Cần giải pháp điều tiết vĩ mô

Thứ 3, 31.03.2020 | 14:34:13
658 lượt xem

Theo số liệu rà soát của Sở Công thương, giá thịt lợn đang bán tại các chợ trên địa bàn tỉnh ở mức trung bình 140 nghìn đồng/kg. Mức giá này đã giảm khoảng 10 nghìn đồng so với thời điểm đầu tháng 3/2020. Tuy vậy, mức giá này vẫn cao hơn 6 – 8% so với thời điểm tháng 2/2020.


Người dân mua thực phẩm tươi sống tại Siêu thị Vinmart

Khảo sát thực tế giá cả mặt hàng thịt lợn đang bán tại một số chợ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn cho thấy: giá sản phẩm thịt lợn tươi sống còn cao hơn giá rà soát của cơ quan quản lý Nhà nước (giá ở mức 140 – 150 nghìn đồng/kg). Đây là một trong những yếu tố khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung của toàn tỉnh tháng 3 tăng gần 11% so với thời điểm tháng 1/2020. Trong đó, nhóm mặt hàng thực phẩm và dịch vụ ăn uống (so với 7 nhóm mặt hàng chính) tăng cao nhất (20,47%). Chỉ số tiêu dùng nhóm mặt hàng này tăng cao như vậy bởi theo thống kê của ngành công thương tỉnh thì thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu, chiếm tỉ trọng khoảng 70% trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm hàng ngày.

Thời gian qua, nhằm bình ổn thị trường thực phẩm tươi sống, trong đó có sản phẩm thịt lợn, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên toàn quốc chung tay cùng Nhà nước thực hiện giảm giá lợn hơi xuống khoảng 70 nghìn đồng/kg. Tuy vậy, hiện giá thịt lợn hơi thu mua tại tỉnh vẫn còn rất cao, khoảng 80 nghìn đồng/kg. Vì vậy, giá sản phẩm thịt lợn tiêu dùng chưa thể giảm xuống ở mức mong muốn (khoảng 110 nghìn đồng/kg).

Được biết, từ đầu năm 2020 đến nay, đặc biệt là từ đầu tháng 3/2020 đến nay, để bình ổn thị trường, trong đó có sản phẩm thịt lợn, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện một số giải pháp, tuy nhiên, sản lượng thịt lợn cung ứng nội tỉnh chưa cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh (sản lượng chỉ đạt từ 15 – 20 nghìn tấn/năm, sản lượng này chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh) và để cung ứng đủ nhu cầu về sản phẩm thịt lợn thì vẫn phải nhập lợn từ các địa phương khác (trung bình khoảng 10 nghìn tấn/năm). Chính điều này khiến công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn chưa đạt yêu cầu đề ra.

Qua tìm hiểu thông tin từ một số chủ hàng bán thịt lợn, chúng tôi được biết: do tầm quan trọng của loại thực phẩm thiết yếu này nên một số chủ hàng có thời điểm đã tự đẩy giá thịt lợn bán cho người tiêu dùng lên cao gấp 1,5 lần so với giá thực tế. Bà Nguyễn Thị Vân, chủ sạp thịt lợn tại chợ Đông Kinh cho biết: Giá cả thịt lợn hay bất cứ mặt hàng nào thì cũng đều theo quy luật thị trường, giá đầu vào cao thì giá đầu ra cũng sẽ cao. Nếu muốn giá sản phẩm thịt lợn giảm thì các doanh nghiệp cung ứng phải giảm giá bán lợn hơi.

Về vấn đề này, ông Đinh Kỳ Giang, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, sở đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm bắt tình hình chăn nuôi của nhân dân; địa bàn nào đã khống chế hoàn toàn được dịch tả lợn châu Phi thì khuyến khích người dân tăng số lượng đàn lợn nhằm tăng sản lượng cung ứng mặt hàng thực phẩm thịt lợn của nội tỉnh. Đây là yếu tố quan trọng để giảm giá thịt lợn hơi xuống thấp hơn nữa so với hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh, để kéo giảm giá thịt lợn thì cần giải pháp điều tiết ở tầm vĩ mô. Bởi hiện tại, giá lợn giống (1,3 – 1,5 triệu đồng/con giống), giá thức ăn gia súc… còn cao. Do đó, bên cạnh việc bình ổn mặt hàng thực phẩm thịt lợn tươi sống, thì cũng cần thực hiện bình ổn một số mặt hàng liên quan đến chăn nuôi gia súc.

Có thể thấy, trong tình hình các cơ sở chăn nuôi lợn nội tỉnh chưa đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, để có thể sớm bình ổn được giá cả mặt hàng thịt lợn thì không hề đơn giản. Giải pháp hiện tại mà ngành công thương tỉnh đang thực hiện cũng chỉ là xây dựng phương án nhằm bình ổn thị trường. Bên cạnh việc thường xuyên nắm bắt diễn biến giá cả thịt lợn trên thị trường, sở phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh lập đoàn kiểm tra đột xuất các cơ sở buôn bán thịt lợn tại các chợ, không để các chủ hàng tăng giá quá cao, qua đó, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Cùng đó, tăng cường kiểm tra các cơ sở chăn nuôi lợn lớn, qua đó đảm bảo việc cung ứng lợn ra thị trường đúng số lượng đã cam kết theo từng ngày, đồng thời đảm bảo việc giá lợn hơi không tăng quá cao.

                                                   

TRÍ DŨNG/baolangson.vn

http://baolangson.vn/kinh-te/thi-truong/278880-can-giai-phap-dieu-tiet-vi-mo.html

  • Từ khóa