Các nước ứng phó thế nào trước "cơn bão" thuế quan từ Mỹ?

Thứ 4, 09.04.2025 | 08:58:46
293 lượt xem

Các quốc gia trên thế giới đang xem xét các biện pháp phù hợp để ứng phó với đòn thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các tàu chở đầy container tại cảng Baltimore, bang Maryland, Mỹ (Ảnh: Reuters).

Thông báo về thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 2/4 đã thúc đẩy các cuộc thảo luận sôi nổi tại các quốc gia trên khắp thế giới về cách ứng phó tốt nhất. Đòn thuế đối ứng của Tổng thống Trump không chỉ vượt xa dự đoán của thị trường, mà còn nhắm vào các đối tác và đồng minh của Mỹ một cách sâu sắc nhất.

Các nước hiện phải xây dựng kế hoạch ứng phó với chính sách thuế của Tổng thống Trump dựa trên lợi ích quốc gia của mình, đồng thời cũng phải tính đến các yếu tố như mối quan hệ chung với Mỹ, các nghĩa vụ theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sự thay đổi chuỗi cung ứng, các lĩnh vực có khả năng đàm phán và lo ngại về sự trả đũa tiếp theo của Mỹ.

Trung Quốc đã nhanh chóng chọn biện pháp trả đũa. Các quốc gia khác đã báo hiệu khả năng cắt giảm thuế quan đơn phương và bày tỏ sự quan tâm đến việc đàm phán. Liên minh châu Âu (EU) đề cập đến sự cần thiết của việc đạt được thỏa thuận công bằng, nhưng cũng tuyên bố sẵn sàng trả đũa nếu đàm phán thất bại.

Không có cách tiếp cận nào phù hợp với tất cả các quốc gia để ứng phó với thuế quan của Tổng thống Trump. Thay vào đó, dựa trên gần 3 thập niên làm nhà ngoại giao và nhà đàm phán tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, chuyên gia Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, chỉ ra một loạt lựa chọn thực tế mà các quốc gia có thể theo đuổi trong ngắn hạn, riêng lẻ hoặc song song.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Cutler, về lâu dài, các quốc gia sẽ cần suy nghĩ nghiêm túc về cách để khiến mình ít bị tổn thương hơn trước các chính sách thay đổi.

Giải thích 

Tổng thống Trump dường như đã dựa vào một công thức liên quan đến thâm hụt thương mại nhiều hơn là thuế quan để xác định mức thuế quan mà các quốc gia khác được cho là đã áp cho Mỹ và trên cơ sở đó, ông đã áp thuế trả đũa. Nhà Trắng đã chia thâm hụt thương mại của Mỹ (hàng hóa, không phải dịch vụ) theo lượng hàng nhập khẩu từ một quốc gia cụ thể. Tất nhiên, đây khó có thể là cách chính xác để đưa ra mức thuế quan.

Nhiều nền kinh tế sẽ cảm thấy dường như không được ghi nhận xứng đáng cho những hành động gần đây mà họ đã thực hiện để giải quyết những lo ngại của Washington. Các bước này bao gồm việc đơn phương hạ thuế đối với một số mặt hàng nhất định, như Ấn Độ và Israel đã làm; mở rộng đáng kể các khoản đầu tư sản xuất tại Mỹ, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã làm; và hợp tác chặt chẽ với Mỹ để chống lại các biện pháp thương mại không công bằng, như Australia và Canada đã làm.

Các quốc gia đã ký kết các hiệp định thương mại tự do trước đây với Mỹ cảm thấy bị đối xử bất công khi mối quan hệ kinh tế chặt chẽ cũng như thương mại và đầu tư hai chiều gia tăng sau các thỏa thuận đó.

Một số quốc gia bị thiệt hại có thể sẽ theo đuổi chiến lược đầu tiên là cử các quan chức cấp cao đến Washington để cố gắng giải thích với chính quyền Trump về tình trạng đặc biệt của họ và tìm kiếm sự đối xử thuận lợi hơn.

Biện pháp đơn phương

Một số quốc gia đã tìm cách xoa dịu mối lo ngại của Tổng thống Trump.

