Doanh nghiệp không chia sẻ thời dịch Covid-19 sẽ “tự đánh mất mình“

Thứ 6, 27.03.2020 | 08:28:54
580 lượt xem

Hành động vô cảm để hưởng lợi nhuận quá mức vô lý trong lúc xã hội chung tay chống dịch cần phải bị lên án và có giải pháp mạnh để giải quyết dứt điểm.

Từ khi xuất hiện Dịch Covid-19 tới nay, nhiều công sức, tiền bạc và nguồn nhân lực đã được tập trung cho công tác chống dịch. Mục đích là để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, bảo vệ sự phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững.

Trong công cuộc chung này đã xuất hiện những tấm gương sáng của đội ngũ các cán bộ nhân viên y tế, các chiến sĩ công an, quân đội, cán bộ công nhân viên các khu cách ly,... Họ sẵn sàng hi sinh cuộc sống riêng, bất chấp mọi nguy hiểm để cùng cộng đồng phòng chống dịch.

Hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ công tác chống dịch của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc các cấp, trên tinh thần tương trợ san sẻ giúp đỡ nhau, chỉ cần một cuộc phát động tin nhắn 20.000 đồng/lượt thì trong một vài ngày đã thu được hàng chục tỷ đồng quyên góp. 

Và còn nhiều những tấm gương khác đáng biểu dương như các mạnh thường quân, bao gồm cả các ca sĩ, nhạc sĩ, các nhà báo, cầu thủ bóng đá, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã ủng hộ hàng trăm tỷ đồng. Nhiều tấm gương phục vụ đời sống nhân dân ở các khu cách ly cũng đáng được biểu dương.

thoi dich covid-19 nhin ve dao duc kinh doanh cua doanh nghiep hinh 1
Nhiều nhà thuốc đặt biển từ chối phục vụ người tiêu dùng trong thời điểm chống dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: KT)

Nhưng cũng trong những ngày cả nước chung tay chống dịch, vẫn còn những sự việc phản cảm, trái với đạo lý, đi ngược với những hành động tốt đẹp kể trên. Đấy là việc hàng nghìn các cửa hàng thuốc và dụng cụ y tế đã bán dụng cụ phòng dịch với giá quá cao so với quy định, hoặc liên kết treo biển hết hàng, sản xuất và bán hàng kém chất lượng cho xã hội đang lao đao vì dịch bệnh. 

Một số cá nhân còn cố tình sử dụng các mạng xã hội để xuyên tạc về tình hình dịch bệnh, tình hình khan hiếm hàng hóa, biến động giá cả thị trường để gây hoang mang, lo lắng cho một bộ phận nhân dân. 

Hay như ngược lại với hình ảnh một số tổ chức cá nhân kinh doanh thương mại sẵn sàng bán hàng không lợi nhuận, sản xuất và phát miễn phí hàng hóa chống dịch cho mọi người,…là một số ngành nghề, lĩnh vực, tổ chức cá nhân vô cảm, lơ là với những diễn biến của xã hội, lợi dụng cơ hội nhằm mục đích mang lại lợi nhuận riêng.

Đơn cử như mặt hàng thịt lợn, suốt từ Tết Nguyên đán đến nay mặt hàng này liên tục tăng giá cao chót vót, chỉ giảm giá nhỏ giọt khi có ý kiến của Nhà nước và Bộ NN&PTNT, hoặc có doanh nghiệp giảm giá một thời gian ngắn sau đó lại tăng giá lại. 

Có một nghịch lý trên thị trường này là từ trang trại chăn nuôi của các tập đoàn lớn, giá lợn hơi cho đến khâu bán lẻ đã tăng từ 45% - 60%. Với mức lãi từ 2 – 3 triệu đồng/con thì một đơn vị có thể thu lãi hàng nghìn tỷ đồng/tháng. Đây là một mức lợi nhuận vô lý, không thể chấp nhận được. 

Nguyên nhân có thể thấy, ngoài việc thiếu hụt nguồn cung lợn thịt sau dịch tả lợn châu Phi còn do một số trang trại chăn nuôi lớn có số lượng áp đảo về số nguồn cung đã có hiện tượng ghìm giá lợn hơi, hoặc liên kết ngang để cùng thống nhất một mức giá và có những hành động biểu hiện của sự tiếp tay cho thương lái và các công ty liên kết. Việc làm này đã tạo thêm những chi phí trung gian rất lớn, góp phần đẩy giá thịt lên cao tại thị trường bán lẻ. 

Trong một cuộc họp gần đây của Bộ NN&PTNT về giá thịt lợn, một lãnh đạo doanh nghiệp chăn nuôi còn thản nhiên phát biểu: “Chúng tôi chỉ sản xuất chăn nuôi theo kế hoạch, không quan tâm tới giá cả thị trường”. Câu nói vô cảm này cho thấy, trong lúc người tiêu dùng đang thắt lưng buộc bụng để chi tiêu hàng ngày thì DN vẫn bàng quan, thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng để thu lợi nhuận kếch xù.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, trong thời kì giá lợn thịt bị sa sút, có lúc giảm còn 22.000 – 25.000 đồng/kg thì chính ngành chăn nuôi đã phải kêu gọi người tiêu dùng giải cứu. Đến thời điểm hiện nay, khi giá lợn hơi đã tăng gấp rưỡi, gấp đôi một cách vô lý thì chính họ lại bỏ mặc, quên nhiệm vụ “giải cứu” người tiêu dùng.

thoi dich covid-19 nhin ve dao duc kinh doanh cua doanh nghiep hinh 2
Giá thịt lợn từ đầu năm đến nay luôn trong trạng thái cao "chót vót".

Bình luận về điều này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ, mua bán trên thị trường là một sự thỏa thuận giữa các bên, nhưng những hành động vô cảm trong lúc khó khăn chung của mọi người để hưởng lợi nhuận quá mức vô lý, nhất là trong khi Chính phủ đã kêu gọi phải liên kết, phải chia sẻ, kể cả chia sẻ lợi nhuận thì những hành vi đó cần phải bị lên án và phải có những giải pháp mạnh để giải quyết dứt điểm. 

Được biết, trong cuộc họp gần đây nhất, các ngành đã đề nghị sẽ trình Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá, từ đó có thể kiểm soát việc hình thành giá vốn và giá bán ra trên thị trường, nếu có biến động cần tăng giá sẽ phải giải trình với các ngành và các địa phương. 

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, kinh tế chia sẻ là một phạm trù đạo đức trong các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời đại hiện nay. Khi công cuộc chống dịch Covid-19 chưa có hồi kết, đòi hỏi các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh cần phải chung sức, chung lòng, phải chia sẻ trước những khó khăn chung của xã hội. 

“Những sự chia sẻ trong lúc khó khăn chính là hành động tạo dựng thương hiệu, tạo dựng niềm tin cho các doanh nghiệp. Ngược lại nếu tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh nào không biết chia sẻ thì sẽ tự đánh mất mình trong việc xây dựng thương hiệu sẽ bị xã hội phê phán mạnh mẽ”, ông Phú nói./.


Nguyễn Quỳnh/VOV.VN 

https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-khong-chia-se-thoi-dich-covid19-se-tu-danh-mat-minh-1027445.vov

  • Từ khóa