: Xét nghiệm phân; chụp CT đại tràng; nội soi đại tràng.
Trong đó, phương pháp nội soi đại tràng giúp quan sát các tổn thương ở đại tràng, có thể cắt bỏ các polyp hoặc ung thư giai đoạn sớm, hoặc lấy mẫu sinh thiết trong trường hợp nghi ngờ ung thư mà không thể cắt qua nội soi.
Theo TS Nguyên, chẩn đoán ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm từ khi chưa có triệu chứng giúp điều trị hiệu quả và cải thiện thời gian sống.
Theo dantri.com.vn