Những quốc gia này nhận ra rằng họ cần hành động nhiều hơn nữa, có thể bằng cách công bố cắt giảm thuế quan; gỡ bỏ các rào cản phi thuế quan nặng nề; hoặc cam kết mua thêm năng lượng, nông nghiệp, vũ khí hoặc các sản phẩm và dịch vụ khác từ Mỹ.

Những lời đề nghị này có thể làm ông Trump hài lòng, nhưng các quốc gia có thể nhận lại được gì?

Một số quốc gia sẽ hoài nghi về cách tiếp cận này, vì ngay cả khi thực hiện những bước đi như vậy trong nhiều tháng qua cũng không giúp họ tránh khỏi việc bị tăng thuế mạnh. Ví dụ, Ấn Độ đã đơn phương cắt giảm thuế quan đối với một số sản phẩm mà các nhà xuất khẩu Mỹ quan tâm, bao gồm xe máy, nhưng họ vẫn bị đánh thuế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng vào ngày 7/4 sau khi ông Trump công bố chính sách thuế đối ứng (Ảnh: Reuters).

Đàm phán 

Xuất phát điểm là một doanh nhân, Tổng thống Trump đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đàm phán với các đối tác để đổi lấy việc giảm thuế quan. Ông Trump lập luận rằng thuế quan "cho chúng ta quyền lực lớn để đàm phán".

Nhà Trắng cho biết Tổng thống có thể hạ thuế quan khi các đối tác "thực hiện các bước quan trọng để khắc phục các thỏa thuận thương mại không có đi có lại và liên kết với Mỹ về các vấn đề kinh tế và an ninh quốc gia".

Trái ngược với việc thực hiện các biện pháp đơn phương, cách tiếp cận đàm phán mang tính chính thức hơn, bao gồm các kết quả được ghi nhận bằng văn bản về nhiều vấn đề, với các điều khoản thực thi mạnh mẽ.

Mexico và Canada đã cam kết đi theo con đường đàm phán thông qua hệ thống đánh giá được yêu cầu trong thỏa thuận thương mại 3 bên, trong khi các nhà đàm phán từ New Delhi và Washington đang cố gắng đưa ra một thỏa thuận thương mại trước chuyến thăm Ấn Độ mà Tổng thống Trump đã lên kế hoạch vào đầu mùa thu.

Tuy vậy, cách tiếp cận này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các quan chức nước ngoài có thể do dự khi bắt tay vào con đường này vì lo ngại rằng Washington sẽ đưa ra một danh sách dài các yêu cầu, bao gồm nhiều yêu cầu có thể gây khó khăn về mặt chính trị cho họ, mà không giúp họ nhận lại được nhiều.

Các nhà đàm phán nước ngoài cũng đặt câu hỏi về giá trị của các thỏa thuận song phương nếu họ không được đảm bảo trước các đợt tăng thuế quan trong tương lai hoặc các biện pháp đơn phương khác mà chính quyền Trump có thể áp đặt.

Trả đũa

Một số quốc gia có thể phải chịu áp lực trong nước khiến họ buộc phải trả đũa Mỹ. Nhưng đây được xem là con đường rủi ro và không thực tế đối với nhiều quốc gia.

Đáng chú ý, Tổng thống Trump cảnh báo rằng ông chuẩn bị tăng thuế quan hơn nữa nếu các nước trả đũa Mỹ. Cần nhìn lại cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump để biết rằng đây không phải là lời nói suông.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng các quốc gia lớn hơn thường được trang bị tốt hơn để vượt qua "cơn bão" thuế quan, trong khi các quốc gia vừa và nhỏ hơn sẽ do dự hơn trong việc trả đũa, đặc biệt là khi không có sự bảo vệ của WTO.

Cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia cứng rắn nhất trong việc trả đũa Mỹ. Sau phản ứng khiêm tốn ban đầu đối với mức thuế 20%được áp dụng trong 2 tháng đầu tiên của chính quyền Trump, tuần trước Bắc Kinh đã tuyên bố áp thuế với mức tương tự là 34% mà họ nhận được từ Washington. Nhưng không giống như Mỹ, Trung Quốc không đưa ra bất kỳ loại trừ nào đối với sản phẩm hoặc ngành nào.

Ngoài áp thuế trả đũa Mỹ, Bắc Kinh đã bổ sung các biện pháp khác, bao gồm hạn chế hơn nữa đối với xuất khẩu khoáng sản quan trọng sang Mỹ, đưa một số công ty Mỹ vào danh sách đen và mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với công ty Mỹ.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất theo đuổi cách tiếp cận này. Canada đã trả đũa các hành động áp thuế của Tổng thống Trump vào tháng trước và Liên minh châu Âu (EU) đang hoàn thiện gói trả đũa của khối này, dự kiến sẽ không chỉ áp thuế mà còn bao gồm các lĩnh vực khác, chẳng hạn dịch vụ và mua sắm của chính phủ.

Mặc dù Canada, Trung Quốc và EU đang phản ứng bằng các biện pháp trả đũa của riêng từng nước, nhưng cho đến nay họ đã phản ứng tương xứng với Mỹ, tránh một vòng xoáy leo thang.

"Nằm im"

Một chiến lược khác cần được cân nhắc, đặc biệt đối với các nước vừa và nhỏ bị áp mức thuế cơ bản 10%, có thể chỉ là "nằm im", từ đó đẩy sự chú ý của Mỹ hướng vào các quốc gia khác.

Lựa chọn này có thể là biện pháp khả thi nhất đối với nhiều quốc gia.

Đầu tiên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ và Đại diện Thương mại Mỹ có thể sẽ quan tâm đến các nền kinh tế lớn hơn, bao gồm các quốc gia thương mại lớn phải chịu mức thuế cao bất thường.

Thứ hai, lựa chọn này sẽ cho phép các quốc gia âm thầm tìm hiểu những gì không hiệu quả đối với những quốc gia khác trong quá trình hợp tác với Washington, giúp họ chuẩn bị tốt hơn khi đến lượt mình.

Cuối cùng, theo thời gian, họ sẽ chờ xem liệu Nhà Trắng có cân nhắc giảm thuế quan xuống dưới mức 10% hay không, xét theo mục tiêu tạo doanh thu từ việc tăng thuế quan.

Đa dạng hóa thị trường

Nhiều quốc gia đang đẩy nhanh nỗ lực giảm sự phụ thuộc của họ vào thị trường Mỹ, chủ yếu thông qua việc tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế với các quốc gia khác.

Do vậy, một loạt thông báo hợp tác kinh tế đã được đưa ra, chẳng hạn các kế hoạch giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như sự gia tăng hoạt động đàm phán thương mại tự do trên toàn thế giới. EU và Ấn Độ đã ưu tiên khôi phục các cuộc đàm phán trước đây bị đình trệ, Trung Quốc và Hàn Quốc đang nỗ lực nâng cấp hiệp định thương mại tự do, trong khi Canada và Indonesia đang nỗ lực đưa hiệp định thương mại có hiệu lực vào năm tới.

Nhiều quốc gia cũng đang tìm cách gia nhập các hiệp định thương mại hiện có, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, cũng như các hiệp định đa phương trong các lĩnh vực, bao gồm cả không gian kỹ thuật số. Thậm chí EU hiện có thể xem xét lại CPTPP, một lựa chọn dường như không mấy quan tâm chỉ vài tháng trước.

Khi các quốc gia trên khắp thế giới cân nhắc các lựa chọn của họ để phản ứng với thông báo áp thuế của Mỹ, họ sẽ tính toán cẩn thận các lợi ích và rủi ro tiềm ẩn. Một quyết định cần được các nước ngay lập tức đưa ra là liệu có nên thúc đẩy việc đưa họ vào danh sách sớm để thảo luận với Washington hay không, hoặc chờ xem các đối tác của họ sẽ làm gì với Mỹ, cho phép họ có thêm thời gian để đánh giá tác động đối với nền kinh tế toàn cầu và trong nước.

Khi câu chuyện thuế quan diễn ra, sự nhanh nhẹn và linh hoạt từ các quốc gia sẽ là chìa khóa vì họ có thể phải đối mặt với những thay đổi khó lường trong thời gian tới.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/cac-nuoc-ung-pho-the-nao-truoc-con-bao-thue-quan-tu-my-20250409072603775.htm

  • Từ khóa